Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh:

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phát triển kinh tế - xã hội

Phóng viên (PV): Là địa bàn biên giới còn khó khăn, những kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn vừa qua ở Tây Ninh là gì, thưa đồng chí?

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phát triển kinh tế - xã hội

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc: Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ của năm 2020 mà còn ảnh hưởng sự phát triển của cả giai đoạn 2016 - 2020. Để khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi xác định rõ những tiềm năng, lợi thế của địa phương, thực hiện đồng bộ bốn chương trình đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển du lịch và cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. 

Năm 2020, kinh tế Tây Ninh tiếp tục đà tăng trưởng, mức tăng GRDP là 3,98%; quy mô, năng suất lao động, chất lượng nền kinh tế tăng gấp hai lần so với giai đoạn trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 tăng 7,2%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.147 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp xây dựng, dịch vụ chiếm hơn 75% trong GRDP. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 tăng 1,5%, đạt 40,1% GRDP, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 vượt mốc 10.000 tỷ đồng, đạt 114% dự toán Trung ương giao. Môi trường đầu tư cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 15 trong số 63 tỉnh, thành phố và thứ 3 trong số 8 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ. Đến 2020, toàn tỉnh có 330 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đạt 7,5  tỷ USD và 565 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 80.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Hiện toàn tỉnh có 6.051 doanh nghiệp và 141 hợp tác xã.

Qua hợp tác, liên kết vùng từ chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ và với TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có những sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng hơn, từng bước hình thành và kết nối chuỗi giá trị. Toàn ngành thống nhất đẩy mạnh đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành tâm điểm kết nối, lan tỏa du lịch địa phương cũng như du lịch vùng. Doanh thu du lịch tăng bình quân 15,1%/năm, số lượng khách đến tham quan tăng bình quân 15%/năm.

Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 22,2% (năm 2015) lên 41,8% (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%, không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, là một trong năm tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. An ninh chính trị trong nội địa và trên tuyến biên giới được giữ vững.

PV: Những kinh nghiệm và giải pháp nào cần tiếp tục thực hiện để duy trì sự tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, thưa đồng chí? 

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc: Cần tập trung triển khai quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quyết tâm chính trị cao ngay từ những ngày đầu năm và ngay từ năm đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt là quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch Covid-19 của cả nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa chống dịch có hiệu quả vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.

Tây Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện bốn đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế, chủ động gắn kết nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình hợp tác liên kết vùng. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững hơn. Duy trì nhịp độ tăng trưởng, gia tăng quy mô, năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động. Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, tập trung hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm kết nối với vùng; hình thành trục hành lang công nghiệp, đô thị dọc tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Nghiên cứu đề xuất động lực mới thúc đẩy Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển mạnh mẽ. Từng bước xây dựng kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu về kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.