TP Hà Nội hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ

Ðể góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, TP Hà Nội tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện tất cả các nội dung tại các cơ quan, đơn vị, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. Chủ đề của từng năm được xác định là "Năm kỷ cương hành chính" và "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Lê Ðại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: ANH AN
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Lê Ðại Hành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: ANH AN

Thành phố đã ban hành nhiều quyết định cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC), công bố TTHC đặc thù, TTHC liên thông thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố; chuẩn hóa 658 TTHC và được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Thực hiện ủy quyền cho một số sở, ban, ngành giải quyết một số TTHC trên các lĩnh vực quản lý khu công nghiệp và chế xuất, công thương, tài nguyên và môi trường, lao động - thương binh và xã hội, văn hóa và thể thao.

Tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đạt 97,33%. Quyết liệt triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 đối với nhiều TTHC; phổ biến hệ thống phần mềm dùng chung lĩnh vực tư pháp - hộ tịch tới 584 xã, phường, thị trấn, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến qua mạng đạt 93%.

Từ nay đến năm 2020, TP Hà Nội tiếp tục cải thiện chỉ số PAPI; triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết TTHC tại các cơ quan. Tăng cường phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ người, rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, cá nhân. Thực hiện công khai, minh bạch quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm người đứng đầu.

* Thúc đẩy hoàn thành mục tiêu của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, tỉnh Long An triển khai sâu rộng nhiều hoạt động tại các khu dân cư, trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật, biện pháp phòng, chống tội phạm cho công nhân, người lao động; xây dựng các mô hình tổ công nhân tự quản ở khu nhà tập thể, nhà trọ với chỉ tiêu mỗi huyện có từ 5 đến 7 mô hình. Công đoàn các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công… Công an tỉnh thường xuyên phối hợp, tổ chức thông tin, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm; xây dựng, củng cố các mô hình "Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự", "Ca-mê-ra an ninh"; cử cán bộ nghiệp vụ cùng trao đổi thông tin, triển khai rộng rãi những mô hình hiệu quả đến các công đoàn cơ sở… Mọi hoạt động đều nhằm phát huy tinh thần cảnh giác trong xã hội; cương quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, hành động của các thế lực thù địch và tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo các phong trào nhằm thúc đẩy tinh thần tích cực tham gia phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm; vận động mỗi tổ chức công đoàn, người lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.