TP Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả hành chính công

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nền hành chính công, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều biện pháp đồng bộ ở các cấp, các lĩnh vực. Thành phố đã ban hành kế hoạch về kiểm tra, khảo sát công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2020 và tiến hành tại các cơ quan, đơn vị nhằm phát hiện những bất cập, hạn chế để kịp thời chấn chỉnh.

Người dân đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYÊN LÊ
Người dân đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYÊN LÊ

Tiến hành kiểm tra các Sở Xây dựng, Sở Công thương, Ban quản lý An toàn thực phẩm, Bưu điện thành phố về việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế tại kỳ kiểm tra trước. Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường trách nhiệm giải trình trong công tác tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính; ghi nhận, báo cáo những khó khăn, vướng mắc để sớm có giải pháp tháo gỡ; đồng thời phát hiện các cách làm hay, hiệu quả để kịp thời biểu dương khích lệ và nhân rộng.

Ðể cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2020, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện thực hiện nhóm giải pháp nhằm đưa các chỉ số cạnh tranh đạt mức tốt; đối với những đơn vị, cơ quan phối hợp, cần phải chấm dứt tình trạng chờ văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, phiếu chuyển của Văn phòng UBND thành phố mới thực hiện. Nếu quá thời hạn lấy ý kiến mà cơ quan, đơn vị phối hợp không trả lời sẽ xem như đã đồng ý với ý kiến của cơ quan chủ trì nêu tại văn bản đề nghị và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan thuộc phạm vi, chức năng tham mưu.

★ Thời gian qua, tỉnh Ðồng Tháp chỉ đạo các ngành liên quan ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; đồng thời thực hiện chủ trương tri thức hóa nông dân, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Hiện, toàn tỉnh đã áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn như: Hệ thống tưới phun tự động, bán tự động và tưới nhỏ giọt trên diện tích gần 25.000 ha; trong đó tưới phun cục bộ nhiều nhất, khoảng hơn 24.000 ha, diện tích còn lại là tưới nhỏ giọt và tưới tiết kiệm trong nhà lưới, nhà kính. Việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến giúp tăng 25% năng suất cây trồng; giảm 30% chi phí công lao động để tưới và chăm sóc. Lượng nước tiết kiệm được so với tưới truyền thống là 45%.

Một số thiết bị tưới tiên tiến được sản xuất ngay trên địa bàn tỉnh, như thiết bị cảm biến Smart Viet HT-8917. Thiết bị này đo độ ẩm đất dựa vào các yếu tố môi trường và phân tích dữ liệu thu thập được để xác định độ ẩm, nhiệt độ đất. Sau đó dữ liệu được truyền về bộ xử lý trung tâm để đưa ra quyết định tưới khi đất khô và dừng khi độ ẩm đất đạt mức quy định. Bên cạnh đó, mô hình sản xuất trong hệ thống nhà màng, nhà lưới và ứng dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt kiểu I-xra-en cũng được áp dụng tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. Mô hình này giúp người dân có thể sản xuất được bốn vụ/năm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bằng hệ thống tưới tự động ứng dụng trên cây nhãn, cây xoài và cam sành tại các huyện Châu Thành, Lai Vung và TP Cao Lãnh. Hiệu quả từ mô hình đã giúp người sản xuất tiết kiệm được hơn 25,8 triệu đồng/ha so với áp dụng phương pháp tưới thông thường.