Tiếp khách

Sáng 6-12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp ông G.Sla-gen-hốp, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhân dịp sang Việt Nam tham dự Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh OECD phối hợp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Sáng kiến chống tham nhũng đã lựa chọn Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị; cảm ơn OECD hỗ trợ Việt Nam rà soát nhiều chính sách phát triển, trong đó có hoàn thành rà soát chính sách đầu tư trong năm 2017 và 2018... Bày tỏ vui mừng nhận thấy, quan hệ giữa Việt Nam và OECD đang đi vào giai đoạn hợp tác thực chất và hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị, trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng (PCTN), OECD tiếp tục thảo luận với Thanh tra Chính phủ Việt Nam để xây dựng nội dung hỗ trợ phù hợp, tập trung vào tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và xây dựng năng lực thực thi pháp luật, đặc biệt là PCTN, hối lộ trong hoạt động kinh doanh; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Chính phủ Việt Nam sẽ giao Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham gia tích cực, đặc biệt là thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về PCTN; tăng cường hợp tác PCTN trong các lĩnh vực quan trọng giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Sáng kiến; đóng góp chủ động, có hiệu quả và thiết thực vào các nỗ lực, hoạt động hợp tác chung trong khuôn khổ của Sáng kiến.

Phó Tổng Thư ký OECD G.Sla-gen-hốp đánh giá cao Việt Nam có cam kết mạnh trong lĩnh vực thực hiện chính sách liêm chính, PCTN và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong công cuộc PCTN, tiêu cực. Ðây là công cụ rất tốt để Việt Nam nâng cao năng lực quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông cũng đánh giá cao Việt Nam đã sử dụng các phương pháp, hướng dẫn, khuyến nghị của OECD trong thực tiễn và mang lại hiệu quả tích cực trong lĩnh vực này. OECD cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch ASEAN; hiện OECD đang phối hợp các Chính phủ thành viên khác bàn biện pháp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa OECD với Việt Nam.

★ Cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp bà L.Mu-si-ki-oa-bô, Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, Việt Nam hoan nghênh, đánh giá cao nỗ lực của OIF trong việc tham gia tìm giải pháp cho các bất ổn chính trị và xung đột tại các nước thành viên, xây dựng lòng tin, tăng cường và mở rộng đoàn kết, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ..., đưa hợp tác Pháp ngữ đi vào chiều sâu và tiếp cận tổng thể trên tất cả các vấn đề. Việt Nam mong muốn OIF tiếp tục xây dựng và thực hiện các chính sách hướng đến con người, tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó khuyến khích vai trò trung tâm và sự tham gia tích cực, năng động của giới doanh nghiệp, phụ nữ và thanh niên Pháp ngữ; thúc đẩy mở rộng các mô hình hợp tác thành công thời gian qua như hợp tác ba bên, hợp tác Nam - Nam, hợp tác trên các lĩnh vực mới như công nghệ, kỹ thuật số, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong hai năm đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ dành quan tâm thích đáng đến các vấn đề hòa bình, an ninh ở châu Phi, sẵn sàng hợp tác với các nước, các đối tác liên quan vì một nền hòa bình bền vững ở châu Phi. Phó Thủ tướng cảm ơn, đánh giá cao sự quan tâm của OIF về vấn đề Biển Ðông; đề nghị Tổng Thư ký và OIF tiếp tục quan tâm những vấn đề hòa bình, phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương...

Tổng Thư ký OIF L.Mu-si-ki-oa-bô cho biết, một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ Tổng Thư ký OIF của bà là tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với khối Pháp ngữ và quan hệ giữa các thành viên trong khối, nhất là các nước châu Phi; đề nghị Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia thành viên OIF, đặc biệt là các quốc gia châu Phi; thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa khu vực châu Phi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

★ Sáng 6-12, tại Nhà khách Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Tổng Thư ký OIF L.Mu-si-ki-oa-bô. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thư ký OIF và bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được củng cố và tăng cường. Trao đổi với Tổng Thư ký OIF về các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam và OIF, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ những nỗ lực chung của Cộng đồng Pháp ngữ, nhất là trong việc thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp, hợp tác kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững..., qua đó đáp ứng tốt hơn mong đợi của các nước thành viên. Cảm ơn sự quan tâm của OIF đối với các vấn đề tại khu vực, trong đó có vấn đề Biển Ðông thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng, là một tổ chức đa phương quan trọng, OIF cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tìm giải pháp cho những bất ổn và xung đột tại các nước thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tổng Thư ký OIF hoan nghênh những đóng góp tích cực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Cộng đồng thời gian qua. Bà khẳng định, Việt Nam là một thành viên đóng vai trò quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là trong việc duy trì sự hiện diện của Pháp ngữ. Cộng đồng Pháp ngữ sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam về giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp, hỗ trợ Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cũng như các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại với các nước châu Phi, nhất là các nước nói tiếng Pháp.

★ Chiều tối 6-12, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp cựu Bộ trưởng Ngoại giao Phi-li-pin Ð.An-bớt sang Việt Nam tham dự Ðại hội Hội đồng Hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) lần thứ 12.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao những đóng góp của bà Ð.An-bớt đối với quan hệ Việt Nam - Phi-li-pin cũng như sự ủng hộ của bà đối với tiến trình Việt Nam gia nhập ASEAN; đánh giá cao sự hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật giữa các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và Phi-li-pin trong khuôn khổ CSCAP và Mạng lưới các cơ quan nghiên cứu chiến lược ASEAN (ASEAN - ISIS); bày tỏ vui mừng về việc Việt Nam - Phi-li-pin đã hợp tác chặt chẽ thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Phi-li-pin Ð.An-bớt bày tỏ ủng hộ và đánh giá cao chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng" của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

★ Chiều 6-12, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Tổng Thư ký OIF L.Mu-si-ki-oa-bô. Phó Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của bà Tổng Thư ký OIF sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên thời gian tới; khẳng định Việt Nam ủng hộ và mong muốn đóng góp nguồn lực vào nỗ lực chung của cộng đồng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển trong không gian Pháp ngữ nói riêng, phạm vi toàn cầu nói chung. Phó Chủ tịch nước mong muốn, bên cạnh việc thúc đẩy đa dạng hóa ngôn ngữ và văn hóa, Cộng đồng Pháp ngữ cần đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên; khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực góp phần tăng cường hình ảnh và sự hiện diện của Pháp ngữ tại khu vực.

Tổng Thư ký OIF khẳng định tầm quan trọng và vai trò tích cực của Việt Nam với Cộng đồng Pháp ngữ; tin tưởng Việt Nam sẽ tích cực góp phần mang lại sự ổn định, hòa bình thế giới nói chung, không gian cộng đồng Pháp ngữ nói riêng.

★ Sáng 6-12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông U.Chun-tem, Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ sang Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật.

Tại buổi tiếp, hoan nghênh Bộ trưởng thăm Việt Nam đúng dịp hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nhắc lại sự ủng hộ, giúp đỡ nghĩa tình, vô tư của nhân dân Mông Cổ đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước; khẳng định, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên mọi mặt. Tuy nhiên, hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư còn khiêm tốn so tiềm năng phát triển cũng như mong muốn của hai nước. Phó Thủ tướng đề nghị hai bên cần duy trì việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; duy trì hợp tác song phương, phát huy cơ chế Ủy ban liên Chính phủ; xem xét gỡ các nút thắt trong quá trình hợp tác, tăng cường kết nối doanh nghiệp, thị trường hai nước; sớm nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Mông Cổ cũng như tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp hai nước đầu tư, kinh doanh.

Bộ trưởng U.Chun-tem cho biết, tại kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 17, hai bên đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư nhằm nâng kim ngạch thương mại đạt 100 triệu USD vào năm 2020; cho rằng, hai nước cần tăng cường giao thương, trao đổi hàng hóa, mở cửa thị trường của nhau, qua đó phát triển được tiềm năng, lợi thế của mỗi nước. Mông Cổ mong muốn nhập khẩu gạo, cà-phê, dầu thực vật, bánh kẹo, trứng, thịt gia cầm và thủy sản… Ðồng thời, sẵn sàng xuất khẩu sang Việt Nam than đá, các sản phẩm chăn nuôi như thịt đông lạnh, da để phục vụ sản xuất da giày, túi xách…