Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

NDO -

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới được thông qua lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính...

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.

Chiều 17-11, với 443 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 91,91% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 Chương, 171 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Riêng nội dung về đánh giá sơ bộ tác động môi trường được quy định trong Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021, bao gồm năm nội dung. 

Một là, đánh giá sự phù hợp của địa điểm thực hiện dự án đầu tư với chiến lược bảo vệ môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan;

Hai là, nhận dạng, dự báo các tác động môi trường chính của dự án đầu tư đối với môi trường trên cơ sở quy mô, công nghệ sản xuất và địa điểm thực hiện dự án;

Ba là, nhận diện các yếu tố nhạy cảm về môi trường của khu vực thực hiện dự án đầu tư theo các phương án về địa điểm (nếu có);

Bốn là, phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án về quy mô, công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, địa điểm thực hiện dự án đầu tư và các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường;

Năm là, xác định những vấn đề môi trường chính và phạm vi tác động đến môi trường cần lưu ý trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Đáng chú ý, về phạm vi điều chỉnh, Luật mới thông qua lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, Luật cũng quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.

Luật mới thông qua cũng quy định các tiêu chí về môi trường như quy mô, công suất, yếu tố nhạy cảm về môi trường... để phân loại dự án đầu tư thành các nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, Luật mới thông qua đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Đồng thời, Luật mới thông qua được thiết kế khung chính sách hướng tới việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, đồng thời cải cách mạnh mẽ, cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 đến 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1-1-2022) sẽ thay thế Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13; đồng thời khoản 3 Điều 75 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và Điều 7 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 cũng hết hiệu lực thi hành.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV