Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Tạo bước đột phá về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Tôi hoàn toàn tán thành nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư trình Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Tôi xin góp một số ý kiến về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, lĩnh vực được Ðảng ta xác định là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước với những bước đi thích hợp, Ðảng ta đã luôn coi trọng và đặt giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ ở các vị trí "quốc sách hàng đầu", "đột phá chiến lược" và tại nhiệm kỳ Ðại hội XIII là "động lực then chốt". Dự thảo báo cáo khẳng định 5 năm qua, chúng ta đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng; nhưng đồng thời cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế. Ðó là: "Ðổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội". Trong đó, đổi mới tư duy và hoạt động giáo dục chưa đạt yêu cầu đề ra; một số nhiệm vụ và giải pháp thiếu hệ thống, chưa ổn định… Nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành… Thực tế cho thấy, giáo dục và đào tạo của nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đào tạo thầy nhiều hơn thợ. Vì đào tạo mất cân đối như vậy cho nên dẫn đến hệ lụy triền miên là người tốt nghiệp đại học rất khó tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Những người này tất yếu bổ sung vào lực lượng lao động phổ thông hoặc là thất nghiệp, có việc làm không ổn định. Ðây là sự lãng phí rất lớn.

Về lĩnh vực khoa học và công nghệ, dự thảo báo cáo cũng chỉ rõ: "Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao". "Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài". Ðiều đó có nghĩa là chúng ta vẫn chưa tạo được hành lang pháp lý có tính đặc thù cho lĩnh vực được coi là động lực then chốt của phát triển. Một bộ phận không nhỏ cán bộ làm khoa học và công nghệ thiếu niềm say mê sáng tạo. Những năm gần đây số lượng học sinh đi học ở nước ngoài gia tăng nhanh chóng. Nhiều người trong số đó đã đỗ đạt, thành tài nhưng không về nước; hoặc nếu có về thì cũng không làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Ðây là sự lãng phí chất xám, lãng phí tiền của không thể cân đong đo đếm được.

Ðiều đáng quan tâm là những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ không phải mới nảy sinh trong 5 năm qua, mà đã kéo dài từ trước đó. Tình hình và nhiệm vụ mới đang thôi thúc chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đó. Tôi rất phấn khởi khi thấy phần Ðịnh hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2025 trong Dự thảo Báo cáo chính trị xác định: "Tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội…". Mong đợi kết quả đạt được trong nhiệm kỳ mới.

Phạm Văn Ðịnh

(18 Cửa Ðông, Hoàn Kiếm, Hà Nội)