Thông qua 53 nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

NDO -

NDĐT- Với tỷ lệ 92,96% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, 53 nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật, sáng 18-6. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật, sáng 18-6. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 18-6, thực hiện chương trình kỳ họp, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bằng hệ thống điện tử.

Kết quả biểu quyết có 449/457 đại biểu tán thành (chiếm 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 53 sửa đổi, bổ sung. Các nội dung sửa đổi, bổ sung này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2021.

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ, ngày 22-5-2020, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đóng góp thêm ý kiến về một số điều, khoản cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Đáng chú ý, về việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, UBTVQH báo cáo cho biết: Theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Hội đồng Dân tộc (HĐDT), Ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ thẩm tra các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm bảo đảm tất cả các nội dung liên quan của dự án luật đều được xem xét để báo cáo Quốc hội, UBTVQH.

Thông qua 53 nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ảnh 1

Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: NGUYÊN MINH.

Tương tự như vậy, trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, ngoài trách nhiệm chung của Ủy ban Pháp luật thì rất cần ý kiến thẩm tra chuyên môn sâu của HĐDT, Ủy ban khác của Quốc hội với vai trò là cơ quan phụ trách lĩnh vực. Đây cũng là sự đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong công tác lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và đã đạt được những kết quả tích cực.

Việc quy định như vậy cũng là nhằm đề cao, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tham gia trong quy trình xây dựng, ban hành luật như yêu cầu của Ban Bí thư tại Thông báo số 26-TB/TW ngày 19-4-2017.

Đồng thời, đối với các dự án, dự thảo có quy định liên quan đến vấn đề dân tộc, tiếp thu ý kiến ĐBQH, tại khoản 2 Điều 55 dự thảo Luật đã bổ sung quy định Tờ trình phải thể hiện rõ các nội dung cơ bản của dự án, dự thảo, trong đó bao gồm việc bảo đảm chính sách dân tộc mà không quy định phải có báo cáo riêng.

Bên cạnh đó, về xử lý mâu thuẫn, xung đột pháp luật, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để hạn chế và khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng văn bản, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Luật quy định hồ sơ dự án gửi thẩm định, thẩm tra, trình Quốc hội phải có báo cáo về rà soát các VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo; đồng thời bổ sung vào khoản 2 Điều 12 quy định “trường hợp VBQPPL đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó”.

Ngoài ra, Báo cáo của UBTVQH cũng nêu rõ về một số nội dung đã tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật, như: về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); về văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; về quy định thủ tục hành chính trong VBQPPL; về trình tự xem xét, thông qua dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự thảo pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; về xây dựng, ban hành thông tư liên tịch; về ngưng hiệu lực của VBQPPL...