TP Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng chính quyền số

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phổ biến, liên quan nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 60% hệ thống thông tin của các sở, ngành, quận, huyện liên quan người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác sẽ được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Các cán bộ, kỹ sư làm việc tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH CHÂU
Các cán bộ, kỹ sư làm việc tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH CHÂU

Tiếp đó, thành phố phấn đấu đến năm 2030, tất cả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; tất cả hồ sơ công việc ở cấp thành phố, quận, huyện và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường, xã được xử lý trên môi trường mạng; giảm 40% thủ tục hành chính; kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%; phổ cập dịch vụ mạng in-tơ-nét băng thông rộng cáp quang toàn thành phố, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G...

Thành phố triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số, nền tảng định danh điện tử; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin… Cùng với đó, thành phố chú trọng xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số với các nhóm đối tượng, lĩnh vực cụ thể; thực hiện chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực. UBND thành phố đã ban hành Quyết định về cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố nhằm cập nhật Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 (được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành cuối năm 2019), nhằm bảo đảm các chương trình đầu tư công nghệ thông tin đúng mục tiêu đề ra, đồng bộ, thống nhất, liên thông trong hệ thống thông tin của thành phố.

* Tỉnh Trà Vinh hiện còn 9.214 hộ nghèo, chiếm 3,2% tổng số hộ trong toàn tỉnh; trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer có 5.394 hộ, chiếm 6% trong tổng số hộ đồng bào dân tộc Khmer. Năm 2020, tỉnh phấn đấu giảm ít nhất 1,5% số hộ nghèo; giảm từ 2 đến 3% hộ nghèo thuộc dân tộc Khmer và giảm sâu tỷ lệ hộ cận nghèo (ít nhất 2%); có từ 20 đến 30% số xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Năm nay, tỉnh Trà Vinh huy động hơn 3.652 tỷ đồng thực hiện công tác giảm nghèo. Trong đó, ngân sách trung ương phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 105 tỷ đồng; nguồn vốn phân bổ thực hiện các chính sách giảm nghèo là hơn 3.535 tỷ đồng. Số tiền còn lại được huy động từ người dân. Theo đó, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển và hải đảo, xã an toàn khu; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở những địa phương này. Tỉnh cũng thực hiện chính sách hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số gặp khó khăn; đồng thời nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn bản đặc biệt khó khăn… Ðến hết tháng 5-2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh đã giải ngân gần 179 tỷ đồng để cho hơn 7.500 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Tỉnh cũng cấp phát 435.924 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các hộ dân ở vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, người sinh sống ở xã đảo… với tổng số tiền gần 380 tỷ đồng.