Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Trách nhiệm người đứng đầu trong kiểm điểm, tự phê bình

Nhất trí với phương hướng, chủ trương mà Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII về công tác xây dựng Đảng, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhưng tôi băn khoăn là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong không ít cán bộ, đảng viên, kể cả ở những nơi tưởng chừng rất nền nếp, chuẩn chỉ, những nơi được ví như cực tăng trưởng, là đầu tàu,…

Chúng ta phải làm gì, làm như thế nào để dịp này 5 năm sau không phải âu lo, không còn phải đề cập lại những thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm nêu trong dự thảo lần này trước tình trạng suy thoái trong cán bộ, đảng viên. Tôi cho rằng, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua chưa thật sự thấm sâu trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện nhiều quy định về việc nêu gương, nhưng trong nhiệm kỳ này, vẫn phải chứng kiến việc xử lý hàng trăm cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, kể cả cấp T.Ư với những biểu hiện suy thoái nghiêm trọng. Căn nguyên dễ thấy là trong sinh hoạt đảng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu, việc tự phê bình và phê bình bị xem nhẹ; còn tình trạng xuê xoa, nể nang.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị, phần nói về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề cập cụ thể, rõ ràng hơn về những thành công, hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các giải pháp trong nhiệm kỳ tới, nhưng các văn kiện cần phân tích kỹ hơn về nguyên nhân chủ quan, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, trong sinh hoạt đảng. Bởi lẽ, nếu người đứng đầu thực hiện nghiêm túc, thường xuyên nêu gương, thật sự nỗ lực phát huy dân chủ trong Đảng, có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp ý kiến, phê bình cán bộ, đảng viên; nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn; khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót đã được đồng chí, chi bộ, quần chúng góp ý, chỉ ra, thì đã “tự ngăn chặn” được những trượt ngã sau này. Nêu gương phải trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Và, nêu gương bắt đầu từ trong sinh hoạt đảng, từ trong tổ chức cơ sở đảng, chính là tiền đề, là động lực tạo sức lan tỏa sâu rộng, thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, Đảng cần quy định cụ thể để phát huy được quyền phê bình, chất vấn của đảng viên về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức.