Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp về số liệu thống kê và tình hình kinh tế - xã hội

Ngày 2-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về số liệu thống kê và tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 7 và bảy tháng năm 2020.

Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng nêu rõ, trước tình hình dịch Covid-19, chúng ta đã bình tĩnh, quyết tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt hai mục tiêu kiểm soát dịch và không để đứt gãy nền kinh tế, không để tăng trưởng âm trong bối cảnh những đối tác lớn bị ảnh hưởng nặng nề. Toàn quân, toàn dân cũng như ngành y tế, các cấp chính quyền không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng. Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tăng trưởng ở mức có thể, Thủ tướng cho rằng, phải tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công; làm tốt hơn nữa chính sách tiền tệ, tài khóa, tiếp tục nới lỏng có kiểm soát; thúc đẩy mạnh mẽ chính sách tài khóa, tiền tệ, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển. Không chỉ giải ngân vốn đầu tư công mà thúc đẩy cả vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân ở Việt Nam; kiểm soát lạm phát dưới mức 4%. Phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chính sách, bảo đảm chủ động, tích cực, hiệu quả hơn nữa đối với ba trục: đầu tư (cả đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI), tiêu dùng và xuất khẩu để kích thích tổng cầu.

Với các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, cần tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu, làm tốt dịch vụ logistics, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh tổng cầu nội địa với giải pháp đa dạng; không để thiếu thốn hàng hóa nhu yếu phẩm đối với mọi vùng miền, nhất là nơi có dịch. Các bộ, ngành chức năng phải có kịch bản tăng trưởng phù hợp và chuẩn bị phương án thời gian tới. Phải phối hợp tốt hơn nữa trong công tác thống kê, tính toán đầy đủ các yếu tố tăng trưởng để làm sao phản ánh được con số thực của nền kinh tế. Về số liệu xuất, nhập khẩu, theo Thủ tướng, đây là kênh quan trọng đối với tăng trưởng, tuy nhiên số liệu thường chậm, nhiều trường hợp chênh lệch số liệu xuất khẩu đến hàng tỷ USD do nguyên nhân là ước số liệu 10 đến 15 ngày cuối tháng. Sự phối hợp trong vấn đề này chưa tốt, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KHÐT), Bộ Tài chính cần chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê (TCTK) rà soát lại, làm việc trực tiếp với nhau vào thời điểm cuối tháng để thống nhất số liệu trước khi công bố, không để chênh lệch quá lớn như hiện nay. Số liệu tiền tệ tín dụng và ngân sách nhà nước (NSNN) được ước từ ngày 15 đến 20 hằng tháng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần báo cáo bổ sung, cập nhật số liệu. Bộ KHÐT, TCTK phải làm việc trực tiếp với các bộ, ngành vào ngày cuối tháng để thống nhất số liệu trước khi TCTK công bố hằng tháng.

Về số liệu phát triển KTXH trên các ngành, lĩnh vực, theo báo cáo của một số Bộ trưởng, trong nhiều trường hợp số liệu này chưa phản ánh sát thực tế từng ngành, từng lĩnh vực. Thủ tướng cho rằng, ngành thống kê cần chủ động hơn để có bộ số liệu chính xác, kịp thời, cập nhật thường xuyên, khách quan, chính xác, không "tô hồng" nhưng không được "bôi đen", không được bỏ sót, làm đúng theo quy định của pháp luật. Trước khi Bộ KHÐT công bố, Bộ cũng như TCTK phải làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan để rà soát kỹ từng số liệu, phương pháp thống kê, thời điểm cung cấp số liệu, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Cần rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III, cả năm 2020 và 2021, tính toán cụ thể việc hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động. Các ngành chức năng như nông nghiệp, công thương, nhất là kế hoạch và đầu tư, tài chính đều có các giải pháp huy động nguồn lực, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; có giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ nền kinh tế,…

Theo báo cáo của TCTK, tình hình KTXH tháng 7 nhìn chung tốt hơn tháng trước. Hoạt động đầu tư xây dựng ở các địa phương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 0,3% so cùng kỳ năm 2019; kim ngạch nhập khẩu đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so tháng trước và giảm 2,9% so cùng kỳ năm 2019. Tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1 tỷ USD, tính chung bảy tháng, ước xuất siêu 6,5 tỷ USD...