Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình:

Thừa Thiên-Huế chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế

NDO -

NDĐT - Ngày 27-8, Đoàn công tác Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đánh giá sự hài lòng của dân trong giải quyết công việc với chính quyền

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bảy tháng đầu năm đạt 6,87%, cao hơn bình quân chung cả nước (6,76%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 46% kế hoạch; tổng thu ngân sách bảy tháng đạt 4.193 tỷ đồng, đạt 58%… Những tháng cuối năm 2019, tỉnh phấn đấu đạt kế hoạch tăng trưởng kinh tế cả năm 7,5-8%. Công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, kiện toàn và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, biên chế giảm 5,48%. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách chủ yếu của tỉnh là từ đóng góp của nhà máy bia trên địa bàn và bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Về thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, ông Phan Ngọc Thọ cho biết: Tỉnh tập trung vào việc nâng cao đạo đức công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng của hợp pháp của nhân dân, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống dân vận, gắn với các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành và nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa các cơ chế, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước, nhất là lĩnh vực đất đai, nhà ở, môi trường, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước giải phóng mặt bằng, thu hồi đất bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Xác định công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại và tố cáo là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này, nhất là với các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài và giải quyết kịp thời những bức xúc, nổi cộm liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tạo đồng thuận trong nhân dân. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh góp phần giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân; công khai chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, khắc phục tình trạng sách nhiễu, hạn chế tiêu cực, loại bỏ những quy định không cần thiết.

Công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục được duy trì ổn định. Bảy tháng đầu năm 2019 đã phát hiện, xử lý gần 2.400 vụ vi phạm gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế 32,6 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa hơn 17 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Ban Dân vận T.Ư Hà Ngọc Anh cho rằng, nhận thức về công tác dân vận trong các ban ngành, đoàn thể, chính quyền ngày càng tốt hơn. Biểu hiện cụ thể qua việc đánh giá sự hài lòng của người dân trong giải quyết công việc với chính quyền, tạo sự đồng bộ trong hệ thống chính trị. Trong đó, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được đặc biệt quan tâm, nên 45% số người có khiếu kiện tự nguyện rút đơn.

Sớm mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng kiến nghị Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành một số vấn đề nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để tỉnh phát triển. Theo đó, tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền sớm xem xét, ban hành nghị quyết về phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế, xây dựng tiêu chí đặc thù cho đô thị di sản Huế để tỉnh có cơ chế để bứt phá và phát triển.

Việc mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, nhưng tiến độ triển khai còn chậm, vướng mắc quá trình giao đất từ Cục Hàng không dân dụng cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam chưa hoàn tất, thẩm định thiết kế kỹ thuật và đấu thầu các hạng mục còn chậm. Tỉnh cũng đề nghị sửa đổi việc tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Chủ tịch UBND tỉnh và có hình thức buộc lao động công ích đối với những hành vi chưa đến mức xử lý hình sự.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, về mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Bài với công suất năm triệu hành khách/năm, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại cuộc làm việc với tỉnh vào tháng 6-2019, giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẩn trương thẩm định, phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền để sớm khởi công mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài. Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban đã phê duyệt kế hoạch đầu tư mở rộng sân bay, hiện đã và đang bố trí nguồn vốn để thực hiện mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời để sớm có thể khởi công sân bay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, Bộ GTVT đồng tình xây dựng mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài. Tuy nhiên, quy trình thủ tục thời gian cần thực hiện cho đúng. Chỉ vướng về thiết kế xây dựng cơ sở do Bộ Xây dựng thẩm định và một phần việc của Bộ GTVT sẽ được Cục Hàng không thẩm định xong sớm. Tuy nhiên, còn một số hạng mục khác như thiết kế kỹ thuật và đấu thầu xây dựng… nên dự kiến cuối năm nay mới có thể khởi công mở rộng sân bay.

Phát triển du lịch là ngành trọng tâm mũi nhọn

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong bảy tháng năm 2019. Đây là nền tảng cơ bản để tỉnh hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm nay và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng cho rằng, Thừa Thiên - Huế có nhiều lợi thế về bề dày lịch sử, di sản văn hoá đặc sắc, cần có chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược vào đây để phát triển, gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, bảo tồn các di tích của Huế, giữ vững quốc phòng an ninh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con các dân tộc thiểu số khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa của tỉnh, phát động phong trào toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm, chống buôn lậu gian lận thương mại...

Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhấn mạnh đây là cố đô của Việt Nam, là đô thị loại 1, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival và theo quy hoạch, Huế là một trong năm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền trung và cả nước. Tỉnh còn là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền trung và cả nước, trọng điểm về quốc phòng, an ninh của quốc gia.

Vì vậy, việc xây dựng, phát triển Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt đối với miền trung - Tây Nguyên và cả nước. Tỉnh mong muốn kết luận này sớm được nâng lên tầm nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới, để cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung phát triển du lịch là ngành trọng tâm mũi nhọn chính của tỉnh. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực cho các công trình trọng điểm. Đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; quan tâm, chăm lo cho đồng bào dân tộc, đời sống cho nhân dân; thực hiện tốt an sinh xã hội, các chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo...

Tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý, tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Quy định số 11-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, tiếp dân, giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo kiến nghị của dân ngay từ khi mới phát sinh. Tập trung rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài. Chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình an ninh trật tự, kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận chính quyền; đã triển khai nghiêm túc kế hoạch phối hợp giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương về “Năm dân vận chính quyền 2019”, trọng tâm là công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự, tạo tiền đề để tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo từng bước được nâng cao, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, tăng cường công tác tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp công dân như làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, đối thoại công khai, dân chủ đối với người khiếu nại, qua đó giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc ngay từ cơ sở. Số lượt người và số vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân đã giảm đáng kể.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh diễn biến không phức tạp, không có điểm nóng. Trong bảy tháng qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ: Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn tiếp tục diễn ra trên một số địa bàn trọng điểm của tỉnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng chưa được kiểm soát hiệu quả. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, có lúc, có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến vẫn còn các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu ở một số địa bàn.

“Tỉnh cần tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Nghiêm túc đánh giá tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt nguyên nhân chủ quan, từ đó đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý: Tỉnh cần chú ý không để tội phạm ma túy phát triển thành băng nhóm, tổ chức xuyên quốc gia, đã và đang để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Đối với tội phạm “tín dụng đen” đã đe dọa đến cuộc sống yên lành của người dân, cần phải triệt để đấu tranh, triệt xóa. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng chống các biểu hiện tiêu cực; phân công, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị và cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn, lĩnh vực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, có các giải pháp, biện pháp phát hiện, phòng ngừa, xử lý cán bộ, công chức vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; thắp hương giác linh cố Hòa thượng Thích Chơn Thiện, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Tổ đình Tường Vân (TP Huế); thăm HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc); thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh và tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam tại huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Thừa Thiên-Huế chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế ảnh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng quà cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

* Chiều 27-8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm và tặng 100 suất quà (mỗi suất quà trị giá hơn 3,2 triệu đồng) cho các hộ nạn nhân chất độc da cam tại huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bưu điện Việt Nam, Ngân hàng Quân đội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao tặng 100 suất quà cho 100 gia đình nạn nhân chất độc da cam nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, 60 suất quà dành cho bà con xã Đông Sơn và 40 suất dành bà con xã A Đớt. Mỗi suất trị giá 3,2 triệu đồng (gồm phần quà và ba triệu đồng tiền mặt).

Nói chuyện với bà con tại Nhà văn hóa huyện, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ân cần thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đang nỗ lực vươn lên trên vùng đất biên giới, cũng như ghi nhận những đóng góp của các nạn nhân chất độc da cam và người thân đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, chung sức xây dựng quê hương đất nước. Chia sẻ những khó khăn của gia đình nạn nhân chất độc da cam và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn nhiều vất vả trong đời sống, thiếu phương tiện sản xuất, Phó Thủ tướng mong muốn bà con nêu cao ý thức tự giác, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày cũng tỏ phấn khởi trước sự đổi thay của đồng bào các dân tộc huyện vùng cao A Lưới, đồng thời biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, không ngừng vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ gìn tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, sự hy sinh và vượt qua gian khó của đồng bào các dân tộc nơi đây trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của đất nước, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của dân tộc ta, đem lại thống nhất Tổ quốc và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cảm ơn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ngân hàng Quân đội Việt Nam, Bưu điện Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cùng chung tay với Chính phủ, quan tâm đến các đối tượng nạn nhân chất độc da cam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn ở lại, chúng ta phải tiếp tục cùng nhau hàn gắn lại vết thương chiến tranh. Phó Thủ tướng Thường trực cũng kêu gọi các doanh nghiệp, cộng đồng cùng chung tay chăm lo để nạn nhân chất độc da cam có được cuộc sống tốt hơn.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam và gia đình chính sách; quan tâm công tác phát triển kinh tế - xã hội, huy động mọi nguồn lực để giúp người dân thoát nghèo, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển làng nghề, du lịch, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, miền núi trên địa bàn bằng nhiều biện pháp; quan tâm nhiều hơn cho con em là nạn nhân chất độc hóa học, học sinh dân tộc thiểu số hiếu học thuộc diện hộ nghèo vươn lên vượt khó, để các cháu có điều kiện đến trường học tập.

Bày tỏ niềm vui, phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng đã hứa với Phó Thủ tướng sẽ thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa trên tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; việc chăm sóc các đối tượng chính sách, có công, các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND và gia đình nạn nhân chất độc da cam bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa; đồng thời chăm lo về vật chất và tinh thần, động viên và tạo điều kiện cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao tặng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế 100 triệu đồng để hỗ các gai đình nạn nhân da cam trên địa bàn.