PHỎNG VẤN CÁC ĐẠI BIỂU DỰ ĐẠI HỘI LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG

Tái cơ cấu nông nghiệp cần tăng cường liên kết "bốn nhà"

Đồng chí Phạm Minh Đạo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai:

Phóng viên (PV): Làm gì để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, là câu hỏi được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Đại hội. Xin đồng chí cho biết ý kiến về nội dung này?

Tái cơ cấu nông nghiệp cần tăng cường liên kết "bốn nhà"

Đồng chí Phạm Minh Đạo: Cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh Đồng Nai có diện tích trồng trọt, chăn nuôi khá lớn. Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và đạt kết quả tốt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hình thành các vùng chuyên canh với diện tích lớn, tập trung như: cây tiêu, cà-phê, sầu riêng, bưởi, xoài. Nhiều cơ sở đã đăng ký thực hiện việc xây dựng và đăng ký thương hiệu nông sản. Tỉnh có hơn một trăm mô hình chăn nuôi theo công nghệ mới bảo đảm chất lượng và an toàn dịch bệnh. Năm 2015, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt gần 30 nghìn tỷ đồng; có 91/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là sản xuất quy mô nhỏ; năng suất, chất lượng nông sản chưa cao; khâu chế biến mới ở bước sơ chế; việc xây dựng thương hiệu hàng hóa chưa được đẩy mạnh… Như vậy, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nếu không sẽ khó khăn khi chúng ta hội nhập, ngay trước mắt là tham gia Hiệp định TPP.

PV: Theo đồng chí, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả, cần những giải pháp gì?

Đồng chí Phạm Minh Đạo: Để tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo tôi, phải tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; xây dựng chiến lược phát huy thế mạnh sản phẩm từng địa phương; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp... nhưng trong đó, quan trọng nhất là đẩy mạnh mối liên kết, hợp tác “bốn nhà”: Nhà khoa học, nhà nông, Nhà nước và doanh nghiệp. Hiện nay, bài toán khó cho nông sản là nâng cao năng suất, chất lượng. Việc này phụ thuộc vào ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ. Nhưng thực tế, những nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong sản xuất của chúng ta chưa nhiều. Còn nữa, nông nghiệp cần mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm đến thị trường trong nước và quốc tế. Việc này, người nông dân không làm được, trong khi các doanh nghiệp lại ngại đầu tư.

PV: Theo đồng chí, để tăng cường liên kết “bốn nhà”, chúng ta phải làm gì?

Đồng chí Phạm Minh Đạo: Để tăng cường liên kết “bốn nhà”, theo tôi, vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Chúng ta cần đổi mới về cơ chế, chính sách. Thí dụ, về chính sách đất đai, nên có cơ chế để nhân dân tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa. Chính sách tín dụng thông thoáng, giúp nhân dân vay vốn sản xuất; tăng cường tập huấn, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận phương pháp sản xuất khoa học, tiên tiến. Có chính sách quan tâm, khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu, áp dụng nhiều đề tài nông nghiệp, nông thôn, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Đối với doanh nghiệp, tạo cơ chế ưu đãi, thu hút doanh nghiệp vào các khâu, ngành mũi nhọn như sản xuất rau, củ, quả theo công nghệ cao, chăn nuôi quy mô lớn, chế biến nông sản…

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Đức Huy (Thực hiện)