Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia

NDO -

NDĐT - Chiều 9-12, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ Khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về CPĐT; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương trên cả nước; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.

Việc khai trương Cổng DVCQG là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ. Tại thời điểm khai trương, Cổng DVCQG cung cấp các dịch vụ công (DVC), bao gồm năm DVC thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố là: đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ DN) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. Bên cạnh đó, cung cấp bốn DVC thực hiện tại cấp bộ: cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nộp thuế điện tử đối với DN.

Ngoài ra, đối với bốn địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số DVC, thí dụ tại TP Hồ Chí Minh là Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế; Hà Nội, Quảng Ninh, Hải phòng là Đăng ký khai sinh… Trong quý 1-2020 sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương (BNĐP) tích hợp lên Cổng DVCQG 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng CPĐT nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN. Việc phát triển CPĐT nói chung và cung cấp DVC trực tuyến (DVCTT) nói riêng tại Việt Nam đã có những tiến bộ. Tuy nhiên, số lượng DVC phát sinh hồ sơ trực tuyến còn ít. Việc cung cấp DVCTT mức độ 3 và 4 còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo Thủ tướng, việc xây dựng cổng DVC các cấp và Cổng DVCQG có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, phát triển các hệ thống CPĐT, là kênh giao tiếp điện tử giữa người dân, DN và các cơ quan nhà nước, là điểm để người dân, DN tương tác với chính quyền trên môi trường điện tử.

Để đưa vào hoạt động Cổng DVCQG lần này, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Văn phòng Chính phủ, trong đó có vai trò cá nhân của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đã chủ động, nỗ lực, quyết liệt thực hiện cũng như đánh giá cao một số BNĐP, cơ quan DN công nghệ thông tin (CNTT), chuyên gia… Đây là một công cụ để cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần quan trọng chống nhũng nhiễu tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Việc khai trương Cổng DVCQG là một dấu mốc quan trọng trong xây dựng CPĐT. Trước mắt, đưa những dịch vụ được người dân, DN quan tâm và có tần suất giao dịch nhiều lên Cổng. Các DVC tiếp theo sẽ tiếp tục được thực hiện sau khi các BNĐP rà soát, nâng cấp, bảo đảm tính chính xác, hiệu quả, thuận tiện.

Cổng DVCQG ra đời đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh xây dựng CPĐT theo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng đây mới chỉ là thành công bước đầu. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Hiện, chỉ mới có tám DVC được kết nối trong tổng số hàng nghìn dịch vụ cần kết nối và chủ yếu vẫn ở cấp độ 3. Mục tiêu là sớm nhất cần cung cấp ở cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ đông đảo người dân sử dụng. Đây là công việc thường xuyên, liên tục không có điểm dừng, với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo chất lượng cung cấp DVC của các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức cung cấp DVC.

Để Cổng DVCQG hoạt động thực chất, liên tục và có hiệu quả, Thủ tướng lưu ý:

Mặc dù Cổng DVCQG đã xây dựng, đã kết nối với cổng DVC của các ngành, các cấp, các DVCTT nhưng việc xử lý và trả kết quả vẫn phải do các BNĐP, cơ quan thực hiện theo thẩm quyền. Tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp DVCTT của mình, ngược lại cần đẩy mạnh hơn nữa. Quá trình thực hiện xử lý các TTHC cần sự liên thông giữa các đơn vị trong nội bộ, thậm chí giữa các cơ quan liên bộ, ngành, do đó để có thể tiếp tục đơn giản hóa cải cách TTHC thì các thông tin liên quan người dân, DN phải được chia sẻ giữa nội bộ của các cơ quan nhà nước. Thủ tướng yêu cầu Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các BNĐP rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, từ đó đưa ra hệ thống tổng thể các cơ sở dữ liệu cần thiết phải xây dựng để phục vụ và kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Các BNĐP cần nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chia sẻ với nhau. Như vậy mới có thể giảm bớt giấy tờ, đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục, mới có thể là cải cách thực chất, lấy người dân làm trung tâm. Cổng DVCQG đã hình thành, các BNĐP đang dần kết nối với Cổng. Tuy nhiên, để theo sát thúc đẩy mức độ sử dụng thực sự của người dân, DN thì chúng ta cần phải có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin, Truyền thông (TT-TT) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng DVCTT trên toàn quốc. Từ đó xác định rõ các vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ, thúc đẩy việc sử dụng DVCTT.

Cần đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý để việc thực hiện TTHC DVCTT có hiệu quả. Trong tháng 1-2020, Bộ TT-TT chủ trì trình dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an trình đề xuất xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Văn phòng Chính phủ trình dự thảo Nghị định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Bảo đảm sự ổn định thông suốt của cả hệ thống DVC, phát triển hạ tầng thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN, đồng thời phải bảo đảm an ninh an toàn thông tin, an ninh mạng cho cả hệ thống thông tin quan trọng quốc gia này. Bộ TT-TT phát huy vai trò, trách nhiệm chính trong xây dựng CPĐT, cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp bảo đảm an toàn an ninh thông tin đối với các hạng mục trong CPĐT, trong đó có hệ thống cổng DVC.

Các BNĐP tiếp tục nâng cấp cổng DVC để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng DVCQG, nâng cấp, hoàn thiện các DVC trước khi đưa lên Cổng DVCQG. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn công nghệ, cần sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, cống hiến, không để chảy máu chất xám đối với lĩnh vực CNTT.

Các DN CNTT trong cả nước, nhất những tập đoàn lớn cần phải tiếp tục cố gắng vươn lên đồng hành, góp phần xây dựng CPĐT, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, những hệ thống thông tin của người Việt, phục vụ người Việt và bảo đảm tính tự chủ cả hệ thống.

* Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức khai trương Cổng DVCQG.

* Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết một tin vui với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự SEA Games 30 tại Phi-li-pin: Thường trực Chính phủ đã thống nhất cao là từ nguồn xã hội hóa, sẽ hỗ trợ các cầu thủ, ban huấn luyện mỗi người một phần quà trị giá 100 triệu đồng. Trong đó, có một chiếc xe máy loại tốt và một phần tiền để mỗi cầu thủ, thành viên ban huấn luyện sử dụng vào những việc cần thiết. Thủ tướng cũng cập nhật thông tin, tới thời điểm này, các nhà hảo tâm đã đóng góp được hơn 10 tỷ đồng làm phần thưởng cho đội bóng đá nữ - những nhà vô địch khu vực Ðông - Nam Á.

Thủ tướng bày tỏ niềm tin tối 10-12, đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam cũng sẽ chiến thắng, mang về chức vô địch SEA Games lần đầu tiên, điều mà người hâm mộ đã trông đợi rất lâu. Trước đó, ngay sau lễ đăng quang của thầy trò HLV Mai Ðức Chung vào tối 8-12, thông qua Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời biểu dương ý chí và tinh thần thi đấu tuyệt vời của các cầu thủ, mang về tấm Huy chương vàng lần thứ sáu cho bóng đá nữ Việt Nam tại các kỳ SEA Games.

Chỉ số phát triển CPĐT của Liên hợp quốc đánh giá, năm 2018 Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó, chỉ số cung cấp DVCTT là chỉ số được đánh giá cao nhất đạt 0,74/1. Đến hết quý 3-2019, số DVCTT mức độ 3, 4 được cung cấp tại các bộ, cơ quan T.Ư là 1.720 dịch vụ; tỷ lệ phát sinh hỗ trợ trực tuyến là 47,7% và tại các địa phương là 46.660 dịch vụ; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến là 17,3%.