Tạo thuận lợi cho công tác kiểm toán

Ngày 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) nghe các báo cáo và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Báo cáo công tác năm 2019 và kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước; về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cần làm rõ phạm vi đối tượng kiểm toán

Tại phần thảo luận về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, các đại biểu dành nhiều thời gian bàn về phạm vi của đối tượng kiểm toán, trong đó nhấn mạnh phải làm rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoạt động kiểm toán. Cho ý kiến tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Ðức Phớc cùng một số đại biểu cho rằng, trong luật hiện hành, chỉ nói đến đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan mà chưa giải thích cụ thể về đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan. Vì vậy, trong Luật sửa đổi, bổ sung cần giải thích rõ "cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan". Về khái niệm "có dấu hiệu vi phạm" mới được kiểm toán, có ý kiến cho biết: Trong trường hợp Kiểm toán Nhà nước không được tiếp cận hồ sơ kiểm toán, không được đối chiếu, kiểm tra thì không thể xác định có dấu hiệu vi phạm để tiến hành các hoạt động kiểm tra. Còn nếu đã có dấu hiệu vi phạm thì theo luật hiện hành phải chuyển cơ quan điều tra, tiến hành điều tra, truy tố. Vì vậy khái niệm "có dấu hiệu vi phạm" cần phải xem xét lại kỹ lưỡng.

Một số đại biểu có ý kiến, hoạt động kiểm toán liên quan việc phòng, tránh vi phạm, bởi vậy công tác này mang tính chất xây dựng là chính chứ không phải xử lý. Từ chức năng này cần xây dựng luật mang tính không "bó buộc" hoạt động kiểm toán và không nên quy định phải có dấu hiệu vi phạm mới được vào kiểm toán. Tại phiên thảo luận, một số ý kiến nêu vấn đề, Luật Kiểm toán nhà nước đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban TVQH không mở rộng phạm vi đối tượng kiểm toán cho nên vẫn giữ nguyên quy định về đối tượng kiểm toán theo luật hiện hành. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán có thể xuất hiện những đối tượng, hoạt động cần kiểm toán để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đối tượng đang được kiểm toán. Khi đó cần bổ sung khái niệm để làm rõ các đối tượng liên quan hoạt động kiểm toán theo hướng trong quá trình kiểm toán mà xác định hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán thì cơ quan kiểm toán có thể mở rộng hoạt động kiểm toán.

Tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình dự thảo luật

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), các đại biểu tập trung vấn đề "đổi vai" cơ quan chủ trì chỉnh lý dự thảo luật. Theo đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL đề xuất sửa đổi các Ðiều 74, 75, 76 và 77 của Luật Ban hành VBQPPL hiện hành theo hướng, việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cho cơ quan trình dự án luật. Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem xét việc "đổi vai" có bảo đảm đủ thành phần tham gia đúng quy định và có đủ thời gian để thẩm tra các chương trình QH thông qua. Việc "đổi vai" có thể dẫn đến việc số lượng luật được thông qua trong một năm sẽ rất hạn chế. Có ý kiến nhấn mạnh: Thay vì sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL hiện hành, cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, cũng như tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình các dự án luật. Bởi lẽ, chủ trương đề nghị sửa đổi sẽ kéo theo nhiều thay đổi khác, tác động đến bộ máy tổ chức của Nhà nước, liên quan đến thẩm quyền và vai trò của QH. Vấn đề "đổi vai" cũng không phải vấn đề mới, đã từng được đưa ra thảo luận nhưng chưa có sự thống nhất. Trong suốt quá trình xây dựng dự thảo luật, cơ quan chủ trì soạn thảo luôn có cơ hội bảo vệ chính sách mình đề ra. Trong khi đó, luật hiện hành mới thực thi hơn ba năm, cho nên vấn đề nào thật cần thiết, thật chín muồi, rõ ràng có vướng mắc trong thực tế mới cần sửa đổi.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL rất quan trọng, có những vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp công tác xây dựng pháp luật. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình ra QH cho ý kiến tại kỳ họp tới.