Phú Thọ phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc

Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, quyết tâm phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ gắn biển đường Nguyễn Tất Thành kéo dài.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ gắn biển đường Nguyễn Tất Thành kéo dài.

Sau 5 năm, đã có 19 trong tổng số 20 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Kinh tế tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá; quy mô kinh tế tăng gần 1,7 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm ước đạt 7,86%, trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,4%; công nghiệp, xây dựng tăng 10,2%, dịch vụ tăng 7,25%. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 52,5 triệu đồng, tăng 64% so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành dịch vụ 42,11%, công nghiệp, xây dựng 37,94%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,95%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 30,2%/năm.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, trong 5 năm, tổng vốn huy động được hơn 50 nghìn tỷ đồng, tăng 1,38 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có bước phát triển, trong 5 năm đã đầu tư thêm 125 km đường quốc lộ và cao tốc, 130 km đường liên xã, 400 km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, đồng thời hoàn thành ba nút giao nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; giao thông đô thị được cải thiện cơ bản với 447,1 km đường nội thị, tỷ lệ cứng hóa đạt trên 91,5%; hạ tầng thương mại dịch vụ, du lịch, đô thị, nông nghiệp, nông thôn từng bước được hoàn thiện, đã bước đầu làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh, tạo thêm những điểm nhấn trong không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, nhất là TP Việt Trì.

Nguồn nhân lực của tỉnh từng bước phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chất lượng nguồn nhân lực có sự cải thiện cơ bản về thể lực, kỹ năng nghề nghiệp và thích ứng với nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao năng suất lao động; tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm đạt 85%. Nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị từng bước đáp ứng yêu cầu về vị trí việc làm và lãnh đạo, quản lý; quan tâm đào tạo, thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, bước đầu đã phát huy hiệu quả ở một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, dịch vụ. Nguồn nhân lực trong doanh nghiệp được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế. Nguồn nhân lực khu vực nông thôn được quan tâm đào tạo nghề, đã cơ bản áp dụng được kiến thức, kỹ năng nghề vào sản xuất, mở rộng kinh doanh.

Kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch tăng 8,8% so với mục tiêu. Ðến nay đã hình thành và đưa vào khai thác một số dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh; đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ðền Hùng trở thành Khu du lịch quốc gia gắn với phát huy giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Khu du lịch suối nước nóng Thanh Thủy và Khu di tích Ðền Mẫu Âu Cơ huyện Hạ Hòa trở thành khu, điểm du lịch địa phương; TP Việt Trì từng bước trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Sản phẩm du lịch bước đầu được đầu tư phát triển đa dạng theo chiều sâu, đổi mới và nâng cao chất lượng, góp phần thu hút ngày càng tăng du khách trong nước và quốc tế đến với tỉnh Phú Thọ.

Công tác cải cách hành chính được tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Toàn bộ 9 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đã đề ra. Xây dựng và phát huy hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, chú trọng đầu tư xây dựng chính quyền điện tử gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển hạ tầng và các ứng dụng dùng chung trong cơ quan nhà nước; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực được cắt giảm về thời gian và quy trình giải quyết, nhất là các thủ tục hành chính trong thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư.

Các ngành kinh tế đều có bước phát triển, quy mô được mở rộng, hiệu quả được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng. Tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ đều tăng, chiếm 26% GRDP. Một số sản phẩm công nghiệp truyền thống có thế mạnh của tỉnh được đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để phát triển. Tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Bước đầu đã thu hút có chọn lọc một số dự án đầu tư quy mô lớn, một số ngành công nghiệp mới, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng cao.

Hạ tầng thương mại, chất lượng dịch vụ từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; thương mại điện tử phát triển mạnh; mạng lưới phân phối có bước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, một số trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tự chọn, chợ đầu mối… được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng xã hội tăng 69% so giai đoạn 2011 - 2015. Hoạt động xuất, nhập khẩu diễn ra sôi động, tích cực mở rộng thị trường; kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 2,7 lần mục tiêu Ðại hội.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới trước ba năm; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó, tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế như chè, bưởi, rau, chăn nuôi, thủy sản, phát triển rừng...; quan tâm xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm bình quân/ha đất canh tác, ước đạt 108 triệu đồng, tăng 28% so với năm 2015. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, diện mạo nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Ðến nay, sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Nghị quyết Ðại hội là 57 xã); hai huyện Lâm Thao, Thanh Thủy đạt chuẩn huyện nông thôn mới; TP Việt Trì và thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện tích cực, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân 16%/năm. Kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển; kinh tế ngoài quốc doanh chiếm vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh, đóng góp khoảng 60% vào GRDP, đã thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Nguồn lực cho đầu tư phát triển được huy động và sử dụng có hiệu quả. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trong nhiệm kỳ ước đạt 125 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm, vượt 36% so với mục tiêu Ðại hội. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên được chú trọng, công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường được thực hiện đúng quy định.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo tiếp tục phát triển, quy mô, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường và sắp xếp tinh gọn, từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia, hằng năm đều đứng trong tốp 10 cả nước. Công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, hệ thống các thiết chế văn hóa được chú trọng. Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi tình trạng di sản cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa thời đại Hùng Vương, nhất là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh, gắn với thúc đẩy du lịch phát triển. Hệ thống y tế từ tỉnh đến xã không ngừng được củng cố và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo đạt kết quả tích cực. Các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai có hiệu quả; thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93% (vượt mục tiêu Ðại hội).

 Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng được tăng cường; vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội được phát huy. Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, lòng tin của nhân dân vào Ðảng được củng cố và tăng cường; vai trò, vị trí của cấp ủy, tổ chức đảng được nâng cao. Tổ chức bộ máy cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, từng bước siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng, góp phần làm chuyển biến, nâng cao chất lượng công tác của các cấp ủy, tổ chức đảng, giữ gìn sự trong sạch, đoàn kết, thống nhất trong Ðảng bộ tỉnh. Công tác dân vận tiếp tục được tăng cường, có chuyển biến tích cực. Hoạt động của Ðoàn đại biểu Quốc hội, HÐND và UBND các cấp tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Chất lượng các kỳ họp HÐND tiếp tục được nâng cao. Công tác quân sự, quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến rõ nét, kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.

Phát huy những thành tích đạt được, trong nhiệm kỳ tới, Ðảng bộ tỉnh Phú Thọ đề ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tập trung thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, quan tâm phát triển các thành phần kinh tế; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trọng tâm là cơ sở hạ tầng then chốt, các ngành, lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phấn đấu xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía bắc.