Ý kiến cử tri

Thủ tướng không tránh né những hạn chế, yếu kém

Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều ngày 8-11 đã nêu khá toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và công tác đối ngoại. Thủ tướng không ngần ngại nêu rõ những yếu kém, hạn chế của một số ngành, lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương.

Các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội đã nêu cụ thể, chi tiết, trực tiếp những vấn đề cử tri, dư luận quan tâm. Phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không né tránh, mà trực tiếp vào câu hỏi, vấn đề của đại biểu chân thành, cụ thể, đưa ra những giải pháp để từng bước giải quyết các vấn đề còn bất cập, hạn chế, yếu kém trong quá trình điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng thời gian dành cho việc chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng còn ít, không thể trả lời hết các câu hỏi của đại biểu. Vì vậy, cử tri mong muốn Quốc hội nên dành nhiều thời gian hơn cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ. Cử tri cũng mong muốn Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, để mỗi cán bộ, công chức thật sự là công bộc của nhân dân.

Phan Ðiểm

(Số 9 Lê Trực, xã Hòa Phước, Hòa Vang, Ðà Nẵng)

Mỗi người cần tự sàng lọc thông tin khi tham gia mạng xã hội

Mạng xã hội đem lại nhiều yếu tố tích cực. Tuy nhiên, yếu tố tiêu cực cũng không ít. Một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá Ðảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, không ít thông tin độc hại, chưa được kiểm chứng; những trào lưu sống không lành mạnh được lan truyền trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng lớp trẻ; một số đối tượng kinh doanh qua mạng xã hội nhưng trốn thuế... Thời gian qua, đã có nhiều biện pháp để kiểm soát những thông tin không lành mạnh lan truyền trên mạng xã hội. Nhưng tôi cho rằng, vẫn cần những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành để lành mạnh hóa thông tin trên các trang mạng xã hội. Cùng với việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những đối tượng đưa thông tin không lành mạnh, thông tin thất thiệt, cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền để mọi người dân nâng cao ý thức khi sử dụng mạng xã hội; có ý thức tự "sàng lọc" thông tin khi sử dụng.

Nguyễn Bích Liên

(Phố Tôn Ðức Thắng, quận Ðống Ða, Hà Nội)

Cần ưu tiên giải pháp sử dụng bộ lọc chặn tin xấu, độc

Ðể ngăn chặn thông tin xấu độc trên các trang mạng xã hội hiện nay, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu các giải pháp: Sử dụng bộ lọc chặn tin; xử lý nghiêm minh người tung tin giả; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức để người dân có khả năng phân biệt tin xấu, tin tốt trên không gian mạng và có khả năng phản biện đấu tranh các thông tin tiêu cực.

Tuy nhiên với thực tế các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều người trình độ hạn chế như tỉnh Ðiện Biên, tôi cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường giải pháp sử dụng bộ lọc chặn tin xấu, tin độc để những tin xấu độc không có cơ hội xuất hiện trước người dân thì hiệu quả hơn. Bởi hiện nay có một bộ phận không nhỏ đồng bào là người dân tộc thiểu số ở Ðiện Biên cả tin, cho nên chỉ một lần nghe hoặc xem thông tin trên mạng sẽ nghĩ, tin là thật. Và khi đã tin thì họ cho là đúng và dễ dàng làm theo những xui khiến và vô tình đã phục vụ âm mưu, ý đồ của kẻ xấu. Chính thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực biên giới ở các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ của tỉnh Ðiện Biên trong nhiều năm qua và cả hiện nay.

Nguyễn Ngọc Toản

(Phường Tân Thanh, TP Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên)

Kiên quyết xử lý các hành vi xuyên tạc sự thật

Trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, tôi thấy Bộ trưởng đã trả lời tập trung, mạch lạc, dứt khoát và cung cấp cho cử tri nắm bắt được công tác quản lý thông tin điện tử. Trong đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, môi trường mạng. Ðặc biệt, gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện trang điện tử, web mạo danh, trong đó mạo danh cá nhân lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp Bộ Công an kiên quyết xử lý tình trạng này theo quy định của Luật An ninh mạng. Không thể để xuất hiện tràn lan trên mạng những nội dung, hình ảnh kích động, xuyên tạc sự thật.

Tôi xin đơn cử như tại Phú Yên thời gian gần đây có vụ việc chính quyền huyện Tuy An xây dựng một chợ mới (chợ Yến) khang trang, sạch đẹp cho người dân thuận lợi buôn bán, thay cho chợ cũ đã xuống cấp, ô nhiễm. Vậy mà một số phần tử lợi dụng mạng xã hội kêu gọi phản đối, cho là chính quyền áp đặt, xua đuổi, xóa bỏ chợ truyền thống gây khó khăn cho người dân. Nhưng sau thời gian vận động, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, giờ đây mọi người vui vẻ đến địa điểm mới họp chợ. Nơi chợ cũ xây dựng thành công viên, sạch đẹp, mọi người đều phấn khởi. Vì vậy, phải xử lý những người đã tung những thông tin kích động, sai sự thật trên mạng, cần điều tra, xử lý nghiêm để những hành vi vô trách nhiệm, thiếu ý thức xây dựng không còn đất sống.

Nguyễn Công Hoan

(Cán bộ hưu trí tổ dân phố 30, khu phố Lê Thành Phương, phường 8, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên)

Chấn chỉnh tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp

Qua tìm hiểu thực tế, tôi nhận thấy, tình trạng nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp đang bằng nhiều phương thức để "báo hóa" khiến người dân rất dễ nhầm tưởng đó là một tờ báo điện tử. Ðiều này, nếu diễn ra tràn lan và không kiểm soát được rất dễ gây nên tình trạng "nhiễu" và khó định hướng xã hội, một chức năng mà các báo điện tử chính thống đang nỗ lực thực hiện. Cả nước hiện có nhiều trang thông tin đang vi phạm các quy định của pháp luật, như: quyền tác giả, quy định về quảng cáo, đặc biệt đối với sản phẩm y tế, thực phẩm chức năng, mập mờ về thông tin, giật tít giật gân để câu khách,…

Ðể môi trường báo chí minh bạch, rõ ràng, có tính định hướng trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, việc quản lý, cấp phép, nhất là về nội dung, hình thức thể hiện trên các trang thông tin điện tử cần phải chặt chẽ, chi tiết và có chế tài nghiêm khắc hơn nữa xử lý các sai phạm.

Nguyễn Thị Hà

(Phường Linh Ðông, quận Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh)

Bảo vệ trẻ em trước những tiêu cực của mạng xã hội

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, mỗi năm có hơn 2.000 vụ xâm hại, lạm dụng trẻ em xảy ra, mà nguyên nhân có một phần là do sự phát triển của mạng xã hội hiện nay. Ðiều nguy hiểm chính là công cụ quản lý của Nhà nước chưa có chế tài cụ thể xử lý các mạng xã hội chuyên sản xuất các chương trình nhắm vào đối tượng là trẻ em, ít nhất là các mạng xã hội của Việt Nam. Trẻ em vô tư, trong sáng và thiếu "đề kháng" trước các đối tượng bệnh hoạn trên mạng xã hội nhằm vào các em để khai thác, kiếm tiền. Các đoạn phim có nội dung không lành mạnh, xấu, độc không những không bị kiểm soát, ngăn chặn mà còn có nhiều lượt xem, đem về số tiền lớn cho người sản xuất chương trình, còn hậu quả thì gia đình và xã hội gánh chịu. Ðây là thực trạng cần được Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng quyết liệt ngăn chặn, xử lý.

Huỳnh Xuân Phong

(Phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ)

Kinh tế tư nhân còn thiếu điều kiện và môi trường để phát triển

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 8-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày nhiều nội dung và những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế, trong đó, có kinh tế tư nhân.

Có một thực tế là đa số các doanh nghiệp tư nhân năng lực tài chính hạn chế cho nên năng lực cạnh tranh thấp hơn các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); nhiều doanh nghiệp còn kinh doanh theo hình thức ngắn hạn, chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn. Trong khi, đội ngũ doanh nhân của khu vực tư nhân chưa lớn mạnh, còn thiếu kinh nghiệm, hạn chế về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập dẫn đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân đang có xu hướng giảm, chưa đáp ứng được vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế. Vì vậy, đề nghị Ðảng và Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ, có chính sách ưu đãi để kinh tế tư nhân phát triển như tiềm năng, lợi thế vốn có và trở thành động lực quan trọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế đất nước.

Ngô Xuân Cư

(Cán bộ hưu trí phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, Phú Thọ)