Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

Ngày 11-11, buổi sáng, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra: dự án Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Ðê điều; thảo luận ở tổ về dự án Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư. Buổi chiều, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH
Ðại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Nâng cao tính khả thi của các dự án theo phương thức đối tác công tư

Mở đầu phiên họp, QH nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và biểu quyết thông qua Nghị quyết nêu trên. Kết quả, có 426 đại biểu tán thành (chiếm 88,2%). Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra bao gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 đến 34% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 đến 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đặt ra chỉ tiêu số giường bệnh trên 10 nghìn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%...

Trong phiên làm việc sáng qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của
QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này.

Tiếp theo, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung nêu trên.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Ðê điều. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật nêu trên.

Sau đó, QH tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ða số đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành dự án Luật, nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn. Dự thảo Luật đã xác định một số lĩnh vực đầu tư cần thiết, cũng như có quy định mở đối với các lĩnh vực phát sinh trong tương lai cần đầu tư theo phương thức PPP trên nguyên tắc các lĩnh vực khác phải phù hợp với quy định về lĩnh vực đầu tư công và khả năng bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu dự án có sử dụng vốn đầu tư công). Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả của phương thức đầu tư PPP và thống nhất, đồng bộ với quy định tại các luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các bên lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp.

Ðể thu hút được nguồn vốn tư nhân đầu tư theo hình thức PPP, một số ý kiến cho rằng, cần quan tâm đến các cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, giúp giảm đến mức thấp nhất rủi ro trong việc thực hiện dự án PPP. Mặc dù dự thảo đã có những quy định liên quan giải pháp để giảm rủi ro trong thực hiện dự án, song chưa đầy đủ, rõ ràng. Về vấn đề này, đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, nhiều rủi ro khác có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án PPP như: rủi ro về thay đổi chính sách, pháp luật, tỷ giá... Tuy nhiên, những rủi ro đó lại chưa được dự liệu trong dự thảo để có thể phân chia rủi ro, bảo đảm quyền lợi giữa Nhà nước và nhà đầu tư, nhất là các dự án có thời gian thực hiện dài, lên tới 20, 30 năm. Ðây là vấn đề cần tính toán kỹ để tạo được sự bảo đảm, thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Các đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro này, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ðồng thời, phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự thảo Luật.

Quy định rõ trách nhiệm trong xây dựng lực lượng dự bị động viên

Mở đầu phiên họp buổi chiều, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (DBÐV). Báo cáo cho biết, tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIV, QH đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Lực lượng DBÐV. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời gửi xin ý kiến các Ðoàn đại biểu QH và các cơ quan của QH.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng DBÐV, đề cập tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu Lưu Ðức Long (Vĩnh Phúc) và một số đại biểu cho rằng, tên gọi của Luật như dự thảo Luật là chưa bao quát, không phù hợp nội dung dự thảo Luật. Vì theo Luật Quốc phòng, lực lượng DBÐV chỉ là con người; để xác định rõ trách nhiệm xây dựng lực lượng DBÐV và trang bị kỹ thuật để kịp thời bổ sung cho Quân đội lực lượng, phương tiện, đề nghị Ban soạn thảo sửa tên gọi của Luật là "Luật tổ chức lực lượng Dự bị động viên" hoặc "Luật về lực lượng DBÐV và phương tiện kỹ thuật". Tuy nhiên, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) và một số đại biểu thống nhất tên gọi nêu trong dự thảo Luật và cho rằng, tên gọi như dự thảo Luật là kế thừa Pháp lệnh về Lực lượng DBÐV thực hiện từ năm 1996, qua hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh không có vướng mắc gì trong việc huy động lực lượng và phương tiện, phù hợp quy định của Hiến pháp, Luật Quốc phòng. Hơn nữa, Lực lượng DBÐV gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã đăng ký, quản lý và sắp xếp vào đơn vị DBÐV để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội... Theo đó, các đại biểu đề nghị QH giữ tên gọi như dự thảo Luật.

Ðề cập đến độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị (QNDB) vào đơn vị DBÐV trong thời bình, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc tăng hoặc giảm độ tuổi QNDB vào các đơn vị DBÐV phù hợp thực tiễn. Có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa phù hợp, khó khăn trong sắp xếp đơn vị DBÐV, không thống nhất với Luật Nghĩa vụ quân sự... Tuy nhiên, đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang), cho rằng, hiện nay, nguồn QNDB rất dồi dào, chiếm 8% tổng dân số, với độ tuổi từ 40 trở xuống. Xuất phát từ thực tiễn nguồn QNDB dồi dào hiện có và yêu cầu sử dụng Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống, dự thảo Luật quy định độ tuổi sắp xếp QNDB vào đơn vị DBÐV trong thời bình là phù hợp, song quá trình tổ chức thực hiện, sắp xếp cần bảo đảm chất lượng.

Ðề cập trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng và huy động lực lượng DBÐV, có đại biểu cho rằng, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có QNDB làm việc, học tập, công tác chưa tạo điều kiện thuận lợi để QNDB được huy động tập trung tham gia huấn luyện, diễn tập và thực hiện nhiệm vụ. Khi QNDB hoàn thành nhiệm vụ trở về, việc tiếp nhận, bố trí công việc cho QNDB chưa được quan tâm đúng mức, có trường hợp QNDB trở về doanh nghiệp tư nhân, hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã mất các quyền lợi, hoặc bị chuyển công tác… Do vậy, các đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định và dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công ty tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm trong xây dựng lực lượng DBÐV. Nhất là, phải tạo điều kiện để QNDB đi làm nhiệm vụ và tiếp nhận lại, bảo đảm việc làm, không làm ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích khác của QNDB... Ðồng thời, dự thảo Luật cần bổ sung chế tài thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm, đi đôi làm tốt công tác thi đua, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích.

Cuối phiên làm việc buổi chiều, đại diện cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Hiện, QNDB thường đi làm ăn xa, khó khăn trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh quản lý đơn vị DBÐV và huy động lực lượng này tham gia huấn luyện, diễn tập, báo động, kiểm tra hằng năm. Nếu quá 35 tuổi không được sắp xếp vào các đơn vị này thì rất khó khăn cho địa phương. Thực tế cho thấy, đơn vị chỉ có khoảng 50% đến 60% QNDB được sắp xếp, bổ nhiệm vào các đơn vị trên địa bàn. Do vậy, cần xem xét độ tuổi QNDB sắp xếp vào các đơn vị DBÐV trong thời bình, bảo đảm thống nhất với các văn bản pháp luật khác và sát tình hình thực tế của địa phương.

Ðại biểu Trần Văn Mão

(Nghệ An)

Khi làm dự án PPP sẽ "động" tới đất đai, công ăn việc làm, cuộc sống của người dân, cho nên trước khi ký kết hợp đồng, cần tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị tác động. Chính những ý kiến này là thành tố đưa vào hợp đồng hợp tác công tư để bảo đảm quyền lợi của người dân.

Ðại biểu Phạm Phú Quốc
(TP Hồ Chí Minh)