Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội thi đua yêu nước TP Hà Nội

NDO -

Sáng 3-10, trong không khí chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Đại hội thi đua yêu nước thành phố giai đoạn 2020-2025. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại đại hội. (Ảnh: DUY LINH)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại đại hội. (Ảnh: DUY LINH)

Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và TP Hà Nội.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của thành phố Hà Nội luôn đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức phong trào hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, với chủ đề, khẩu hiệu hành động và tiêu chí thi đua cụ thể. Nhiều phong trào thi đua với nội dung ngày càng thực chất đã góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố. Nhờ đó, Hà Nội đã góp phần tích cực trong tăng trưởng cả nước, cụ thể, đóng góp hơn 16% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Thủ đô xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội thi đua yêu nước TP Hà Nội -0
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh về kết quả phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. (Ảnh: DUY LINH)

Là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt - Việc tốt”, sau 28 năm triển khai thực hiện, đến nay phong trào đã trở thành phong trào thi đua trọng tâm, xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội của Thủ đô. Hàng chục nghìn tập thể, cá nhân thuộc thành phố được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội khen thưởng. Trong đó, 3.721 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ khen thưởng; 42.556 tập thể, cá nhân được UBND thành phố Hà Nội khen thưởng.

Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân của thành phố cũng đã được Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ghi nhận những đóng góp đặc biệt của các cá nhân vì sự phát triển của Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã quyết định tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020 cho 10 cá nhân.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã không ngừng phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, nỗ lực thi đua bằng nhiều phong trào thiết thực, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn 2015-2020, góp phần xứng đáng vào xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội thi đua yêu nước TP Hà Nội -0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước cho Lực lượng Thanh niên xung phong TP Hà Nội. (Ảnh: DUY LINH) 

Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của 5 năm tới với bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi các cấp, các ngành thành phố đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có hiệu quả cao hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2020-2025. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thi đua yêu nước, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới phương pháp chỉ đạo và tổ chức các phong trào thi đua theo hướng phát huy ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân tạo thành cao trào hành động cách mạng tác động tích cực thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Thủ đô. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội thi đua yêu nước TP Hà Nội -0
 Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao Huân chương Lao động cho các tập thể. (Ảnh: DUY LINH)

Phát huy truyền thống là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng, Thủ đô Hà Nội phải tiếp tục giữ vững ngọn cờ đầu của phong trào thi đua yêu nước của cả nước; không ngừng vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia, tạo nên các phong trào thi đua thực sự là đợt sinh hoạt chính trị là trách nhiệm, tình cảm của các sở, ban, ngành, địa phương và của mỗi công dân. Trong đó, thành phố phải chú trọng gắn các phong trào thi đua với bồi dưỡng, xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, phát triển toàn diện; xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” trong mạng lưới thành phố sáng tạo của thế giới. Công tác thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Phong trào thi đua phải tạo động lực góp phần giải quyết tốt các nhiệm vụ của từng sở, ngành, địa phương, trong đó tập trung vào những lĩnh vực, những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, có thể huy động được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện; tạo dấu ấn văn hóa người Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc; khơi dậy niềm tự hào và tình yêu Hà Nội trong mỗi người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đại hội thi đua yêu nước TP Hà Nội -0
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh trao danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020 cho các cá nhân. (Ảnh: DUY LINH)

Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để khen đúng, khen trúng, khen kịp thời; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ; khen thưởng phải trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, có ý nghĩa giáo dục và tạo được động lực tích cực trong xã hội, được dư luận đồng tình; tránh khen thưởng tràn lan làm suy giảm giá trị khen thưởng; kiên quyết chống bệnh thành tích; chú trọng khen thưởng thành tích đột xuất người lao động, người trực tiếp sản xuất kinh doanh. 

Nhân đây, Thủ tướng đề nghị Hà Nội phát động thi đua trong những tháng cuối năm để thành phố hoàn thành mục tiêu thu ngân sách Nhà nước như dự toán T.Ư giao. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng Thủ tướng tin rằng, với bản lĩnh, ý chí, nhất định Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Muốn vậy, ngay sau đại hội, thành phố tiếp tục phát động và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhằm huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế, vai trò gương mẫu như Bác Hồ đã dạy, giữ vững là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước trong giai đoạn mới.