Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Tạo khung pháp lý để thực hiện trách nhiệm quốc tế

NDO -

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng.

Sự cần thiết ban hành Nghị quyết

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc. Điều này nhằm thực thi Hiến pháp năm 2013 và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, theo quan điểm của Đảng, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thực tế, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc với quân số khoảng 320 người. Lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Về tài chính, với nguồn tiền bồi hoàn của Liên hợp quốc (hơn 4,8 triệu USD) và sự hỗ trợ của quốc tế (hơn 20 triệu USD) đã góp phần giảm đáng kể ngân sách Nhà nước đầu tư cho việc tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc của Việt Nam.

Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ mới, hiện nay chưa được thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về lĩnh vực này. Do đó, trong quá trình triển khai tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc đã và đang phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ sở pháp lý: Cơ chế xây dựng lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tạo khung pháp lý để thực hiện trách nhiệm quốc tế -0
 Phiên làm việc chiều ngày 24-10 của Quốc hội.

Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tạo khung pháp lý để triển khai lực lượng tham gia theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm hợp lý chế độ chính sách; chuẩn hóa quy trình, thủ tục pháp lý trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng và xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn.

“Thời điểm vàng” để ban hành nghị quyết

Góp ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội chiều ngày 24-10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bày tỏ ủng hộ, nhất trí cao đối với sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết; nhấn mạnh đây là một dự án nghị quyết khá hoàn chỉnh đáp ứng mọi quy định của pháp luật, được xây dựng căn cứ từ thực tế và tuân thủ quan điểm của Đảng, đủ điều kiện để đề nghị Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.

“Đây là “thời điểm vàng”, thời điểm rất thích hợp để ban hành nghị quyết này”, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận định.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Nghị quyết này khi được thông qua là một minh chứng rõ ràng nhất thể hiện việc thực hiện quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế cũng như thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, qua đó khẳng định vai trò là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, mặc dù chưa có luật hay nghị quyết nhưng Chính phủ, trực tiếp là Bộ Quốc phòng đã triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc một cách rất nghiêm túc, bài bản và có hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tạo khung pháp lý để thực hiện trách nhiệm quốc tế -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận). 

“Tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc là cán bộ, chiến sĩ đến những địa bàn rất khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm tới tính mạng. Chính vì vậy mà ngoài những chế độ chính sách theo quy định của Liên hợp quốc, thì chúng ta cũng có thể thêm những chế độ chính sách khác nữa cho anh em thì rất là tốt”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu phát biểu đều thống nhất với dự thảo Nghị quyết và cho rằng việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và khẳng định vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việc xác định phạm vi, hình thức, lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc như dự thảo Nghị quyết trong bối cảnh hiện nay là phù hợp.

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định Việt Nam hoàn toàn chủ động và tự quyết trong việc lựa chọn hình thức, quy mô, thời gian, địa bàn triển khai lực lượng tham gia hoạt động GGHB của Liên hợp quốc, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, về những lĩnh vực chúng ta đã tham gia cũng như những lĩnh vực mà phía Liên hợp quốc đề nghị ta mở rộng tham gia đều là những lĩnh vực mà Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng, điều kiện và nguồn lực để tham gia. Trên thực tế, trong quá trình tham gia một số lĩnh vực GGHB Liên hợp quốc, Việt Nam đều khẳng định năng lực và hiệu quả, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV