Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn

NDO -

Sáng 29-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khoá XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, phải kiên quyết thực hiện mục tiêu kép, thực hiện phương châm đã được Chính phủ đề ra. Tiếp tục ba đột phá chiến lược trên nền tảng khát vọng phát triển. Công tác xây dựng thể chế đòi hỏi phải có đột phá mới, đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó lưu ý giải pháp một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định. Về hạ tầng, không chỉ tập trung cho hạ tầng giao thông mà còn có hạ tầng cho các lĩnh vực khác, trong đó có hạ tầng kinh tế số. Chủ động phòng tránh các vụ khiếu kiện đầu tư, thương mại quốc tế. Cơ chế phối hợp giải quyết các vụ việc này đã được Thủ tướng ban hành, các địa phương cần tập trung xử lý các vướng mắc ngay từ ban đầu, Bộ Tư pháp chủ trì xử lý vấn đề này cho thật tốt. Tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí. Chuẩn bị đón Tết an toàn, tiết kiệm. 

Phát biểu về công tác giải ngân nguồn vốn ODA, trong giai đoạn vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, chúng ta chưa sử dụng được hết nguồn lực rất quan trọng này. Giai đoạn sắp tới, nguồn vốn ODA rất hạn hẹp với lãi suất cao hơn, do đó, khi tính toán phương án vay ODA phải tính toán rất kỹ và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu thêm một số nội dung về phòng, chống Covid-19. Theo Phó Thủ tướng, với nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, từ nay đến mùa hè năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng như hiện nay, cho dù có vaccine. Nguồn bệnh từ bên ngoài vào là cơ bản, vì vậy, ngoài tăng cường kiểm soát chặt chẽ biên giới, chúng ta cần có hệ thống để người dân cung cấp thông tin, phản ánh những người có dấu hiệu nhập cư hoặc di chuyển không đúng quy định. “Tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền vận động người dân, đề nghị báo chí vào cuộc để mọi người dân có người thân ở nước ngoài chủ động thông tin cho người thân của mình tuyệt đối không nhập cảnh trái phép. Không vì ngại cách ly của riêng mình mà gây họa cho cộng đồng và cả đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

Nhắc lại trường hợp của BN 1342 ở TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải thực hiện thật nghiêm việc theo dõi, giám sát y tế đối với người đã hoàn thành cách ly tập trung. Chính quyền cơ sở, nòng cốt là công an, y tế, phải nắm được từng người. Mỗi ngày ít nhất một lần gọi điện thoại, nhắn tin cho những người này để nắm được tình trạng sức khỏe cũng như việc tuân thủ quy định cách ly tại nhà sau khi cách ly tập trung.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh việc định kỳ tự đánh giá việc thực hiện các biện pháp chống dịch, cập nhật lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn), bắt đầu từ các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, sắp tới mở rộng ra phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, chợ, nhà máy… Hiện nay, ngành giáo dục rất tích cực triển khai và đã có hơn 40 nghìn trường học tự đánh giá và cập nhật thông tin hàng ngày.

Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn -0
 Quang cảnh Hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng, đây là giải pháp rất cơ bản vừa phục vụ trực tiếp cho hoạt động phòng, chống dịch, vừa lan tỏa tinh thần chống dịch ra toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch còn góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về từng ngành như giáo dục, y tế, giao thông vận tải, thương mại… phục vụ cho công tác điều hành, quản lý nhà nước, chuyển đổi số sau này.

“Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh  từ Myanmar về (BN 1440), chúng ta đã nhanh chóng huy động các lực lượng vào cuộc, xác định được tất cả những người đi cùng BN 1440. Qua đó, xác định ba người dương tính với virus SARS-CoV-2, hai người âm tính, một người đang chờ kết quả xét nghiệm. Tất cả hệ thống sẵn sàng, đồng bộ như vậy mới có thể giữ được an toàn, để nhân dân được đón tết an toàn, vui tươi”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021 không chỉ cho năm 2021 mà còn chuẩn bị cho các năm sau, đặc biệt là vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản. Phó Thủ tướng lưu ý công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch; tập trung lập quy hoạch tổng thể quốc gia, đất đai, quy hoạch vùng và quy hoạch của các Bộ quản lý chuyên ngành, các quy hoạch tỉnh, để cơ bản xong trong năm 2021. Cùng với đó, dự trù các nguồn vốn, kế hoạch thực hiện cụ thể với các dự án. Các địa phương, bộ ngành tập trung phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tập trung thực hiện các thủ tục đầu tư, tránh tình trạng dự án năm năm thì mất hai năm chuẩn bị. Cuối cùng, đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho những dự án chậm tiến độ về thủ tục, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn…

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo các dự thảo Nghị quyết 01, 02 trình Thủ tướng ký ban hành để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021, không để chậm trễ. 

Đối với những vấn đề cụ thể không đưa vào Nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo cho các địa phương; “các đồng chí Bộ trưởng, tư lệnh ngành không được im lặng với các đề nghị của các địa phương”. Lãnh đạo các địa phương và các bộ, ngành thường xuyên trao đổi trực tiếp để xử lý vấn đề phát sinh, giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc trong sản xuất kinh doanh và đời sống; không nên cứ phải "văn bản qua, giấy tờ lại", gây mất thời gian, mất cả thời cơ xử lý; không thể chờ đợi kéo dài, một cái phong cách làm việc mới phải được đưa ra để chấn chỉnh tình trạng quan liêu.

Thủ tướng nêu rõ, tại Hội nghị này, chúng ta thống nhất chủ đề năm 2021 là: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển". Trên tinh thần đó, chúng ta thống nhất định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo: Trước hết, tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm. Đó là ngay từ đầu năm 2021, phải bắt tay vào việc ngay, không ngừng nghỉ, phải lăn xả vào công việc. Tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển. Chính sự đoàn kết, tự hào dân tộc, tinh thần quyết tâm và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị và toàn dân sẽ là động lực chính đưa đất nước vươn lên, thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực và thế giới.

Để phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững thì phải duy trì nền tảng vĩ mô ổn định, bền vững. Không được để lạm phát cao và các cân đối lớn của quốc gia phải được giữ gìn, vun đắp. Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong năm năm qua.

Cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển. 1% tăng trưởng GDP sẽ giải quyết 300 nghìn việc làm.

Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội thống nhất mức tăng trưởng khoảng 6% GDP năm 2021. Thực tế trong thảo luận có ý kiến cho rằng nên đặt thấp hơn khoảng 5,5% nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên cao hơn, khoảng 6,5-7%, nhiều tổ chức quốc tế còn dự báo khoảng 6,8-7%, thậm chí có tổ chức còn dự báo trên 8%. Trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi.

“Chúng ta cũng cần lưu ý rằng yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế”. Tinh thần đặt ra là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả.

Các bộ, địa phương chú trọng đổi mới quản trị quốc gia, tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, bảo đảm vai trò quản lý thống nhất của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải làm ngay hai việc. Một là, giải quyết vấn đề mặt bằng cho phát triển sản xuất, thứ hai là nguồn nhân lực để đón dòng đầu tư mới. Nhấn mạnh vai trò của đột phá về kết cấu hạ tầng, yếu tố tạo nên "kiềng ba chân", Thủ tướng cho biết, sau hội nghị này, sẽ phát lệnh khởi công một số công trình giao thông trọng điểm, liên vùng…; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành cần sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại, chú trọng hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT để ngày càng nhiều người dân được thụ hưởng.

Cần chú trọng vấn đề phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ, hài hòa các mục tiêu của tam giác phát triển bền vững: kinh tế, xã hội, môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm, không để trường hợp Formosa thứ hai xảy ra. Không để tình trạng tăng trưởng nhanh nhưng phải trả giá đắt vì ô nhiễm môi trường để con cháu chúng ta sau này phải gánh chịu. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch phát động trồng một tỷ cây xanh.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, “một hệ thống gần dân, lắng nghe, phục vụ dân từ công an xã đến cán bộ trung cấp, cao cấp của huyện, tỉnh và các bộ, ngành”. Yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương ban hành kế hoạch cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trước ngày 20-1-2021; tổ chức triển khai phải quyết liệt, đồng bộ chứ không nói chung chung, đại khái, quan liêu.

Để chuẩn bị đón Năm mới và Tết Nguyên đán 2021, Thủ tướng đề nghị không được lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19, quản lý thị trường ổn định, bảo đảm cung cầu hàng hóa cho Tết. Đặc biệt không tổ chức đi chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức, không sử dụng xe công, tiền công vào hoạt động lễ hội, vui chơi. Tất cả các bộ, đặc biệt các địa phương rà soát tất cả các mặt để lo cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn, nhất là người yếu thế, vùng khó khăn, vùng thiên tai. Chúng ta làm kế hoạch 2021 nhưng cũng phải nghĩ dài hơi hơn, đó là quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025. Từng cấp, từng ngành phải gỡ nút thắt để bừng lên sự phát triển bền vững, một tinh thần là không được để người dân và doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế mất niềm tin vào Chính phủ, vào Bộ trưởng, vào Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố.