Sáu tổ chức chính trị - xã hội không áp dụng trong Luật về Hội

NDO -

NDĐT - Sáng 25-10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về Hội, sau đó các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) phát biểu ý kiến tại hội trường Quốc hội, sáng 25-10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) phát biểu ý kiến tại hội trường Quốc hội, sáng 25-10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Liên quan về đối tượng áp dụng (Điều 2) của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội (khóa XIII) giao Chính phủ quy định việc áp dụng Luật này đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động hội tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký và hoạt động tại Việt Nam và tổ chức phi chính phủ trong nước.

Ông Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Theo đó, ý kiến đề nghị Luật này không nên áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức nói trên vì Hiến pháp chỉ quy định quyền lập hội của công dân Việt Nam. Và ý kiến tán thành quy định trên của dự thảo Luật nhưng để bảo đảm rõ ràng, minh bạch thì không giao Chính phủ quy định mà phải quy định ngay trong Luật.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật trình Quốc hội (khóa XIII) quy định Luật này không áp dụng đối với: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam”.

Sáu tổ chức chính trị - xã hội không áp dụng trong Luật về Hội ảnh 1

Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do phạm vi điều chỉnh của Luật được xác định rõ là chỉ quy định về quyền lập hội của công dân Việt Nam; do đó việc không áp dụng Luật này đối với các cá nhân, tổ chức nói trên là phù hợp, các chủ thể này sẽ do các văn bản pháp luật khác điều chỉnh. Vì vậy, đối tượng áp dụng được tiếp thu, chỉnh lý như sau: “Luật này áp dụng đối với hội, công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, hoạt động và quản lý nhà nước về hội ”(Khoản 1 Điều 2)” - ông Nguyễn Khắc Định cho biết.

Khẳng định sáu tổ chức chính trị - xã hội có vai trò và ý nghĩa to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta trong quá trình vận động giành chính quyền, trong đấu tranh giữ và bảo vệ chính quyền và trong xây dựng chính quyền vững mạnh hiện nay. Bởi vậy, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, các tổ chức này cần có địa vị pháp lý khác biệt, nên việc không áp dụng trong luật này phù hợp và tán thành với quy định này.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: “Việc không áp dụng Luật này đối với sáu tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp với lịch sử phát triển và vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức đó, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta”.

Hội do Đảng, Nhà nước chỉ đạo thành lập thì Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí

Liên quan đến chính sách tài chính đối với hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã quy định chính sách đối với hội phù hợp với chủ trương của Đảng và thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước. Theo đó, dự thảo Luật trình Quốc hội (khóa XIII) quy định: “Đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, theo đó, đối với các hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu, chỉ đạo thành lập và giao thực hiện các nhiệm vụ thì Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí. Đối với các hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017 đến năm 2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho hội theo lộ trình phù hợp, tiến tới thực hiện nguyên tắc tự trang trải kinh phí, Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ được giao. Còn đối với các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, quy định này chưa thật rõ ràng, dễ làm phát sinh cơ chế xin - cho. Bởi, Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí trước chứ không phải cấp kinh phí.

“Vậy mức hỗ trợ như thế nào và hỗ trợ toàn bộ hay một phần kinh phí? Nhiệm vụ do Nhà nước giao được hiểu như thế nào? Do Trung ương giao hay do địa phương giao, giao vào thời điểm nào, giao khi thành lập hội, giao hàng năm hay giao đột xuất khi phát sinh yêu cầu?” - đại biểu Phan Thái Bình ý kiến.

Đồng tình ý kiến với đại biểu Phan Thái Bình, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (TP Cần Thơ) đề nghị trong dự án luật này cũng nên thể hiện rõ quan điểm này.

Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết, hiện có hai loại ý kiến. Theo đó, ý kiến đề nghị thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước (năm 2015), có như vậy mới bảo đảm sự bình đẳng giữa các hội, tránh cơ chế xin - cho. Và loại ý kiến thứ hai tán thành quy định của dự thảo Luật.

Không hạn chế tất cả nhưng có những trường hợp đặc biệt

Về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội (Điều 8), dự thảo Luật trình Quốc hội (khóa XIII), một trong các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội là “Cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công (Khoản 3 Điều 8). Đồng thời, để bảo đảm với quy định tương ứng trong Luật Cán bộ, công chức liên quan đến bí mật nhà nước, dự thảo Luật cũng quy định: cán bộ, công chức làm việc trong một số ngành, lĩnh vực và những người làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật Nhà nước thì sau năm năm kể từ ngày nghỉ hưu hoặc thôi làm nhiệm vụ đó, mới được tham gia sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội (Khoản 4 Điều 8).

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề nghị làm rõ thêm quy định như vậy có đúng với mọi trường hợp không, trong trường hợp họ tham gia sáng lập hội, không liên quan gì đến công việc trước đó của họ thì có nên quy định năm năm không? Hay có quy định khác phù hợp, cởi mở hơn để sau khi họ nghỉ chế độ, có điều kiện tham gia sáng lập, hoạt động trong hội mà họ lựa chọn tâm huyết.

Đồng ý với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các trường hợp hạn chế quyền lập hội, đại biểu Tô Văn Tám thắc mắc, đối với những cán bộ công chức làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật Nhà nước sau khi nghỉ hưu phải bị những hạn chế nhất định trong việc thực hiện quyền lập hội quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 8 của dự thảo Luật về việc hội không liên kết ra nhập hội nước ngoài, không nhận tài trợ của nước ngoài, trường hợp đặc biệt do những quy định tại Khoản 5, Điều 8 (Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định).

Theo đại biểu Tô Văn Tám, điều luật không hạn chế tất cả mà có những trường hợp đặc biệt và như thế có thể được hiểu là sẽ có hội không bị hạn chế và có hội bị hạn chế.

“Vậy có mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng được quy định tại Điều 5 của luật hay không, đề nghị giải thích rõ hơn” - đại biểu Tám nói.

Những hạn chế này có khác và có loại trừ hoạt động tham gia các quan hệ quốc tế trong quá trình hoạt động của hội hay không? - đại biểu Tô Văn Tám cho biết, trên thực tế những hội chuyên môn nghề nghiệp trong quá trình hoạt động đã và đang có những quan hệ hợp tác, phối hợp, trao đổi trong xử lý các vấn đề về khoa học công nghệ, kỹ thuật và môi trường. Đây cũng được coi là một kênh quan hệ đối ngoại của nhân dân trong chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

“Như vậy, cần làm rõ vấn đề này, nếu như hạn chế đó không loại trừ vấn đề tham gia các quan hệ quốc tế thì cùng với việc quy định như Khoản 5, Điều 8 cần bổ sung vào Điều 22 quyền của hội một quyền nữa, đó là quyền được tham gia các quan hệ hợp tác quốc tế” - đại biểu Tám đề nghị.

Đối với Khoản 5 Điều 8 của dự thảo Luật, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị cần phải quy định và giải thích rõ như thế nào là trường hợp “đặc biệt”.

Đại biểu Bình cho rằng, nên quy định là những hội “đặc thù” thay cho từ “đặc biệt”. Bởi lẽ, thực tế chúng ta đang tồn tại rất nhiều các hội đặc thù và nhiều hội đã có những đóng góp rất lớn cho xã hội của chúng ta trong thời gian qua.

Đại biểu Phan Thái Bình thí dụ, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học... Như vậy, vấn đề liên quan đến chính sách của hội và thực tế chúng ta quy định như thế này nhưng tại Điều 26 có quy định tài sản của hội được nhận tài trợ trong nước.

"Nếu có trường hợp những tổ chức, cá nhân nước ngoài mà thông qua tổ chức cá nhân trong nước để tài trợ thì chúng ta có theo dõi, quản lý được hay không?" - đại biểu Bình cho rằng: “Nhiều khi chúng ta quy định rất chặt nhưng lại tạo “lỗ hổng” khác. Thực tế đặt ra những hội đang hợp tác quốc tế và đang nhận tài trợ khi luật này có hiệu lực thì xử lý như thế nào?”.