Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú

Tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú

Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Một trong những nội dung quan trọng là dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG HOÀNG
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG HOÀNG

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú.

Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư song cũng đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề để bảo đảm tính khả thi của quy định. Theo đó, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra. Bởi hiện nay mới chỉ có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12-2020 sẽ hoàn thành xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam.

Báo cáo thẩm tra cũng đề cập, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp phương thức quản lý cư trú mới, cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước…

Tiếp đó, QH nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Về báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, phần lớn ý kiến thành viên Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của QH về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, hiện nay TP Hà Nội đã được QH cho phép thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị hai cấp ở các quận nội thành và thị xã Sơn Tây; một số thành phố trực thuộc T.Ư khác cũng đã được cơ quan có thẩm quyền đồng ý về chủ trương thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức chính quyền đô thị. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong tổng thể yêu cầu phát triển và đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị nói chung và ở các thành phố trực thuộc T.Ư nói riêng, cân nhắc thời gian thực hiện thí điểm, tổng kết, đánh giá đồng bộ để đề xuất mô hình tổ chức chính quyền và các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho từng địa phương, bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát…

Tại phiên thảo luận, phần lớn các đại biểu tán thành với mô hình đô thị một cấp ở TP Đà Nẵng, cho thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ đô thị; cho phép HĐND thành phố sử dụng một phần dư thừa từ việc thu phí để đầu tư một số hạng mục hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn về việc bố trí số đại biểu HĐND khi có sự thay đổi về mô hình đô thị ở thành phố; quy hoạch thành phố phải theo Luật Quy hoạch và tuân theo quy hoạch tổng thể như quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia…

Thảo luận về mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, không tổ chức HĐND ở quận, phường sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để giải quyết thấu đáo, tránh phát sinh bất cập khi triển khai thực hiện. Do vậy, cần làm rõ một số vấn đề cơ chế giám sát quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân đối với chính quyền quận, phường khi không tổ chức HĐND… Đồng ý với quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), cho rằng tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng theo mô hình một cấp là phù hợp điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội của thành phố. Tuy nhiên, đề nghị cần rà soát, bổ sung quyền hạn của chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường trong công tác nhân sự, đặc biệt là quản lý tuyển dụng, sử dụng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo…

Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật nêu trên, theo đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam), việc sửa đổi, điều chỉnh Luật Xây dựng hiện hành cần bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo với các luật khác như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản. Cần xác định vai trò, chức năng và nội dung đối với các điều chỉnh mang tính giới hạn, nguyên tắc, quy định của pháp luật liên quan hoạt động xây dựng để xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan việc xây dựng công trình một cách có hiệu quả và bền vững, kể cả các cơ quan Nhà nước. Một số ý kiến khác cho rằng, các nội dung khác như vốn đầu tư, quy hoạch, bồi hoàn, giải phóng mặt bằng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản… nên sửa đổi, bổ sung trong chế định của các luật chuyên ngành có liên quan, không đưa vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Đại biểu Dương Trung Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn khoản 2, Điều 89 của dự án luật về việc miễn xin giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, điểm dân cư nông thôn và không nằm trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa…, cho rằng: Đây là quy định thông thoáng, tạo thuận lợi cho đời sống người dân địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, sẽ có không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng quy định này để tự ý xây dựng nhiều công trình với quy mô, diện tích lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự. Ngoài ra, quy hoạch điểm dân cư nông thôn ở một số địa phương còn ít, dẫn đến có nhiều nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng. Do đó, việc loại trừ nhà ở riêng lẻ khỏi khu vực đối tượng chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng phải thông báo thời điểm khởi công xây dựng và gửi kèm hồ sơ thiết kế đến cơ quan quản lý tại địa phương tại khoản 2, Điều 89 của dự án luật sẽ làm phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn gây mất kiểm soát về quy hoạch xây dựng ở nông thôn…

Công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở nhiều nơi còn rất chậm. Phần lớn các công trình vi phạm nhận quyết định xử lý khi đã hoàn thiện, được đưa vào sử dụng và thậm chí đã chuyển nhượng cho nhiều người. Đây là điểm yếu căn cơ cần được quyết liệt, nhanh chóng khắc phục trong Thông tư số 05 năm 2017 của Bộ Tài chính…

Đại biểu ĐẶNG HOÀNG TUẤN (Long An)

Mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng cần phải được nghiên cứu bài bản, tổng thể với mô hình ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh gắn với một giai đoạn nhất định. Từ đó, mới có cơ sở để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các thể chế, cơ chế chính sách…

Đại biểu NGUYỄN THỊ MAI HOA (Đồng Tháp)