Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư

Ngày 15-7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Bình, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); Ðỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư khẳng định: Trong số các chính sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp thực tiễn của Việt Nam. Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thông qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Ðảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40 cũng chính là làm tốt công tác dân vận tại cơ sở, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Việc triển khai chương trình tín dụng chính sách một cách chủ động, kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, được xem là một trong các giải pháp đặc biệt cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện ổn định công ăn, việc làm, cuộc sống.

Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Kinh tế T.Ư cho thấy: Trong 5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị số 40. Huy động vốn của xã hội đạt hơn 31.500 tỷ đồng, tăng hơn 25 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho hơn 12 triệu lượt hộ được vay vốn. Hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội là một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Qua 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 40 đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới. Ðồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, MTTQ, đoàn thể ở các cấp, NHNN Việt Nam và nhất là NHCSXH trong thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư.

Ðịnh hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống NHCSXH; nâng cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, cùng người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, đẩy lùi tín dụng đen. Ðồng chí đề nghị Ban Kinh tế T.Ư tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến tại hội nghị cùng với kết quả sơ kết để đề xuất, kiến nghị Ban Bí thư ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Trong đó cần nghiên cứu, đề xuất, bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi cũng như nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.

Dịp này, 22 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40 đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 60 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là người dân tộc thiểu số được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; 25 tập thể và cá nhân ngoài ngành ngân hàng nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN Việt Nam.