Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

NDO -

NDĐT - Ngày 6-9, tại Trụ sở T.Ư Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011). Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII chủ trì phiên họp.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII chủ trì phiên họp.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII chủ trì phiên họp.

Tham gia phiên họp, có các thành viên Tiểu ban Văn kiện, gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên T.Ư Đảng và các thành viên Tổ biên tập Văn kiện.

Bám sát những vấn đề Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gợi mở, các đại biểu tham dự phiên họp tập trung cho ý kiến vào các vấn đề lớn, gồm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; dự báo tình hình trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo; nhất là những nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau, như kết cấu báo cáo; quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; mục tiêu phát triển đất nước; một số nhận thức mới về văn hóa, xã hội, các khâu đột phá phát triển; về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị,…

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, đánh giá cao Thường trực Tiểu ban Văn kiện, Thường trực Tổ biên tập đã tập trung chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các dự thảo Báo cáo Chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011). Dự thảo các báo cáo được chuẩn bị công phu, có cơ sở lý luận và thực tiễn, bám sát đề cương chi tiết đã được Hội nghị Trung ương 10 cho ý kiến.

Đồng chí cho rằng, các dự thảo báo cáo cơ bản đã có cơ sở để tiếp tục hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến để từng bước hoàn thiện; gửi các địa phương cho ý kiến, sau đó tổng hợp, làm từng bước bảo đảm các báo cáo thật sự có chất lượng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, về đánh giá nhiệm kỳ 5 năm qua cần nhìn lại 10 năm trước đó và 35 năm đổi mới, để có tầm nhìn khái quát cao hơn, phù hợp Báo cáo Chính trị và liên quan đến định hướng chiến lược ở tầm Cương lĩnh. Phải bám sát nhiệm vụ Đại hội XII đã nêu, đối chiếu với Cương lĩnh, cố gắng làm rõ dấu ấn, điểm nổi bật của nhiệm kỳ này là gì, hạn chế, tồn tại là gì. Đồng chí gợi ý thêm, dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ này, phải chăng là kinh tế liên tục tăng trưởng, ổn định; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả được nhân dân hoan nghênh, tin tưởng. Nội bộ đoàn kết, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng. Công tác quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả của 5 năm qua là kết quả của 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, những nội dung đó cần mạnh dạn nhận định, đánh giá tổng quát và bảo đảm chính xác, khách quan.

Về mục tiêu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phải bám sát Cương lĩnh hiện hành. Về các khâu đột phá, trên cơ sở ba khâu đột phá đã xác định để tiếp tục nghiên cứu sâu thêm. Đồng chí tập trung phân tích, gợi mở những vấn đề đặt ra trong xử lý các mối quan hệ, nhất là tám mối quan hệ biện chứng nêu trong Cương lĩnh. Cần đánh giá, vừa qua, chúng ta xử lý các mối quan hệ này như thế nào, bây giờ đang vướng cái gì và sắp tới nên làm thế nào để tiếp tục giải quyết tốt tám mối quan hệ này. Đó là những mối quan hệ cơ bản, còn các mối quan hệ thì rất nhiều. Thí dụ mối quan hệ giữa kiên định mục tiêu và sáng tạo phát triển; giữa dân tộc và giai cấp, giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, khi đi vào kinh tế thị trường thì vai trò quản lý của Nhà nước như thế nào. Nếu kinh tế thị trường mà không còn vai trò quản lý của Nhà nước thì làm gì còn định hướng xã hội chủ nghĩa. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, đồng thời bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển,... Vừa qua, chúng ta thành công chính là do rất chú ý các mối quan hệ này, không cực đoan, không phiến diện.

Đồng chí cũng gợi mở, ở các địa phương thì phát triển đô thị và quản lý đô thị như thế nào; kêu gọi nhiều dự án đầu tư nhưng quản lý dự án ra sao, ký kết thật nhiều nhưng không có vốn làm, v.v. Các vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quản lý dân cư, giải quyết việc làm, tệ nạn xã hội,… như thế nào, từng địa phương phải chú ý những vấn đề này. Đồng chí cho rằng nếu không giải quyết tốt các mối quan hệ đó, sẽ sai lầm và thất bại. Trong từng lĩnh vực, các bộ, ngành, địa phương đều có vấn đề trong giải quyết các mối quan hệ giữa quy mô phát triển và chất lượng phát triển, trình độ và hiệu quả quản lý, cứ làm ào ào nhưng không quản lý được. Rồi các vấn đề giáo dục, văn hóa, khoa học, công nghệ cũng vậy. Do đó cần hết sức chú ý giải quyết sao cho tốt các mối quan hệ biện chứng, các mặt đối lập ở từng địa phương, địa bàn, ngành,…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải kiên định mục tiêu lý tưởng, những vấn đề có tính nguyên tắc, nhưng đồng thời cũng phải hết sức sáng tạo, luôn luôn đổi mới, sáng tạo phù hợp tình hình mới, trên cơ sở bám sát thực tiễn đất nước. Đồng chí lưu ý các Báo cáo Chính trị, Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng phải ăn khớp, thống nhất với nhau, trong đó Báo cáo Chính trị là trung tâm, các báo cáo khác phải theo Báo cáo Chính trị; Báo cáo Chính trị chắt lọc những cái hay của các báo cáo khác. Do đó, các tiểu ban phải phối hợp chặt chẽ để từng bước hoàn thiện các báo cáo với chất lượng tốt nhất.