Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn

NDO -

NDĐT- Sáng 3-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tiến hành biểu quyết về một số nội dung của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tiến hành biểu quyết về một số nội dung của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Trước đó, tại phiên làm việc ngày 28-5, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về các nội dung dự án Luật này.

Giữ nguyên như hiện hành đối với tiêu chí phân loại dự án

Về vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành. Chính phủ và một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, đây là nội dung còn ý kiến khác nhau và mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai phương án như sau:

Phương án 1: Giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành, vì: Điều 11 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công…

Phương án 2: Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp hai lần mức hiện hành.

Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn ảnh 1

Về nội dung này, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hệ thống điện tử, kết quả cho thấy 367/429 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với phương án 1 (chiếm 75,83% tổng số đại biểu Quốc hội), 57/429 đại biểu tham gia biểu quyết không tán thành với phương án 1 (chiếm 11,78% tổng số đại biểu Quốc hội).

Như vậy, với đa số ĐBQH tán thành với phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo phương án 1, theo đó giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành.

Quốc hội khóa mới quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn

Về ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thay đổi thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) bảo đảm tính hợp lý, khả thi, UBTVQH xin ý kiến ĐBQH theo hai phương án, và báo cáo những thuận lợi, khó khăn của mỗi phương án như sau:

Phương án 1: Quy định Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định Kế hoạch ĐTCTH tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới. Theo phương án 1, Quốc hội khóa trước chuẩn bị Kế hoạch ĐTCTH để Quốc hội khóa mới quyết định mục tiêu, định hướng, tổng mức vốn ĐTCTH, nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, tổng mức vốn của từng bộ, ngành, địa phương, danh mục cụ thể các dự án trong Kế hoạch ĐTCTH tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ.

Phương án 2: Giữ như quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XIV), theo đó, Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH của giai đoạn sau tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn trước. Theo phương án 2, Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH của giai đoạn sau tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 Kế hoạch ĐTCTH giai đoạn trước.

Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn ảnh 2

Theo kết quả biểu quyết bằng hệ thống điện tử đối với nội dung này, có 318/429 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 65,70% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 108/429 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 22,31% tổng số đại biểu Quốc hội).

Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo phương án 1, theo đó quy định Quốc hội khóa mới sẽ xem xét, quyết định Kế hoạch ĐTCTH tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới.

Chưa quyết định thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án Kế hoạch ĐTCTH

Liên quan đến thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án Kế hoạch ĐTCTH, UBTVQH xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo hai phương án:

Phương án 1: Quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch ĐTCTH bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Phương án 2: Quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo Kế hoạch ĐTCTH được Quốc hội thông qua

Đối với nội dung này, kết quả biểu quyết của cả hai phương án đều không đạt quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Cụ thể, đối với phương án 1, kết quả biểu quyết cho thấy, có 234/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 48,35% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 174/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 35,95% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn ảnh 3

Với phương án 2, kết quả biểu quyết cho thấy, có 206/423 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 42,56% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 204/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 42,15% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội khóa mới quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn ảnh 4

Như vậy, kết quả biểu quyết cho thấy Quốc hội chưa quyết định thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án Kế hoạch ĐTCTH.

* Sửa Luật Đầu tư công để khắc phục vấn đề phân cấp