Ngày làm việc thứ 13, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Quan tâm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đời sống của người nông dân

Hôm qua 6-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, chất vấn các thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Công thương. Các đồng chí Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình nội dung liên quan.

Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: DUY LINH
Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: DUY LINH

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp này, QH sẽ dành ba ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, QH tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các vấn đề thuộc bốn lĩnh vực: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông. Tại kỳ họp, QH tiếp tục áp dụng cách thức tiến hành chất vấn như các kỳ họp trước; đồng thời, đề nghị các bộ trưởng trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi, nhất là thể hiện trách nhiệm và có giải pháp cụ thể, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Kết thúc phiên chất vấn, QH sẽ ban hành nghị quyết để Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thực hiện và làm cơ sở để các cơ quan QH, đại biểu QH, cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Nâng cao chất lượng hiệu quả xây dựng nông thôn mới

Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) chủ yếu tập trung xây dựng các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội, chưa thật sự làm chuyển biến, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, còn hạn chế về vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, bên cạnh những thành quả đạt được rất toàn diện, bứt phá, vượt bậc thì vẫn còn những bất cập trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ðó là đời sống của người dân vùng nông thôn mặc dù đã được nâng lên so với chỉ tiêu ban đầu nhưng thực tế thì vẫn còn thấp; 63,7% số xã có thu gom rác thải. Bên cạnh đó, môi trường sản xuất cũng chưa được nâng cao; việc hình thành sản xuất liên kết, sản xuất chuỗi đã được định dạng nhưng chưa phổ biến, cho nên ở nhiều vùng miền người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành nông nghiệp cùng một số ngành liên quan tham mưu để tới đây, giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung nguồn lực, tập trung sự chỉ đạo và tập trung nhóm giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm những nút thắt và vấn đề tồn tại trong thúc đẩy sản xuất, bảo đảm văn hóa - xã hội, môi trường, tổ chức sản xuất lớn trong xây dựng NTM.

Một số đại biểu QH chất vấn về quá trình thực hiện chương trình NTM đã cho thấy còn nhiều hạn chế, như: Tỷ lệ đạt chuẩn NTM, chênh lệch giữa các vùng miền còn thể hiện rõ; chênh lệch về giàu nghèo, chênh lệch về chất lượng giáo dục, y tế giữa vùng nông thôn và thành thị chưa được quan tâm đúng mức. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Ðây là một nội dung mà khi xây dựng các chính sách giai đoạn 2021 - 2025 cần điều chỉnh kể cả về mặt chủ trương, nguồn lực và biện pháp chỉ đạo để cố gắng giảm dần khoảng cách, tiến tới đồng đều trong sự phát triển chung của đất nước. Miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng là khu vực trũng về công tác giáo dục, y tế, những vùng này vừa “lõm” về y tế, vừa “lõm” về các mặt khác như văn hóa - xã hội, đời sống của bà con thấp hơn các vùng khác. Giải pháp quan trọng nhất là bản thân người dân ở những nơi này phải có ý thức tự vươn lên, ý thức thoát nghèo, đây mới là sức mạnh lâu bền, cốt lõi, đồng lòng cùng với sự chỉ đạo, quan tâm của Ðảng, Nhà nước. Ðồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, trong đó, chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng NTM; hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM theo hướng đồng bộ, linh hoạt; triển khai hiệu quả Chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025.

Ðẩy mạnh, phát triển thị trường nông, thủy sản

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Chau Chắc (An Giang) cho rằng, giá lúa và một số nông sản còn bấp bênh, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành liên quan có giải pháp đột phá mang tính căn cơ, ổn định, bền vững, lâu dài; đồng thời tăng giá trị và sức cạnh tranh của hạt gạo khi xuất khẩu. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Chúng ta biết lúa gạo là một ngành hàng rất rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao. Có một nguyên nhân khách quan là thế giới có bảy tỷ người, thì 3,5 tỷ người ăn gạo. Như vậy, các cường quốc đều tập trung cạnh tranh ở chuỗi giá trị này. Trước mắt, chúng ta tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên những nhóm giống để phù hợp phân khúc thị trường; nâng cao chuỗi giá trị của ngành lúa gạo, hướng tới việc lúa gạo không còn chỉ là gạo bán mà phải trở thành một thực phẩm, dược phẩm.

Ðại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) và một số đại biểu chất vấn bộ trưởng về nguồn lợi thủy hải sản nước ta bị cạn kiệt bởi các hình thức đánh bắt tận diệt, và đề nghị bộ cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời: Hiện nay, chúng ta đang khai thác vượt quá tiềm năng, mất cân đối, chuyện đó là có thật. Tổng điều tra trữ lượng, chúng ta có khoảng 4,7 triệu tấn, nhưng đang khai thác hằng năm từ 3,1 đến 3,2 triệu tấn, là quá mức, đó là điểm thứ nhất. Ðiểm thứ hai, số phương tiện chúng ta quá nhiều, hơn 96.600 chiếc, nhất là tàu lớn cỡ 24 m trở lên (khoảng 2.618 chiếc). Do đó, chủ trương của Chính phủ là chỉ đạo ngành và các địa phương trước mắt tập trung tăng cường cơ cấu lại theo hướng không tăng sản lượng khai thác, thậm chí giảm sản lượng khai thác nhưng đi vào chuỗi giá trị chế biến; thay đổi cơ cấu, tập trung nuôi biển. Ðây sẽ là một hướng chiến lược của Việt Nam. Nếu làm tốt hướng chiến lược này, nay mai trữ lượng thủy hải sản được nuôi sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với trữ lượng khai thác.

Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng trả lời, làm rõ thêm một số nội dung về phát triển ngành thủy sản. Theo đó, trong năm qua, ngành thủy sản nước ta đạt được những thành tựu rất quan trọng, là một trong những quốc gia có sản phẩm thủy sản đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế và đứng trước những thách thức, khó khăn. Ðáng chú ý là sức cạnh tranh thấp, công tác bảo vệ nguồn thủy sản chưa được chú trọng, nhất là đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài chưa chấm dứt… Ðể ngành thủy sản phát triển tốt, cần tiếp tục khắc phục những hạn chế của ngành, đồng thời tập trung tái cấu trúc ngành thủy sản, gắn với sự phát triển của từng vùng, từng địa phương; chuyển sang công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ cao; hiện đại hóa tàu thuyền, trang thiết bị; chuyển mạnh sang nuôi trồng trên biển… Bên cạnh đó, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách để phát triển ngành thủy sản phù hợp tình hình thực tế, trong đó có chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho ngư dân; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào ngành thủy sản; đóng mới tàu thuyền…

Trong phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng tham gia trả lời chất vấn và giải trình về cơ chế chính sách để xử lý vấn đề cho vay theo Nghị định số 67/2014/NÐ-CP; Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng tham gia trả lời chất vấn và giải trình về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông thôn nói chung và công nghệ cao nói riêng; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia trả lời chất vấn và giải trình về chất lượng y tế ở vùng sâu, vùng xa; Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời các đại biểu QH về nội dung chỉ tiêu môi trường trong xây dựng NTM.

Phát biểu ý kiến kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường diễn ra sôi nổi, câu hỏi của các đại biểu QH ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Bộ trưởng nắm chắc vấn đề của ngành mình, số liệu minh chứng cụ thể, nêu rõ thực trạng của ngành trong thời gian qua, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp thực hiện và trách nhiệm của ngành, của bộ trưởng. Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu QH, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài liên quan lĩnh vực chất vấn…

Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện gian lận thương mại

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Ðại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) và một số đại biểu khác đặt câu hỏi về sự chậm trễ trong triển khai dự án đưa điện về vùng nông thôn, miền núi. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là dự án quan trọng nhằm cung cấp điện lưới quốc gia đến với hàng nghìn hộ nông dân, thôn bản ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn cũng như các trạm bơm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long... với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 30 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hai năm 2017-2018, trần nợ công của nước ta đã lên xấp xỉ ngưỡng giới hạn. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư rà soát tổng thể các dự án sử dụng nguồn vốn vay quốc gia, sau đó quyết định tạm thời không sử dụng nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hiệp châu Âu (EU) vào dự án, dẫn đến sự chậm trễ nêu trên. Ðến nay, tính về vốn và các chỉ tiêu liên quan, dự án mới hoàn thành khoảng hơn 10%; các nội dung đầu tư của dự án được thực hiện khoảng 18,5%. Hiện nay, QH và Chính phủ đã có giải pháp về an toàn trần nợ công nhằm bảo đảm dự án được tiếp tục triển khai thông suốt. Trong đó, nguồn hỗ trợ tín dụng ưu đãi của WB và EU có quy mô khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, dự án sẽ khó có thể hoàn thành như chương trình dự kiến vào năm 2020.

Ðối với các doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác “hàng Việt Nam” để trung chuyển sản phẩm không có xuất xứ Việt Nam đi các nước khác được một số đại biểu QH nêu, Bộ trưởng Công thương cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra hoạt động thực tế của các doanh nghiệp nêu trên. Từ đó, Chính phủ có chỉ đạo cụ thể, giao Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép tiếp diễn tình trạng lợi dụng xuất xứ hàng hóa để gian lận trong các hoạt động thương mại quốc tế cũng như các lĩnh vực khác.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến công tác sắp xếp nhằm tinh giản, tinh gọn bộ máy của lực lượng quản lý thị trường trên phạm vi cả nước. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời: Hiện tại, Tổng cục Quản lý thị trường đã được thành lập khoảng một năm. Thời gian qua, tổ chức bộ máy của tổng cục đã được hoàn thiện theo hướng chính quy, tinh nhuệ nhưng thu gọn đầu mối, tinh gọn tối đa. Cụ thể, đã giảm được hơn 160 trong tổng số hơn 600 đội quản lý thị trường và tiến tới đến hết năm 2020 sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 140 đội. Trước mắt, Bộ Công thương sẽ thành lập 19 cục quản lý thị trường liên tỉnh, tránh việc mỗi địa phương có một cục quản lý thị trường cấp tỉnh. Như vậy, công tác tinh giản bộ máy quản lý thị trường không đi ngược lại yêu cầu tiếp tục chính quy hóa, mà vẫn bảo đảm tăng cường năng lực quản lý trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Giải trình về tình trạng sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng trực tiếp ảnh hưởng sức khỏe người dân như dược phẩm, thực phẩm... nhưng lại là giả, nhái, kém chất lượng, Bộ trưởng Công thương thừa nhận đây là vấn nạn nhức nhối trên cả nước, ngày càng trở nên tinh vi và thậm chí đã xuất hiện các mối liên kết ra nước ngoài. Thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ Công thương chưa bảo đảm hết mọi yêu cầu trong đấu tranh chống gian lận thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết thời gian tới, các lực lượng quản lý thị trường sẽ làm tốt hơn, xứng đáng với kỳ vọng của cử tri cả nước về vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… đến nay đã tương đối đầy đủ. Các bộ, ngành đang triển khai rất tích cực để xây dựng, triển khai các chính sách cụ thể và vừa qua đã ban hành một số cơ chế, chính sách. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ tổng hợp nhu cầu của các địa phương và trên cơ sở các chính sách để xây dựng các chương trình, dự án cho giai đoạn sắp tới.

Nguyễn Chí Dũng,

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư

Hiện nay, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định số 67/2014/NÐ-CP (về một số chính sách phát triển thủy sản) khoảng 10.500 tỷ đồng và nợ xấu là 33%. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình, tiến hành các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trên thực tế, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho rất nhiều nông dân, ngư dân vay vốn. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan chức năng cần tham mưu Chính phủ để phối hợp các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy sản, các nhóm nghề và ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Lê Minh Hưng,

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Về chuyên môn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ trong thời gian qua, bằng các đề án chuyển giao kỹ thuật từ T.Ư đến tuyến tỉnh, tuyến huyện và gần đây là tuyến xã, nhiều bệnh viện tuyến huyện ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã có thể thực hiện các kỹ thuật cao mà không phải chuyển người bệnh lên tuyến trên, giúp cho bệnh nhân được hưởng thụ dịch vụ tại chỗ. Việc đào tạo mô hình bác sĩ y học gia đình cho các trạm y tế xã, nhất là vùng sâu, vùng xa đang được triển khai… Tuy nhiên, để cải thiện và tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn cần thêm thời gian.

Nguyễn Thị Kim Tiến,

Bộ trưởng Y tế