<p>Kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9</p>

Trở lại căn cứ cách mạng bên bờ bắc sông Cầu

NDO - Dải đất bên bờ bắc sông Cầu - Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã ghi danh vào lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc khi chứng kiến hai sự kiện tiêu biểu: Trận thắng quyết định của quân dân Ðại Việt dưới sự lãnh đạo của danh tướng Lý Thường Kiệt, trên dòng Như Nguyệt (nay là sông Cầu) năm 1077, buộc nhà Tống phải thừa nhận Ðại Việt là một quốc gia.

Trong cách mạng Tháng Tám 1945, đình Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, cũng là nơi giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất tỉnh, thổi bùng ngọn lửa cách mạng để Bắc Giang trở thành một trong bốn tỉnh đầu tiên khởi nghĩa thắng lợi, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ðến Hoàng An, Hoàng Vân, chúng tôi cảm nhận nét thanh bình đậm chất làng quê Bắc Bộ. Những tán cổ thụ trùm lên đình Chợ Vân, soi bóng xuống ao làng vừa nên thơ, vừa cổ kính. Bên đình chợ Vân, những bậc cao tuổi trong làng đã kể cho chúng tôi về niềm tự hào của người dân quê mình trong những tháng ngày đấu tranh gian khổ và hào hùng ấy. Ông Nguyễn Minh Ðỗ, 75 tuổi, nhớ lại: Thời kỳ vận động cách mạng tôi còn nhỏ, được các bậc cha chú kể về Tổng Hoàng Vân xưa, có vị trí thuận lợi, có sông Cầu làm địa giới tự nhiên, dân cư sống tập trung, làng xóm tạo thành những địa thế đồn lũy phòng thủ. Bởi vậy, Trung ương đã sớm chọn nơi đây để gây dựng cơ sở. Cuối năm 1938, đồng chí Hoàng Quốc Việt được giao nhiệm vụ về Hoàng Vân tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho một số gia đình nông dân, nhất là tầng lớp thanh niên yêu nước. Chỉ trong thời gian ngắn, phong trào đã đi sâu vào thôn xóm, tổ chức nên những hoạt động vừa bí mật, vừa công khai để tập hợp quần chúng. Qua đó, cán bộ cách mạng đã từng bước tiếp cận, vận động, nâng cao nhận thức về Ðảng, về cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân...

Trước tình hình thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, vơ vét thóc gạo, bắt phu, bắt lính... được sự chỉ đạo từ Trung ương, các tổ chức phường hội lúc này chuyển dần thành tổ chức phản đế. Truyền đơn được bí mật rải thường xuyên; áp-phích, khẩu hiệu xuất hiện liên tục ở chợ và chỗ đông người. Lúc này, phong trào đấu tranh cách mạng dâng cao, đòi hỏi có một tổ chức bí mật, kỷ luật nghiêm ngặt "cứng như sắt, vững như đồng" để định hướng quần chúng trên con đường giai cấp tranh đấu. Ngày 16-2-1940, tại đồi Ðống Mú, làng Vân Xuyên, đồng chí Lê Hoàng (tức Nguyễn Văn Dung), Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đã tuyên bố kết nạp ba quần chúng trung kiên vào Ðảng, thành lập Chi bộ Hoàng Vân, lãnh đạo quần chúng ở Hiệp Hòa tiến lên giành những thắng lợi cách mạng mới. Ðể bảo đảm cho lực lượng cách mạng phát triển mạnh và vững chắc, đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương tiến hành xây dựng An toàn khu thứ hai (ATK2) của Trung ương. 11 xã của Hiệp Hòa nằm trong ATK 2: Hoàng Vân, Ðồng Tân, Thanh Vân, Hoàng An, Hoàng Lương... Sau này mở rộng ra năm xã khác nữa; thành lập Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ và đặt cơ quan Thường trực tại Hoàng Vân, gần nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Ðảng, Xứ ủy Bắc Kỳ; cơ quan ấn loát, biên tập báo của Ðảng, các lớp huấn luyện, hội họp... các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Thái, Trần Ðăng Ninh, Nguyễn Trọng Tỉnh... đã thường xuyên hoạt động tại vùng. Tháng 8-1944, tại ATK2, Trung ương Ðảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã tổ chức Hội nghị quân sự quyết định những vấn đề cấp bách quan trọng, có các đồng chí lãnh đạo cấp cao như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Ðăng Ninh, Văn Tiến Dũng và Lê Thanh Nghị tham dự. Sau hội nghị Trung ương mở rộng (9-3-1945), Trung ương cử đồng chí Lê Thanh Nghị về địa bàn chỉ đạo cao trào kháng Nhật, cứu nước; tổ chức các hội nghị phổ biến Chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Ngày 12-3-1945, trước sự hoang mang, dao động của kẻ thù, phía ta đã phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền tại Xuân Biều, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh Bắc Giang, cũng như trên toàn quốc.

Kể về sự kiện xảy ra ở đình Xuân Biều tối 12-3 cách đây hơn 67 năm, cụ Ngô Ðình Kế, 91 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng, một trong những chiến sĩ tự vệ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, canh gác để buổi mít-tinh thắng lợi, vẫn như chưa quên không khí sục sôi, phấn khích trước chiến thắng của cả nghìn người dân quê nghèo. Cụ kể: Khoảng 6 giờ chiều hôm đó, chúng tôi được lệnh ra bờ sông đón một người mặc quần áo đen, vai khoác xà-cột (sau này mới biết đó là đồng chí Lê Thanh Nghị), đưa về Xuân Biều. Ðồng chí chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng. Cuộc họp vừa tan, cán bộ của ta triệu tập ngay lý trưởng đến, tịch thu bằng triện. Bà con gióng trống, mở cờ, triệu tập mít-tinh ở đình. Sau một loạt súng thị uy, đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh tuyên bố thủ tiêu chính quyền cũ, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng, bầu năm người vào ủy ban, do đồng chí Kiểm Ê làm Chủ tịch. Khi đồng chí Tỉnh thay mặt chính quyền cách mạng, đọc lời thề danh dự, hàng trăm người nhất loạt hô vang: "xin thề", "tiến lên", khí thế bừng bừng chiến thắng...

Với lòng tự hào về quê hương, đồng chí Lê Văn Hoan, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Xuân Biều, như thuộc lòng lịch sử thôn xóm. Ðứng trên sân ngôi đình cổ, bên triền đê sông Cầu, nơi diễn ra lễ mít-tinh 67 năm trước, đồng chí kể tiếp câu chuyện của cụ Kế: Nhiệm vụ cấp thiết nhất lúc này là cứu đói cho dân. Hàng nghìn người được tổ chức phá kho thóc Nhật ở đồn Cọ và đồn Trị Cụ, tiến tới đồn Vát, mang về lượng thóc lớn chia cho dân nghèo. Tinh thần chiến thắng như giục giã, khích lệ những vùng lân cận mau chóng hành động, nổi dậy giành chính quyền. Ngày 12-7-1945, hàng nghìn quần chúng, tự vệ, cán bộ, đảng viên đại diện cho ba huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Phổ Yên, Phú Bình (Thái Nguyên) tập trung tại đền Ia Sơn (xã Hòa Sơn), tổ chức biểu dương lực lượng. Ðồng chí Lê Quang Ðạo, thay mặt Trung ương, đọc diễn văn kêu gọi đồng bào đứng lên làm cách mạng để dân tộc được giải phóng, đồng bào được tự do. Những tên địch cuối cùng ở đồn Trị Cụ sợ hãi, rút chạy về Thái Nguyên. Hiệp Hòa đã hoàn toàn giải phóng, trở thành khu căn cứ vững chắc, thúc đẩy phong trào, tiến tới giải phóng toàn tỉnh Bắc Giang vào ngày 18-8-1945, là một trong bốn tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất cả nước.

Ðường rời ATK2, lẫn trong mầu xanh rì của cánh đồng lúa đang thì con gái, những ngôi nhà cao tầng nhấp nhô trong bóng tre làng cho chúng tôi cảm nhận về cuộc sống tươi mới, sự phát triển trên vùng căn cứ cách mạng. Dừng bước trước Trường THPT Hiệp Hòa 4, gặp thầy và trò nhà trường đang hối hả chuẩn bị đón năm học mới, thầy giáo Ðào Duy Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường luôn quan tâm giáo dục các em niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương. Ðoàn Thanh niên nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tri ân, chăm sóc các gia đình có công, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; cử học sinh quét dọn, thuyết minh cho khách đến thăm di tích ATK2; quyên góp ủng hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Những ngày này, thầy và trò nhà trường đang khẩn trương hoàn thành những sản phẩm để "mỗi người một lá cờ, một bức thư gửi tới Trường Sa".

Truyền thống quê hương và sự hy sinh cao cả của lớp cha ông sẽ hun đúc tình yêu quê hương, đất nước trong lòng những người trẻ, tạo động lực để Hiệp Hòa có bước phát triển rạng sáng hơn.