Thúc đẩy quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả

LTS - Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Ma-rốc, Cộng hòa Pháp; thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu; tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 140 (IPU-140) tại Ca-ta. Đồng chí NGUYỄN VĂN GIÀU, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH đã trả lời phỏng vấn báo chí về các kết quả nổi bật của chuyến thăm. Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung trả lời phỏng vấn.

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những nội dung quan trọng đạt được qua chuyến thăm chính thức lần đầu của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đến Ma-rốc và Pháp lần này?

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: Trong khuôn khổ các chuyến thăm và làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã có các cuộc hội kiến, hội đàm cấp cao với các nhà lãnh đạo nghị viện, Chính phủ của Ma-rốc và Pháp. Qua đó hai bên đánh giá lại những kết quả đã đạt được trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với hai nước nói chung, giữa QH Việt Nam với nghị viện của Ma-rốc và Pháp nói riêng, từ đó thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy thực chất, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Qua các cuộc gặp, làm việc tại Ma-rốc, Chủ tịch QH và các nhà lãnh đạo Ma-rốc thống nhất đánh giá quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Hai nước có nhiều điểm tương đồng, thời gian qua luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Ma-rốc ủng hộ Việt Nam trong vai trò thúc đẩy hòa bình an ninh trong khu vực và thế giới. Hai bên chia sẻ quyết tâm trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, một số bộ, ngành và địa phương hai nước đã ký các văn kiện hợp tác, thiết lập quan hệ kết nghĩa. Điều đó cho thấy việc thực hiện hợp tác một cách cụ thể, sinh động, ngày càng thực chất, hiệu quả.

Tại Pháp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các nhà lãnh đạo nước chủ nhà thống nhất đánh giá mối quan hệ hai nước đang phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân… Hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác song phương và hợp tác nghị viện. Các nhà lãnh đạo Pháp đều khẳng định ủng hộ việc sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA), ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực và thế giới trên nguyên tắc hòa bình, đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Sự kiện đáng chú ý là tại thủ đô Pa-ri, Chủ tịch QH đã gặp gỡ gần 700 kiều bào đang sinh sống ở Pháp nhân kỷ niệm 100 năm Phong trào Hội người Việt Nam tại Pháp; dự và phát biểu tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 11 tại thành phố Tu-lu-dơ.

PV: Đồng chí cho biết những kết quả hoạt động tại Vương quốc Bỉ, qua các cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo Nghị viện châu Âu (EP), Ủy ban châu Âu (EC) và các nhà lãnh đạo Bỉ?

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã có các cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở, thực chất về các nội dung liên quan EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư. Tuy còn một số khác biệt giữa hai bên, nhưng các nhà lãnh đạo EP, EC và Nghị viện Bỉ đều khẳng định sẽ làm hết sức mình để hai hiệp định quan trọng này sớm được ký, phê chuẩn.

Qua các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Bỉ, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển. Những năm qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và thiết lập đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện tăng cường kết nối hợp tác nông nghiệp công nghệ cao và nhiều lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ về kết quả chuyến tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 140 (IPU-140) tại Ca-ta của Chủ tịch QH nước ta?

Đồng chí Nguyễn Văn Giàu: Kết thúc chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Đại hội đồng IPU-140. Nước chủ nhà Ca-ta chuẩn bị tổ chức hội nghị rất chu đáo dù thời gian chuẩn bị ngắn. Đây là kỳ Đại hội đồng thu hút đông đảo sự tham dự của nghị viện các nước, với khoảng 1.600 đại biểu của 162 quốc gia, trong đó có sự tham dự của gần 80 người đứng đầu nghị viện.

Chủ đề chung của Đại hội đồng lần này là “Nghị viện là nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền”. Chúng ta thấy chủ đề này gắn với cuộc sống, cũng như nhu cầu đòi hỏi của các quốc gia trong đó có Việt Nam, được lãnh đạo nhiều tổ chức nghị viện khu vực, các nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu bật vai trò của IPU, trong đó các chủ trương, nghị quyết của IPU khuyến nghị các nghị viện thành viên triển khai rất thành công. Đối với chủ đề này, Chủ tịch QH sau khi có những đánh giá khái quát, đã liên hệ với tình hình thực tiễn Việt Nam. Trong nội dung kiến nghị, lãnh đạo QH nước ta đặc biệt nhấn mạnh vấn đề củng cố môi trường hòa bình để phát triển.

Bên lề hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã được nước chủ nhà đón tiếp trân trọng. Thủ tướng và các nhà lãnh đạo QH Ca-ta đã dành thời gian chào đón Chủ tịch QH và Đoàn; ca ngợi vai trò và vị thế của Việt Nam tăng cao trong gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển. Thủ tướng Ca-ta mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác về thương mại, y tế, dịch vụ, du lịch... Chủ tịch Hội đồng Nghị viện Ca-ta chia sẻ chân thành rằng rất yêu quý Việt Nam, ông cho rằng Việt Nam là một quốc gia, là điểm sáng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây. Ông nói: Chủ tịch QH và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hãy coi Ca-ta như nhà mình!

Tại Ca-ta, bên lề hội nghị, Chủ tịch QH nước ta đã dành thời gian gặp lãnh đạo QH/nghị viện nhiều nước, Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU… Các cuộc gặp này là hoạt động rất quan trọng trong hoạt động đa phương. Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác phát triển, các bên cùng nhau thảo luận về tình hình thế giới, bàn các biện pháp xây dựng và giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Trong chuyến công tác dài ngày lần này, Chủ tịch QH nước ta có gần 50 hoạt động. Có thể thấy rằng các hoạt động vừa qua hết sức thiết thực, thực chất, trên tinh thần thực hiện các mục tiêu cụ thể, mang lại hiệu quả thực chất ngay trong hoạt động của QH, từ đó góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển giữa cơ quan lập pháp Việt Nam với các nước.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!