Quốc hội phê chuẩn quy định "Đã uống rượu bia không lái xe"

NDO -

NDĐT - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 14-6, với 84,3% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nội dung được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm là “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” đã được các đại biểu Quốc hội nhất trí đưa vào luật.

Quốc hội phê chuẩn quy định "Đã uống rượu bia không lái xe"

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Quốc hội phê chuẩn quy định "Đã uống rượu bia không lái xe" ảnh 1

Kết quả biểu quyết về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, sáng 14-6.

Luật này gồm bảy chương, 36 điều. Như vậy, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, kể từ ngày 1-1-2020, người đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe.

Trước đó, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; ý kiến khác đề nghị vẫn giữ quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện xin ý kiến các đại biểu Quốc hội hai phương án. Tuy nhiên, các phương án này đều không đạt được hơn 50% đại biểu Quốc hội tán thành.

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia sẽ không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.

Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.

Đồng thời, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu, bia.

Quốc hội phê chuẩn quy định "Đã uống rượu bia không lái xe" ảnh 2

Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu biểu quyết Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, sáng 14-6.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, để thể hiện ý chí quyết tâm của Quốc hội nhằm tạo chế tài nghiêm khắc, xử lý nghiêm minh người vi phạm gây tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, để lại hậu quả rất nghiêm trọng, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tha thiết đề nghị cho bổ sung vào Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Kết quả biểu quyết sau đó cho thấy có 374/446 đại biểu (chiếm 77,27% tổng số đại biểu) tán thành việc bổ sung hành vi bị nghiêm cấm này. Toàn bộ dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được thông qua với 84,3% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Về quản lý quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia (Điều 12 và Điều 13 trong dự thảo luật), qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị mở rộng khung thời gian không quảng cáo rượu, bia trên báo nói và báo hình. Một số ý kiến khác nhất trí với việc mở rộng khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình nhưng đề nghị bổ sung quy định loại trừ việc quảng cáo trên các chương trình thể thao, văn hóa, nghệ thuật… được tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở biểu quyết tại hội trường và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, điểm c khoản 3 Điều 12 đã được chỉnh lý theo hướng không quảng cáo rượu, bia trên “Báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo trong các chương trình thể thao đã mua bản quyền được tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ”.

Về đề nghị bổ sung quy định quảng cáo rượu, bia không được gắn với địa danh văn hóa vì có thể làm ảnh hưởng hình ảnh của địa danh văn hóa, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các luật có liên quan. Qua rà soát cho thấy, Điều 8 Luật Quảng cáo đã quy định 16 hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó có quy định cấm các hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội, do đó, xin phép không bổ sung quy định này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là đạo luật mang ý nghĩa xã hội, tính nhân văn cao, với mục tiêu cao nhất cả trước mắt, lâu dài là định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần quan trọng nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.
Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, điều kiện tiên quyết để những đạo luật có tính chất dự phòng, có xử lý nhưng rất coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục như luật này có thể đi vào cuộc sống thì khi xây dựng luật cần có nhận thức xã hội đúng đắn, phát huy được sự tham gia tích cực từ mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là quyết tâm bền bỉ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đây là quá trình lâu dài, với nhiều khó khăn, thách thức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ ngay sau khi luật được thông qua cần chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, gia đình, cơ quan, tổ chức hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của luật, đồng thời khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật này.

Nhiều nội dung quan trọng khác

Cũng trong sang này, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi), với kết quả 85,54% đại biểu tán thành. Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm chín chương, 115 điều quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.

Nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân là sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định: Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục...

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày trước Quốc hội nêu rõ, ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đồng ý pháp điển hóa Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội XIII về có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành sách giáo khoa sử dụng trong cả nước.

Về thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Điều 32 đã được chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Một trong những nội dung được quan tâm khác về đề nghị bổ sung đối tượng hưởng chính sách cử tuyển là “học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả học tập từ khá giỏi trở lên”; đề nghị cân nhắc đối tượng “người khuyết tật có khó khăn về kinh tế”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cử tuyển là một chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đây là chính sách được áp dụng cho đối tượng cụ thể, không phải chính sách ưu tiên về kết quả học tập, vì vậy, quy định giữ như dự thảo luật.

Trước đó, với 91,53% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Luật gồm 16 chương, 207 điều quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện...

Cũng trong buổi sáng ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua nhiều nội dung: Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, sau khi Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Chiều nay, theo chương trình, trong phiên họp bế mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết chung của kỳ họp.