Trên quê hương đồng chí Hà Huy Tập

NDO -

Tiếp nối tinh thần kiên trung của đồng chí Hà Huy Tập, những năm qua, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới. Ý chí bền bĩ, kiên trung của đồng chí Hà Huy Tập đã và đang tiếp sức cho xứ Cẩm vươn lên mạnh mẽ. 

Diện mạo nông thôn mới Cẩm Xuyên ngày càng khởi sắc.
Diện mạo nông thôn mới Cẩm Xuyên ngày càng khởi sắc.

Đồng chí Phạm Đăng Nhật, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên chia sẻ: Theo lộ trình được Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ 32, nhiệm kỳ 2020 -2025 xác định,  huyện Cẩm Xuyên sẽ về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2020. Tính đến tháng 6-2020, có 21/21 xã đã được công nhận đạt chuẩn. Khi đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí cuối cùng để về đích huyện NTM vào cuối năm 2020, trận lũ lịch sử xảy ra vào cuối tháng 10-2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 19/21 xã trên địa bàn, với tổng  mức thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng.

Sau lũ, toàn bộ hệ thống hạ tầng, tư liệu sản xuất ở khu vực ngập lụt, nhất là vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ bị tổn thất nghiêm trọng, vì vậy, nhiệm vụ xây dựng NTM bị chững lại trong một thời gian.

“Đứng trước thử thách đó, chúng tôi xác định, đoàn kết, đồng tâm vươn lên vẫn là mấu chốt của vấn đề. Khi xác định trúng phương hướng, chúng tôi linh hoạt lựa chọn, thực hiện các nhiệm vụ, phần việc có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của mỗi địa phương”, đồng chí Phạm Đăng Nhật cho biết.

Trên quê hương đồng chí Hà Huy Tập -0
Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, bền vững đã hình thành trên đồng đất xứ Cẩm. 

Với cách làm đó, chỉ sau một thời gian ngắn, huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành việc khôi phục đời sống dân sinh và khắc phục hệ thống hạ tầng thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau lũ. Có tận mắt chứng kiến hơn 1.200ha rau màu được phủ kín trên những ruộng đồng từng mênh mông nước lũ, hàng nghìn căn nhà mới được sửa sang… sẽ cảm nhận rõ sức sống bền bỉ của bà con nơi đây.

“Gói lại” năm 2020, toàn huyện có 18/23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Riêng lĩnh vực NTM, Cẩm Xuyên có hai xã được công nhận đạt chuẩn NTM; thêm 12 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, 136 vườn mẫu, 11 sản phẩm OCOP đạt ba sao… Đặc biệt, dù khó khăn nhưng Cẩm Xuyên vẫn thu ngân sách đạt 414 tỷ đồng, tăng 47,9% so với năm 2019 và vượt 38% kế hoạch. Đây là năm vượt thu cao nhất từ trước đến nay của địa phương.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện nay, có 21/21 xã đạt chuẩn NTM, (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội 25% số xã), hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hoàn thành 9/9 các tiêu chí huyện NTM. Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu được đẩy mạnh và trở thành phong trào trong toàn huyện với 104 khu dân cư mẫu và 1.037 vườn mẫu đạt chuẩn. Bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ nét; cảnh quan, môi trường được cải thiện khang trang; thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Thiên Cầm từng bước được chỉnh trang; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người lên 41,31 triệu đồng/năm.

Trên quê hương đồng chí Hà Huy Tập -0
 Cẩm Xuyên là một trong ít huyện ở Hà Tĩnh được đánh cao về cảnh quan, môi trường nông thôn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho rằng, bên cạnh sự khởi sắc về diện mạo nông thôn, “chất” NTM của huyện nhà đã có những bước tiến rõ nét. Biểu hiện rõ nhất chính là tỷ lệ hài lòng của người dân về kết quả chung xây dựng NTM đạt 98,8%. Kết quả có được nhờ địa phương biết khơi dậy sức dân, coi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân vừa là phương pháp vừa là đích đến của xây dựng NTM.

Theo đồng chí Lê Ngọc Hà, ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Cẩm Xuyên đã quy hoạch, khai thác tiềm năng, lợi thế của ba vùng sinh thái gắn với việc hình thành các sản phẩm nông thôn chủ lực. Hơn 300 trang trại chăn nuôi có quy mô lớn và hàng trăm héc-ta cây ăn quả tại vùng đồi núi đã được tổ chức sản xuất đi vào chiều sâu, tham gia chuỗi liên kết theo hướng sản xuất an toàn, bền vững.

Đối với vùng đồng bằng, phương thức sản xuất theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã được triển khai với 1.700ha sản xuất lúa đồng nhất về giống, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Cũng tại vùng sinh thái này, mô hình sản xuất vườn mẫu liền kề đã được hình thành, tạo chuyển biến mới trong nhận thức của người nông dân và tạo điều kiện để sản phẩm nông nghiệp vươn xa trên thị trường.

Tại vùng ven biển, công tác xây dựng thương hiệu gắn với chế biến sâu cho các sản phẩm thủy hải sản đã được chú trọng, nhờ đó đã có 8/11 sản phẩm OCOP của địa phương được xây dựng tại vùng sản xuất này.  

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên, nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nên tinh thần không ngơi nghỉ của đồng chí Hà Huy Tập lan tỏa mạnh mẽ trong quá trình xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Tại xã Cẩm Bình, một trong những điểm sáng của huyện Cẩm Xuyên về xây dựng NTM, sau khi cán đích NTM vào năm 2013, đảng bộ và nhân dân Cẩm Bình vẫn xác định xây dựng NTM là một cuộc cách mạng lâu dài về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, thỏa mãn với kết quả đạt được đồng nghĩa với nguy cơ bị bỏ lại phía sau.  “Sau đạt chuẩn, chúng tôi tiếp tục bắt tay thực hiện đề án nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời ra sức cũng cố, nâng cao vững chắc các tiêu chí đạt được một cách bền vững, năm 2019, Cẩm Bình được công nhận đạt NTM nâng cao, dự kiến tháng 6-2021 chúng tôi sẽ hoàn thành xã NTM kiểu mẫu”, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, Nguyễn Thiên Toàn cho biết.

Trên quê hương đồng chí Hà Huy Tập -0
98,8% người dân Cẩm Xuyên hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới.  

Dẫn chúng tôi dạo bộ trên khu vườn rộng hơn 4.200 m2, ông Nguyễn Ký Toàn, thôn Tân An (Cẩm Bình) bộc bạch, so với thời kỳ trồng cam trước đây, khu vườn được quy hoạch thành các vùng sản xuất hoa màu theo phương châm “mùa nào, thức nấy” mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Tuy vậy, được sự hướng dẫn, động viên của chính quyền địa phương, gia đình chúng tôi tiếp tục cải tạo đất vườn, tiếp thu kỷ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học làm phân bón, xây dựng mô hình vườn mẫu liền kề, đồng nhất về sản phẩm, tạo nguồn cung ổn định cho doanh nghiệp thu mua, góp phần nâng cao giá trị kinh tế đồng thời giải quyết ổn thỏa vấn đề đầu ra sản phẩm. Được biết, không riêng gì gia đình ông Nguyễn Ký Toàn, tại thôn Tân An đã có 25 vườn mẫu liền kề được xây dựng mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Cũng với lối nghĩ đó, hàng trăm hộ trồng dưa ở xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) đã tham gia chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với dòng sản phẩm chủ đạo là cây mướp đắng. Thông qua phương pháp truy xuất nguồn gốc, sản phẩm do người dân làm ra được thị trường đón nhận nhiệt tình. Ông Nguyễn Văn Thanh tổ trưởng tổ sản xuất VietGAP Cẩm Trung tính toán, với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thời gian tới, phương thức sản xuất sạch, minh bạch thông tin về quy trình sản xuất sẽ không dừng lại ở 34 thành viên hiện có mà sẽ mở rộng quy mô, kết nối với các hộ dân có nhu cầu và điều kiện sản xuất rau, củ quả an toàn trên địa bàn Cẩm Trung để biến nơi đây thành “vựa” thực phẩm sạch của Hà Tĩnh.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển của địa phương, đồng chí Phạm Đăng Nhật, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên nhấn mạnh: Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được thời gian qua, nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt trong thời gian tới vẫn sẽ là tục tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, nhằm phát huy nội lực, sức sáng tạo của cộng đồng trong xây dựng NTM.