Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Ðại hội XIII của Ðảng

Chiều 8-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội (KTXH) Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng chủ trì phiên họp Thường trực Tiểu ban. Cùng dự, có các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Vương Ðình Huệ.

Ảnh: Trần Hải.
Ảnh: Trần Hải.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công sức của Tổ Biên tập; đề nghị Tổ trưởng Biên tập, đại diện các cơ quan là thành viên Tiểu ban tiếp thu ý kiến, rà soát để hoàn thiện các dự thảo, đưa ra xin ý kiến tại cuộc họp của Tiểu ban trong thời gian tới. Các dự thảo báo cáo cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, có tính khái quát cao; có nhiều ý mới, sáng tạo, nhận định tương đối thẳng thắn, phản ánh đúng tình hình các mặt kinh tế, môi trường, an ninh đối ngoại; phản ánh được ý chí, khát vọng vươn lên. Theo Thủ tướng, tình hình khu vực và Biển Ðông có nhiều phức tạp, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc,... cho nên cần cân nhắc đưa vấn đề vào dự thảo báo cáo vì những nhân tố này có thể ảnh hưởng quá trình phát triển.

Thủ tướng đánh giá Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược 10 năm phát triển KTXH nhìn chung có nhiều nét mới, tuy nhiên, trong đề cương chi tiết, cần nghiên cứu, đánh giá phù hợp, nhất là bổ sung những nội dung còn thiếu để bảo đảm tính hệ thống, tổng thể. Trong các dự thảo chưa đánh giá đầy đủ công tác chỉ đạo, điều hành, trong khi đây là những vấn đề rất quan trọng. Phần kinh tế cần có thêm nhiều số liệu để chứng minh, thí dụ, về kinh tế vĩ mô cần đánh giá các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, bảo đảm kiểm soát lạm phát,... qua đó làm rõ hơn, thể hiện sự chủ động trong điều hành, rút kinh nghiệm cho thời gian tới. Về phần hạn chế nêu trong dự thảo, Thủ tướng cho rằng cơ bản nêu được vấn đề, tuy nhiên Tổ Biên tập cần viết chặt chẽ hơn để hiểu đúng tình hình; dùng câu từ phù hợp, sát thực tế hơn để nêu được vấn đề. Về nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, cần đánh giá tình hình khách quan, câu chữ sát nghĩa để rõ hơn về mặt quan điểm. Về quan điểm phát triển, rà soát thêm những vấn đề liên quan dự thảo báo cáo chính trị để hoàn thiện hơn. Tổ Biên tập của Tiểu ban cần phối hợp chặt chẽ, trao đổi với Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Về mục tiêu tổng quát, cần bổ sung thêm con số một cách khoa học, sát thực tiễn, tính khả thi cao. Nhất trí về phần đột phá chiến lược, Thủ tướng đề nghị giai đoạn tới cần phát huy mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ con người Việt Nam.

Trong thời gian tới, Tiểu ban cần tiếp tục làm việc với các bộ, ngành T.Ư; xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đã về hưu, làm tốt công tác chuẩn bị cho các cuộc làm việc này. Thường trực Tiểu ban sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng trong Tiểu ban phải có trách nhiệm chỉ đạo các buổi làm việc theo từng nhóm công việc đã được phân công để hoàn thành nhiệm vụ; chủ động tổ chức các hội thảo, thảo luận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm hoàn thiện dự thảo báo cáo,...