Thái Bình nâng cao hiệu quả công tác dân vận

* Trà Vinh đẩy mạnh bảo hộ tài sản trí tuệ

Những năm qua, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình đổi mới, tiếp tục được nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình. Ảnh: THẾ DUYỆT (TTXVN)
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình. Ảnh: THẾ DUYỆT (TTXVN)

Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, nhân dân đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm giải quyết tốt các vấn đề xã hội của địa phương, góp phần củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền; giúp người đứng đầu cấp ủy đảng kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, những khó khăn, vướng mắc, bất cập để tập trung chỉ đạo giải quyết. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch với cơ quan nhà nước.

Hiện nay, tất cả TTHC được giải quyết theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các huyện, thành phố; thực hiện công khai các TTHC; mở rộng việc nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu điện... Vì vậy, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tăng dần qua các năm. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền, quy trình, quy định, chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ đó, chất lượng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chuyển biến tích cực...

* Giai đoạn 2020-2030, tỉnh Trà Vinh bố trí gần 19 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ; trong đó, nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ là hơn 16,2 tỷ đồng, nguồn từ Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hơn 2,5 tỷ đồng. Với số tiền nêu trên, tỉnh triển khai các giải pháp, hoạt động xây dựng và hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ, hạn chế tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tỉnh đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, 13 hợp tác xã nông thôn kiểu mới và các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ được tư vấn đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, quảng bá tài sản trí tuệ. Tỉnh cũng hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm gạo của Hợp tác xã nông nghiệp Dân Tiến, bưởi da xanh của Hợp tác xã Hùng Hòa, dưa lưới của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước 10 nhãn hiệu tập thể và 50 nhãn hiệu thông thường (độc quyền); bảo hộ 10 kiểu dáng công nghiệp trong nước; bảo hộ quốc tế năm nhãn hiệu; hỗ trợ đăng ký bảo hộ năm sáng chế, giải pháp hữu ích.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ; ít nhất 20 kiểu dáng công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ; khoảng 70% các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu.