Tạo khí thế, xung lực mới cho đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng

Kết quả công tác điều hành, chỉ đạo trên các lĩnh vực của Chính phủ thời gian qua được Quốc hội (QH) ghi nhận trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIV. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân đang chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII, những thách thức trong đời sống kinh tế - xã hội hơn bao giờ hết cần được quan tâm giải quyết một cách căn bản.

Tạo khí thế, xung lực mới cho đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng

Nhiều vấn đề xã hội ngày càng "nóng"

Các nội dung được QH lựa chọn chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy đều xuất phát từ hầu khắp các vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, việc luôn thay đổi đề án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học gây ảnh hưởng tâm lý phụ huynh và học sinh; hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La gây bất bình trong dư luận. Lĩnh vực văn hóa, chưa làm tốt chức năng là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực để phát triển bền vững đất nước, trong khi các hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo trục lợi, lừa đảo người dân diễn ra nhức nhối thì cơ quan quản lý nhà nước vẫn loay hoay với việc "rà soát, hoàn thiện các quy định về thể lệ, tiêu chuẩn, cấp phép" cho các cuộc thi sắc đẹp… Ðại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Ðồng Tháp), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và nhiều đại biểu nêu những việc thuộc lĩnh vực, trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành làm chưa tốt, chưa có giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Ðó là thực trạng quản lý xây dựng, bảo vệ tài nguyên và môi trường còn nhiều bất cập; vị trí đặt trạm, việc phải công khai, minh bạch trong thu phí, chất lượng của các công trình BOT tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị; tình hình tai nạn giao thông chưa được kiềm chế; nạn "tham nhũng vặt" ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày của không ít người dân, nhưng khó phát hiện, nhận diện để ngăn chặn và xử lý; hoạt động băng nhóm xã hội đen, "tín dụng đen" cho vay nặng lãi, bảo kê lộng hành, buôn bán ma túy quy mô lớn xuyên quốc gia, các vụ giết người, mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến rất phức tạp…

Nhiều đại biểu cho rằng, thực hiện chức năng xã hội là việc cần đặc biệt chú trọng của một Nhà nước vì nhân dân. Thời gian qua, kiến nghị của cử tri gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành tuy được xem xét, giải quyết với tỷ lệ lên tới 99,9%, nhưng nhìn chung chất lượng chưa cao, nhiều vấn đề mới, thậm chí cả những bất cập, hạn chế được nêu lên ở các kỳ họp QH trước vẫn chưa được giải quyết đáp ứng yêu cầu của nhân dân, đã đẩy một số vụ việc bức xúc ngày càng "nóng" thêm, khiến cử tri tiếp tục kiến nghị.

Ðồng hành đáp ứng mong đợi của nhân dân

Phần lớn câu hỏi chất vấn, ý kiến tranh luận đều là những vấn đề chưa thỏa mãn với công tác quản lý, điều hành của Chính phủ. Nhưng quan trọng hơn, qua đó thể hiện sự đồng hành, chia sẻ sâu sắc với những khó khăn, đưa ra dự báo, đánh giá tình hình, gợi ý, bổ sung những giải pháp vào chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ để hướng tới giải quyết hiệu quả những bất cập, hạn chế, đáp ứng niềm tin và sự mong đợi của nhân dân cả nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nhắc lại việc Ủy ban châu Âu áp dụng "thẻ vàng" cảnh cáo đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù đã gỡ được "thẻ vàng", nhưng đây là hồi chuông báo động để những người làm công tác quản lý nhà nước nhìn lại, có giải pháp thiết thực hơn đối với sản phẩm có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nước nhập khẩu ngày càng thắt chặt hàng rào kỹ thuật. Quan tâm nguồn nước ngọt cho hơn 20 triệu người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cung cấp thông tin giúp Chính phủ hoạch định chính sách phù hợp. Ðó là, trong điều kiện nhiều quốc gia ở thượng nguồn lưu vực sông Cửu Long đã và đang tập trung khai thác tài nguyên nước, cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn dẫn đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước trong thời gian tới. Cho nên, trong công tác đối ngoại, cần quan tâm vấn đề đàm phán, thỏa thuận để chia sẻ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước với các quốc gia khác, bảo đảm chất lượng nước và phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời cần xây dựng kịch bản chủ động ứng phó những rủi ro có thể xảy ra. Lo lắng về đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở một số vùng đặc biệt khó khăn, đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) cho biết, còn nhiều hộ dân, cụm dân cư, thôn bản ở vùng biên giới, vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, cần được khẩn cấp di dời, bố trí tái định cư, nhưng chính sách ổn định dân cư chậm được đổi mới. Việc giải phóng mặt bằng di dời tái định cư để xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, công trình trọng điểm quốc gia đã ảnh hưởng không nhỏ đời sống, không gian sinh tồn của đồng bào dân tộc thiểu số do thiếu đất sản xuất, thiếu các điều kiện sinh kế tại nơi tái định cư...

Trao đổi ý kiến bên lề kỳ họp thứ bảy, nhiều đại biểu QH cho rằng, các thành viên Chính phủ trả lời không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm. Có vấn đề liên quan mật thiết đời sống người dân, nhiều nội dung mang tầm vĩ mô cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương; có những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn xuất phát từ khách quan của sự phát triển. Tuy nhiên, vì sao nhiều hạn chế trong từng ngành, từng lĩnh vực lại đang ngày càng diễn biến phức tạp hơn, phải chăng từ nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý, điều hành?

Ðại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng sẽ được tổ chức trong năm 2020 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của đất nước. Ðại biểu QH đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành phải có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá mạnh hơn khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến thiết thực đối với những vấn đề được chất vấn. Các đại biểu bày tỏ mong muốn toàn hệ thống chính trị chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện hiệu quả các giải pháp ở từng lĩnh vực, tạo khí thế, xung lực mới cho đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân sắp diễn ra.