Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội XII của Đảng

Thành công của Đại hội XII, nhìn từ chủ đề

LTS - Đại hội lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Các văn kiện được Đại hội thông qua là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới, tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nhằm góp phần quán triệt sâu sắc nội dung các văn kiện Đại hội, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí và hành động, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, từ số ra hôm nay, Báo Nhân Dân mở chuyên mục “Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội XII của Đảng”. Đây là những bài viết giải thích, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn; khẳng định sự đúng đắn, khoa học, sáng tạo của các quan điểm, giải pháp thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ được Đại hội XII của Đảng đề ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thành công của Đại hội XII, nhìn từ chủ đề

Đại hội XII đã thành công tốt đẹp. Nhưng thành công đó là gì? Thể hiện như thế nào? Do đâu đạt được? Đó là những câu hỏi đặt ra. Để có cái nhìn tổng quát, trước hết, xin bắt đầu từ chủ đề.

I. CHỦ ĐỀ - TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO VÀ ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN

Trong 30 năm đổi mới, từ 1986 đến nay, Đảng ta đã trải qua bảy kỳ đại hội, mà đại hội nào cũng đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Nét chung nhất là thành công của mỗi kỳ đại hội ấy đều khởi đầu từ việc xác định đúng chủ đề. Chủ đề nêu lên tư tưởng chỉ đạo và định hướng cơ bản cho cả một nhiệm kỳ hoặc dài hơn.

Ba Đại hội VI, VII và VIII tuy không nêu chủ đề thành tiêu đề của Báo cáo chính trị, nhưng tư tưởng chỉ đạo cơ bản của chủ đề vẫn được thể hiện sắc nét.

Đại hội VI (1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện, được coi là Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới. Đại hội VII (1991) là Đại hội của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội VIII (1996) đánh đấu sự chấm dứt hơn 15 năm khủng hoảng kinh tế - xã hội và mở ra thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba Đại hội tiếp theo IX, X và XI có sự thay đổi so với trước, nêu chủ đề thành tiêu đề của Báo cáo chính trị.

Đại hội IX (2001): “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội X (2006): “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”.

Đại hội XI (2011): “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Trong tiêu đề của ba đại hội này, các thành tố nêu ra cơ bản giống nhau, chỉ khác về thứ tự sắp xếp. Nếu Đại hội IX nêu lên vế đầu “phát huy sức mạnh toàn dân tộc” thì Đại hội X và XI lại dành vị trí ấy cho “Nâng cao (hoặc Tiếp tục nâng cao) năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.

Cũng cần nói thêm, về mục tiêu phấn đấu chung của đổi mới, Đại hội IX của Đảng, thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001- 2010) đã chỉ rõ: Trong 10 năm này, phấn đấu đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy là hai Đại hội X và XI đều nhất quán với tinh thần ấy.

Điểm qua vài nét như trên để thấy rõ, trong tiêu đề Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng, đã có những sự thay đổi rất đáng ghi nhận, không chỉ về mặt cấu trúc các thành tố một cách toàn diện hơn mà còn ở chỗ bổ sung, phát triển và nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của từng thành tố đó. Tiêu đề như sau: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Xuất phát từ tiêu đề cũng tức chủ đề này, Đại hội đã đề ra mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới.

Mục tiêu tổng quát không chỉ hội đủ mà còn cụ thể hóa hơn nữa các thành tố của chủ đề, bao gồm:

* Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa.

* Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

* Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

* Giữ gìn hòa bình ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đại hội còn nêu rõ: “Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

II. VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH CỦA HAI NHIỆM VỤ TRUNG TÂM VÀ THEN CHỐT

Từ chủ đề của Đại hội, được cụ thể hóa thành mục tiêu tổng quát như trên, ta thấy nổi bật lên hai nhiệm vụ trung tâm và then chốt.

Về nhiệm vụ trung tâm

Công cuộc đổi mới trong 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Đó là sự thật không ai có thể phủ nhận. Nhưng đổi mới không phải là con đường thẳng tắp. Thời cơ và thách thức luôn đan xen nhau. Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khuyết điểm.

Liên quan đến nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, ta thấy: Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực huy động. Trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô có lúc thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng suy giảm, phục hồi chậm. Còn tiềm ẩn một số nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. Việc tạo nền tảng để cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được mục tiêu đề ra. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Đó là chưa nói tới nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Những khó khăn và thách thức đó là không nhỏ. Có những thách thức không thể một sớm một chiều khắc phục được. Nhưng dù khó khăn, thách thức lớn đến mấy, chúng ta cũng sẵn sàng đối mặt, với quyết tâm cao và hành động khoa học.

Quyết sách Đại hội XII đưa ra là: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Ở đây, xin không đi sâu phân tích thế nào là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới mà chỉ bàn thêm đôi nét về chữ sớm.

Đã có tiền lệ từ Đại hội X. Thay vì “đến năm 2010, phấn đấu đưa nước ta khỏi tình trạng kém phát triển” như Đại hội IX đã nêu, Đại hội X dùng chữ “sớm” với quyết tâm phải đạt được mục tiêu đó trước thời hạn. Và sự thật, mục tiêu này đã thành hiện thực sớm hơn một năm.

Lần này, Đại hội XII dùng chữ “sớm” với hàm ý việc đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không thể thực hiện vào năm 2020 mà còn cần thêm một thời gian nữa, dẫu sao vẫn phải sớm, không thể chậm trễ hơn. Nên nhớ rằng mục tiêu tổng quát nêu trong Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011) là: Từ nay đến giữa thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về nhiệm vụ then chốt

Năm năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đảng ta đã kiên trì, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ then chốt về xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạt được những kết quả quan trọng. Đảng giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, thể hiện trên nhiều mặt, nhiều khâu công tác.

Trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một số việc chưa đạt mục tiêu đề ra. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn. Trong khi đó, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao.

Trong các khâu công tác khác, nổi lên là: Việc dự báo, hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa kịp thời, đồng bộ, hiệu quả; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, có nơi mất sức chiến đấu; công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên; chất lượng sinh hoạt đảng, tính chiến đấu trong tự phê bình, phê bình còn yếu; tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Chính vì vậy, “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” đã được Đại hội XII đặc biệt nhấn mạnh. Đó là vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách. Không chỉ đặt thành vế đầu của chủ đề, Đại hội còn chủ trương, trong 5 năm tới, phải “đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI”. Và: “Tập trung thực hiện mục tiêu: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Đặt vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về đạo đức ngang với chính trị, tư tưởng, tổ chức thật sự là một nét mới trong tư duy lãnh đạo của Đảng.

Để tìm hiểu thấu đáo Nghị quyết Đại hội XII về xây dựng Đảng, cần nhớ tới bài học nêu trong Cương lĩnh: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam… Đảng phải không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức… Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.

***

Phát huy hiệu lực chủ đề, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại!

Đó chính là bức thông điệp Đại hội XII gửi đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.