Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng

NDO -

NDĐT - Ngày 26-5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo (BCĐ) theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 17 của BCĐ đến nay và một số nội dung quan trọng khác.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng chủ trì và phát biểu tại cuộc họp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng chủ trì và phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, từ sau phiên họp thứ 17, ngày 15-1-2020 đến nay, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của BCĐ và Thường trực Ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực.

Đảng ủy Công an T.Ư, Thường vụ Quân ủy T.Ư, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao, Ban Nội chính T.Ư đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết thúc xác minh một vụ việc; kết thúc điều tra tám vụ án/49 bị can, ban hành cáo trạng truy tố bốn vụ án/30 bị can, hoàn thành xét xử sơ thẩm sáu vụ án/17 bị cáo, xét xử phúc thẩm ba vụ án/34 bị cáo.

Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi gần 7.600 tỷ đồng; cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá 773,37 tỷ đồng, 2,23 triệu USD, 34 bất động sản, năm ô-tô và nhiều tài sản khác.

Một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm được đưa ra xét xử: (1) Xét xử sơ thẩm vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm các quy định về quản lý đất đai; lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân liên quan đến khu đất số 7-9, Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh; (2) Xét xử sơ thẩm vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi nhánh Lũng Lô miền nam, Công ty Lũng Lô; (3) Xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan; (4) Xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam; (5) Xét xử phúc thẩm vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng.

Ban cán sự đảng Chính phủ đã lãnh đạo Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Giao thông vận tải, UBND TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu phục vụ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra Dự án nhà máy Đạm Hà Bắc. Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kỷ luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, một đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; hai đồng chí nguyên cấp thứ trưởng có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác PCTN; hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế. Phấn đấu hết năm 2020 kết thúc điều tra 13 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 17 vụ án; xét xử sơ thẩm 21 vụ án, xét xử phúc thẩm bảy vụ án; kết thúc xác minh, xử lý 18 vụ việc theo kế hoạch của BCĐ. Trong đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong các vụ án: (1) Vụ án “Buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan; (2) Vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan; (3) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri); (4) Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), quận 1, TP Hồ Chí Minh; (5) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Tại Cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã cho ý kiến đối với: Đề án sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 07, ngày 9-4-2013 của Ban Chỉ đạo; Báo cáo kết quả kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến dấu hiệu tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ tại một số cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng, theo Kế hoạch số 222, ngày 26-9-2019 của Ban Chỉ đạo; Cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm xử lý đối với các hành vi sai phạm trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp xảy ra thời gian trước đây; Thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với ba vụ án, một vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã được giải quyết theo quy định của pháp luật; Thống nhất đưa vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam và các đơn vị liên quan vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN. Nhiều cán bộ vi phạm bị xử lý nghiêm minh, công khai, tạo không khí tin tưởng, phấn khởi chuẩn bị bước vào đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; được dư luận quan tâm và mong muốn tiếp tục làm mạnh hơn. Tuy nhiên, không được chủ quan vì tới đây có nhiều việc phải làm, khối lượng công việc rất lớn và công tác đấu tranh PCTN cũng trong bối cảnh chung ấy.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong thời gian tới, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN hơn nữa, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, trong đó, có đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí gợi ý, nhân kết thúc năm 2020, kết thúc nhiệm kỳ, nên có hội nghị toàn quốc tổng kết công tác này trong cả nhiệm kỳ. Đây là việc làm cần thiết để rút kinh nghiệm, đồng thời, động viên toàn Đảng, toàn dân tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN.

Đồng chí lưu ý, công tác đấu tranh PCTN phải phục vụ tốt công tác nhân sự đại hội để góp phần lựa chọn những người xứng đáng vào cấp ủy mới; làm khẩn trương, có trách nhiệm, giữ vững nguyên tắc và có lý, có tình, có tính thuyết phục; cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, không để lọt vào cấp ủy các cấp, vào Trung ương những người không xứng đáng, không đủ điều kiện tiêu chuẩn, nhưng cũng không bỏ sót người có đức, có tài; khuyến khích những người có tinh thần sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các địa phương, các cấp, các ngành, các cơ quan cùng phải làm với tinh thần đó. Ban Chỉ đạo tăng cường theo dõi phát hiện việc làm tốt, việc làm chưa tốt để chỉ đạo kịp thời sát sao. Một số vụ việc chậm tiến độ phải chỉ đạo đôn đốc làm tiếp, làm đến cùng, nghiêm minh và công tâm. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng phục vụ nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII. Trách nhiệm của BCĐ, Thường trực Ban Chỉ đạo rất lớn. Đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực đang làm thì tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, phát hiện cho đúng người, xử lý cho đúng tội, công khai, minh bạch, tạo sự ổn định; nội bộ phải thống nhất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tư tưởng chỉ đạo là, vừa chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII, vừa thực hiện thật tốt công tác đấu tranh PCTN với tinh thần quyết liệt hơn, mạnh hơn, góp phần phục vụ tốt công tác nhân sự đại hội; các cơ quan cần tiếp tục phối hợp tốt hơn, đồng bộ hơn. Không thể không làm, khó cũng làm; việc nào làm chưa thật tốt thì rút kinh nghiệm; giữ vững đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Trong chỉ đạo, giải quyết vụ việc phải nhất quán, công tâm, công bằng với tinh thần là giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo chứ không phải chỉ có xử lý, kỷ luật thật nhiều cán bộ mới là tốt.