Quan tâm, giải quyết thấu đáo các kiến nghị, bức xúc của cử tri

Xem xét, trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri luôn là một trong những trọng tâm của các kỳ họp Quốc hội (QH) và của mỗi đoàn đại biểu QH. Ðịa phương, đơn vị nào làm tốt nhiệm vụ này thì nơi đó nhận được sự tin cậy của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, đây là công việc khó khăn, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết của các đại biểu QH, đại biểu HÐND và các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương.

Tại kỳ họp thứ chín, QH khóa XIV đang diễn ra, Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ QH cho biết: Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành rất tích cực, khẩn trương, trách nhiệm trong xem xét một số lượng lớn các kiến nghị. Ngay tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 9-4-2020, mặc dù là thời điểm mà dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, nhưng Thủ tướng vẫn quyết liệt chỉ đạo các thành viên Chính phủ ngoài việc chống dịch, phải quan tâm nguyện vọng của cử tri, sớm hoàn thành việc trả lời kiến nghị, trong đó việc trả lời cử tri phải đúng yêu cầu, có giải pháp cụ thể để xử lý.

Trong Báo cáo trình tại phiên khai mạc kỳ họp thứ chín, Ban Dân nguyện ghi nhận các bộ, ngành đã rất nghiêm túc giải quyết kiến nghị của cử tri. Một số kiến nghị về ổn định sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội được quan tâm giải quyết ngay trong thời gian giữa hai kỳ họp, góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc. Một số vấn đề liên quan nhiều địa phương và đông đảo người dân chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, nay đã được xem xét, giải quyết xong…

Ðề cập nội dung công việc quan trọng nêu trên, một số đại biểu QH cho rằng, chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao, nhiều ý kiến, kiến nghị, phản ánh đã từng bước được làm rõ và giải quyết kịp thời, dứt điểm. Trong đó, những băn khoăn, vướng mắc của cử tri về chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước được giải thích đầy đủ, cụ thể. Ðáng chú ý, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cơ bản được đáp ứng, tạo niềm tin đối với chính quyền địa phương, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ðây là nỗ lực lớn thể hiện tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền đối với cử tri, được ghi nhận đánh giá cao. Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cũng cho thấy, các sở, ban, ngành, UBND các cấp với trách nhiệm của mình, ngay sau khi nhận được kiến nghị đã kịp thời khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời cơ bản đầy đủ, rõ ràng về những vấn đề được đặt ra; thủ trưởng các đơn vị đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết và ký văn bản trả lời, bảo đảm thời gian theo quy định của pháp luật, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cử tri và nhân dân.

Tuy nhiên, có đại biểu QH bày tỏ băn khoăn: Hiệu quả thực chất của việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cấp còn nhiều hạn chế, bất cập. Ðáng chú ý là việc đánh giá, phân loại nội dung kết quả giải quyết để đưa vào các tiêu chí “đã được giải quyết” và “đang tiếp tục giải quyết” chưa bảo đảm chính xác. Thực tế cho thấy, một số nội dung trả lời còn chung chung, trích dẫn lại các quy định của pháp luật, chưa đi thẳng vào vấn đề, chưa thuyết phục, chưa bám sát băn khoăn, lo lắng của nhân dân. Thậm chí có địa phương, cử tri nhận được những lời hứa hẹn nhưng kết quả nhận được không thực chất. Một trong những hạn chế diễn ra lâu nay nhưng chưa được khắc phục triệt để là chỉ đạo giải quyết một số nội dung kiến nghị chưa quyết liệt, chưa phân rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị. Có những băn khoăn, lo lắng của nhân dân kéo dài từ năm này qua năm khác, gây bức xúc chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Có đại biểu QH chỉ rõ: Những kiến nghị bị tồn đọng nhưng chưa được khắc phục thường là vấn đề có nội dung liên ngành, nhiều lĩnh vực và cần sự phối hợp thật chặt chẽ, đồng bộ để giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh những vấn đề phức tạp đang diễn ra trong thực tế cuộc sống của người dân. Công tác phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương chưa được thực hiện đến cùng, đôi khi các cơ quan liên quan còn tâm lý làm cho xong, hời hợt, hình thức cho nên chưa nhận được sự tin cậy của cử tri.

Thực trạng nêu trên cho thấy, để những ý kiến, kiến nghị, băn khoăn của cử tri được giải quyết thấu đáo, trước hết, mỗi đại biểu QH, đại biểu HÐND không chỉ tiếp xúc cử tri, lắng nghe, ghi chép nguyện vọng, đề xuất, thắc mắc của cử tri mà quan trọng hơn là cần trả lời, giải đáp được một cách thấu tình, đạt lý. Ngay sau khi tiếp thu ý kiến, kiến nghị, lãnh đạo các cơ quan chức năng cần có văn bản yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có báo cáo rõ kết quả giải quyết đối với các kiến nghị, bảo đảm khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc giải quyết những vấn đề cử tri nêu ra cần được tăng cường hơn nữa. Trong đó, cần đề ra các giải pháp quyết liệt, có thời hạn cụ thể.

Quan tâm nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị của nhân dân còn là nền tảng, là cơ sở quan trọng để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong thực tế. Ngoài ra, QH, các cơ quan của QH, các địa phương cần tổng hợp, nghiên cứu, so sánh về số lượng và chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri qua từng năm, từng kỳ họp, theo từng lĩnh vực, từng nhóm vấn đề. Từ đó, tiếp tục đổi mới quy trình tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, từng bước nâng cao chất lượng tiếp nhận ý kiến của cử tri, không ngừng nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của QH và các cơ quan chính quyền.