Thương nhớ vô cùng đồng chí Phạm Văn Xô

Ông Phạm Văn Xô (bên phải) và ông Phạm Thái Bường, hai xứ ủy viên Nam Bộ trước đồng khởi năm 1960.
Ông Phạm Văn Xô (bên phải) và ông Phạm Thái Bường, hai xứ ủy viên Nam Bộ trước đồng khởi năm 1960.

Trái tim hiền hòa, trung hậu của người cán bộ lão thành cách mạng, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân đã ngừng đập vào 7 giờ 30 phút ngày 17-8 đúng vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công,cuộc cách mạng lịch sử mà anh đã góp công sức, xương máu của mình. Anh Phạm Văn Xô (xin phép gọi là Anh như lúc được phục vụ anh) tên khai sinh là Trần Văn Ðạt, người mà anh chị em ở miền nam gọi thân thương là anh Hai Già, anh Tư Thường, sinh năm 1910 tại xã Phú Cốc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh, trong gia đình một nông dân nghèo.

Tuổi thơ của anh rất cơ cực. Mới ba tháng tuổi, anh đã mồ côi cha. Ðể nuôi ba con nhỏ dại trong đó có chị gái của anh mù lòa từ nhỏ, mẹ anh phải lìa quê, gánh con trong hai thúng, lặn lội đi hết chỗ này đến chỗ khác từ Nam Ðịnh đến Bắc Ninh, Bắc Giang để kiếm ăn. Cuộc sống vất vưởng, đói khát và bệnh tật đủ điều khổ ải. Muốn cho anh được học hành, mẹ anh rứt ruột gởi anh đi ở đợ cho một gia đình có nuôi thầy đồ trong nhà, hy vọng anh được học chữ. Nhưng học chữ chẳng được bao nhiêu, ngày thì quần quật làm mọi việc của người ở đợ, tối phải đi câu kéo để nuôi ông đồ. Trốn ở đợ, anh đi làm phu ở mỏ Ðầm Hồng, nơi khai thác chì, thiếc, kẽm. Bị bọn chủ đánh đập vì tuổi nhỏ, không làm nổi việc nặng nề, còn bị chúng cướp tiền công, anh trốn về Hà Nội. Sống vất vưởng vì không có công ăn việc làm, anh quay lại  Quảng Ninh làm thợ mỏ rồi học nghề may, sau đó vào lại Sài Gòn. Ở đây anh học đóng giày, được đồng chí Lê Văn Lương giác ngộ cách mạng, giới thiệu anh vào Ðảng năm 1931. Cuộc đời cách mạng của anh bắt đầu từ đây.

Ðược sự phân công của Ðảng, anh đã đi nhiều nơi như Lào (nơi đó anh làm Bí thư Xứ ủy Lào), Thái-lan, (Làm Bí thư Ban cán sự Việt kiều) Cam-pu-chia (Anh làm Phó Bí thư Ban cán sự toàn Miền), cuối cùng hoạt động ở Nam Bộ suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với cương vị Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, phụ trách khối kinh tế, tài chánh, hậu cần, Chủ tịch Hội đồng cung cấp tiền phương. Anh góp phần to lớn đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến ngày toàn thắng. Ðược sống gần anh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là chống đế quốc Mỹ, cứu nước, tất cả anh chị em đều xem anh không chỉ là một thủ trưởng mà là người anh lớn thân thương, hiền hòa, khiêm tốn, trọn tình, trọn nghĩa với bạn bè, đồng chí và người phục vụ.

Anh sống rất giản dị, lúc chiến tranh cũng như lúc hòa bình. Trong công việc thì nghiêm túc, làm với tinh thần trách nhiệm rất cao. Trong sinh hoạt thì xuề xòa, gần gũi với anh chị em, không thành kiến với một ai. Là người ở gần anh, có lần tranh luận với anh chung quanh một bài viết về "chiến tranh nhân dân vô địch", tôi có đôi lời lẽ to tiếng, thiếu khiêm tốn, cướp lời khi tranh cãi, anh vẫn cười xòa, không hề tỏ ra bực bội hay phản ứng. Anh còn bảo tôi lục các sách Mác, Lê-nin về quân sự, sách của các lãnh tụ khác để anh nghiên cứu và hẹn tranh luận tiếp. Thái độ ấy, cử chỉ ấy làm tôi hết sức khâm phục. Sau này, mặc dù tuổi cao, mắt đã kém, nhưng anh vẫn rất chăm đọc và nghiên cứu các sách lý luận. Nhiều lần đọc tạp chí nghiên cứu lý luận, thấy bài nào hay, anh gọi điện thoại cho tôi hỏi đã đọc bài đó chưa và có ý kiến thế nào? Tôi chưa đọc, đành chào thua, hứa sẽ đọc và báo cáo ý kiến với anh. Với các đồng chí bảo vệ, phục vụ, anh sống chan hòa, rất thông cảm với anh chị em. Những ngày Tết trong rừng, năm nào cũng vậy, sợ chị em buồn, anh đến với anh chị em cùng ăn bánh, uống trà, nói chuyện, cùng cười đùa vui vẻ. Anh có khiếu hài, kể chuyện rất có duyên, những chuyện anh kể, dù đã cũ, dù đã được nghe nhiều lần nhưng nghe anh kể ai cũng thấy hấp dẫn. Anh chị em chúng tôi tuổi đáng là bậc con cháu, có lúc trong các cuộc hội nghị cơ quan, giới thiệu anh là Bác Hai, Chủ tịch "xe ngựa" như các anh lớn tuổi thường đùa, anh chỉ cười vui vẻ, chấp nhận. Phong cách của anh bình dị mà cao đẹp. Cao đẹp không chỉ vì anh trọn đời hy sinh phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, mà còn ở cá tính đặc biệt của anh. Có thể nói anh là một trong những học trò ưu tú của Bác Hồ, nói ít làm nhiều trong việc thực hiện đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; trong phong cách khi bần hàn mà không nản chí, trước uy vũ, tù đày không khuất phục, lúc phú quý, danh vọng không thay lòng đổi dạ. Học tập Bác Hồ, anh rất khiêm tốn. Anh không bao giờ kể về công lao, thành tích hoạt động của mình.

Là những người đã phục vụ anh trong những năm dài hai cuộc kháng chiến, chúng tôi không hề được nghe anh nói về việc anh là một trong 13 đại biểu dự Ðại hội lần thứ nhất của Ðảng ở Ma Cao, và về  việc anh được bầu là Ủy viên Trung ương Ðảng khóa I. Gần đây, anh Phan Minh Tánh (Chín Ðào) và tôi đến gặp anh báo tin T.Ư Ðảng và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cho anh. Anh cười đáp: "Mình đã được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh là quý rồi, vì Huân chương mang tên Bác Hồ và có hình Bác Hồ". Anh Hai Phạm Văn Xô đã ra đi. Tuy đã biết, anh tuổi đã cao, sức yếu lại thêm mắc phải bệnh hiểm nghèo, lòng chúng tôi, những người từng công tác phục vụ anh, từng sống với anh trong những ngày gian khổ ở rừng sâu nước độc vẫn rất bồi hồi xúc động trước cái tang đau đớn này với tấm lòng vô cùng thương tiếc anh Hai Xô kính yêu.