Phát triển các khu kinh tế - quốc phòng nơi biên giới

Bài 1: Những người lính ngày đầu đi “mở đất”

Cán bộ Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) kiểm tra mô hình giảm nghèo trong vùng dự án của Đoàn KT-QP 379 (Quân khu 2).
Cán bộ Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) kiểm tra mô hình giảm nghèo trong vùng dự án của Đoàn KT-QP 379 (Quân khu 2).

Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước về việc Quân đội tham gia phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố thế trận quốc phòng - an ninh, nhiều năm qua, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị khắc phục khó khăn, phát huy vai trò nòng cốt xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng (KT-QP) tại các địa bàn xung yếu trên tuyến biên giới. Công tác này góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.

Một quyết định sáng suốt

Sau ngày 30-4-1975, đất nước hòa bình, thống nhất, Quân đội được Đảng, Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và tham gia xây dựng đất nước. Ngày 5-4-1976, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/CP thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế; đồng thời điều chuyển gần 280 nghìn cán bộ, chiến sĩ sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh và các chương trình, dự án kết hợp KT-QP, như: Thi công xây dựng đường tàu thống nhất Bắc - Nam, đường Trường Sơn Đông, đường 279 nối liền sáu tỉnh biên giới phía bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu; xây dựng thủy điện Hòa Bình; khai hoang xây dựng các khu kinh tế mới, trồng cà-phê, cao-su, mía, bông ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ..., và giúp nước bạn Lào, Cam-pu-chia xây dựng nhiều công trình hạ tầng quan trọng.

Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Kinh tế (Bộ Quốc phòng), vẫn nhớ như in quá khứ gian khó, hào hùng về bộ đội các đơn vị đầu tiên chuyển từ “lính chiến” sang làm nhiệm vụ KT-QP những năm 1976 - 1978. Đó là, Binh đoàn Tây Nguyên (có Sư đoàn 471), Binh đoàn 12 (có Đoàn 559 cũ)... Ở khu vực biên giới thuộc địa bàn Tây Nguyên, các đơn vị hình thành các nông trường, lâm trường; bộ đội vừa làm lâm nghiệp, vừa phối hợp các lực lượng tiêu diệt bọn phản động Phun-rô. Lá cờ Tổ quốc ở các đơn vị sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với củng cố quốc phòng tung bay nơi biên giới, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước. 

Đến những năm 90 của thế kỷ 20, lợi dụng khu vực miền núi phía bắc của Tổ quốc dân cư thưa thớt, địa hình hiểm trở, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn...; bọn phản động trong nước và ngoài nước tăng cường tuyên truyền xuyên tạc, kích động, chia rẽ mối đoàn kết giữa các dân tộc; lôi kéo đồng bào di cư tự do, truyền đạo trái phép, nhằm tập hợp lực lượng để lập “Nhà nước ly khai tự trị”..., làm cho tình hình địa bàn vùng Tây Bắc diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Từng tham gia chiến đấu ở Trường Sơn và các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng khi đó đã sớm nhìn nhận ra vấn đề cần phải thành lập các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn biên giới phía bắc; đồng thời tham mưu cho Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng thành lập các đoàn KT-QP đóng quân trên vùng đất này làm lực lượng nòng cốt thực hiện chức năng: Đội quân chiến đấu; đội quân công tác (dân vận); đội quân lao động sản xuất; thật sự là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân. Theo đó, ngày 10-2-1998, Bộ trưởng Quốc phòng ra Quyết định số 151/QĐ-QP về việc thành lập Đoàn KT-QP Mường Chà tương đương cấp lữ đoàn, trực thuộc Quân khu 2. Đến ngày 22-6-1999, Bộ trưởng Quốc phòng ra Quyết định số 909/1999/QĐ-BQP, nâng cấp Đoàn 379 (Đoàn KT-QP Mường Chà), từ cấp lữ đoàn lên cấp sư đoàn. Đây là đơn vị KT-QP đầu tiên của quân đội được thành lập, thực hiện đầy đủ ba chức năng của quân đội. “Việc thành lập Đoàn KT-QP 379 là quyết định sáng suốt, sát thực tế của Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh ở địa bàn chiến lược Tây Bắc của Tổ quốc” -Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu khẳng định.

Tiếp sau Đoàn KT-QP 379, Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể các khu KT-QP. Điều này đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận phòng thủ, tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thế trận lòng dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Vượt gian nan, thử thách

Thượng tá Nguyễn Văn Thường, Phó Đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Đoàn KT-QP 379 - người gắn bó với Đoàn 379 từ những ngày đầu thành lập, nhớ lại: Khu KT-QP Mường Chà (Điện Biên) do Đoàn quản lý rộng hơn 2.300 km2. Đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn với nhiều cái không (không đường, không trường, không trạm y tế, không chợ, không nước sạch...). Trụ sở của Đoàn đặt tại trung tâm huyện Mường Lay. Các Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị đặt tại các thôn, bản. Hầu hết các bản, làng đều chưa có đảng viên; tỷ lệ hộ đói, nghèo của các xã đều ở mức cao. Chuyện đứt bữa, thiếu gạo là thường xuyên; hạt muối với bà con còn quý hơn vàng. “Việc ma chay, cưới hỏi của đồng bào kéo dài đến vài ba ngày; nhà có người ốm thì mời thầy mo đến cúng hoặc chữa bằng lá cây rừng; người chết để lưu lại có khi đến cả tuần mới đem chôn cất; chỉ đàn ông mới bập bẹ nói được tiếng Kinh” -Trung tá Nguyễn Hồng Chính, Đội trưởng Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (Đoàn KT-QP 379), chia sẻ.

Ngày đầu nhận nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379 phải hành quân bộ vượt suối, xuyên rừng vào nơi đóng quân. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều phải ăn ở, sinh hoạt trong nhà bạt tạm, dã chiến, hoặc ở nhờ các lán trông nương của dân; tranh thủ khai thác vật liệu tự làm nhà ở và sinh hoạt; vạt rừng để làm khu tăng gia, chăn nuôi để cải thiện đời sống... Nước sinh hoạt rất khan hiếm. Vào mùa khô, đơn vị phải sử dụng xe ô-tô GAZ-66 dùng téc chở nước từ suối Nậm Chim cách đó 3,5 km về dùng; mỗi tuần hai lần, xe lại chở bộ đội xuống suối để tắm... Để phục vụ việc khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân, Bộ Quốc phòng chỉ đạo sử dụng 50 lượt chuyến máy bay trực thăng chuyên chở vật liệu, trang thiết bị y tế tập kết tại sân vận động thị xã Lai Châu (cũ), sau đó vận chuyển bằng đường bộ vào khu KT-QP Mường Chà để lắp ghép, xây dựng hai bệnh xá quân dân y tại xã Mường Toong và xã Mường Nhé (huyện Mường Tè).

Ngày ấy, do thiếu hiểu biết, bị kẻ xấu lợi dụng kích động chia rẽ nhân dân với bộ đội; rằng bộ đội về chiếm đất và sẽ đuổi bà con ra khỏi vùng đất đang sinh sống; để ngăn người lạ vào nhà, nhiều gia đình treo cành cây tươi trước cổng, hoặc các khu rừng cấm nên việc tiếp cận đồng bào để tuyên truyền, vận động rất khó khăn. Hành trình làm công tác vận động nhân dân ở các thôn, bản ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả tính mạng. Đó là trường hợp Trung tá Hoàng Văn Hoa trong một chuyến đi vận động nhân dân, bị trọng bệnh, nhưng vì đường sá đi lại khó khăn nên đã hy sinh trên đường đi cấp cứu. Có lúc nào các anh nản lòng? “Ai cũng có những phút yếu lòng! Nhưng, cứ nhìn vào cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi lại thấy cay cay nơi sống mũi và luôn nung nấu quyết tâm, đóng góp thật nhiều công sức của mình để mang cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con!” - Thượng tá Thường trả lời câu hỏi của chúng tôi.

Tháng 11-2001, Đoàn KT-QP 799 (Quân khu 1) thành lập và được giao nhiệm vụ xây dựng hai khu KT-QP (Bảo Lạc - Bảo Lâm; Thông Nông - Hà Quảng (Cao Bằng), gồm 20 xã, một thị trấn (với 43 thôn, bản giáp biên giới thuộc 14 xã). Đây là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, có biên giới Việt - Trung  với chiều dài hơn 135 km; có chín dân tộc anh em cùng sinh sống.

Thượng tá Nguyễn Văn Giang, Đoàn trưởng KT-QP 799 (Quân khu 1) cho biết: Cán bộ, chiến sĩ của Đoàn triệt để thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), trăn trở tìm hướng đi mới giúp đồng bào bớt nghèo, bớt khổ; vận động nhân dân định canh, định cư giữ đất, giữ làng; thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để kẻ xấu lợi dụng truyền đạo trái pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn; giúp đỡ đồng bào ổn định đời sống, nâng cao dân trí, từng bước đẩy lùi hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Cùng với đó, Đoàn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Trung tá, Bác sĩ Thân Thiện Hiền, nguyên Bệnh xá trưởng quân dân y kết hợp - Đoàn KT-QP 799, nhớ lại: Năm 2002, khi đang là bác sĩ Khoa ngoại của Bệnh viện Quân y 110 (Quân khu 1), bác sĩ Hiền nhận quyết định lên công tác tại Bệnh xá Đoàn. 

“Ngày ấy, đồng bào nơi đây nghèo lắm. Có trường hợp người nhà bệnh nhân bị đói lả. Cán bộ, y, bác sĩ phải sẻ chia từng gói cháo, mì ăn liền. Nghĩa tình thầy thuốc với bệnh nhân ấm áp như người thân, ruột thịt!” - Bác sĩ Thân Thiện Hiền xúc động tâm sự. 

Bác sĩ Hiền nhớ như in chuyến công tác cùng đồng đội về xã Đức Hạnh khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ngày đó, đường từ đơn vị lên UBND xã Đức Hạnh rất khó khăn, với những dốc cua tay áo, qua núi cao, vực sâu đến rợn người. Bí thư Đảng ủy xã Triệu Văn Tháo cùng cán bộ xã Đức Hạnh đón các anh như đón người thân trở về. Biết tin có đoàn công tác lên khám, chữa bệnh, bà con đến khám đông như ngày hội... Ngay tại sân trường cấp 1, 2 của xã, Trung tá Đoàn Bình Thuận, Trưởng phòng Chính trị chiếu phim về đề tài cách mạng và phim phóng sự “Hãy cảnh giác với hoạt động truyền đạo trái pháp luật” bằng hai thứ tiếng Kinh và H’Mông để bà con xem. Vì thời gian không nhiều, cả đoàn quyết định không nghỉ trưa. Đến gần 13 giờ, Trung tá Thuận đề nghị mọi người nghỉ giải lao. Trán đầy mồ hôi, mặt thì nhọ, tay cầm que củi, Trung tá Thuận dõng dạc nói to: “Ngô luộc đây! Lương khô đây! Nước luộc ngô đây! Các đồng chí tranh thủ ăn, uống rồi còn đi làm...! Động tác, cử chỉ và giọng nói của anh làm cả đoàn công tác và bà con bật cười giòn tan, xua đi sự mệt nhọc và cái nắng nóng quái trưa. Tối đó, đoàn công tác phối hợp địa phương tổ chức giao lưu văn nghệ; đồng bào, thầy cô và học sinh nội trú trường cấp 1, 2 của xã đến rất đông, ngồi chật kín sân trường và bên sườn đồi. Bác sĩ Hiền sẵn chiếc ca-mê-ra mi-ni đã quay và phát trực tiếp cho đồng bào xem, ai cũng thấy lạ, phấn khởi và tấm tắc khen: “Bội đội mình giỏi quá, cho được mọi người chui cả vào trong vô tuyến...!”. Sau chuyến đi, đoàn công tác dù thấm mệt, nhưng ai nấy đều rất vui, bởi kết quả đạt được quá bất ngờ: Khám, chữa bệnh được tổng số 721 ca, tương đương bệnh viện lớn - Trung tá Thân Thiện Hiền, bày tỏ.

Khó khăn, gian khổ là vậy, song được sự giúp đỡ, động viên của chỉ huy các cấp, của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, bằng bản lĩnh, ý chí của Bộ đội Cụ Hồ, những người lính các đoàn KT-QP trong toàn quân ngày đầu đi mở đất đã xác định tốt tư tưởng, nêu cao trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thiết thực giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ biên cương Tổ quốc.

(Còn nữa)

“Việc thành lập các đơn vị làm nhiệm vụ KT-QP trên các tuyến biên giới và vùng biển thời kỳ đó có vai trò rất quan trọng. Vì ngày ấy, nơi đây dân cư sống thưa thớt, khi có bộ đội bám trụ trên địa bàn thì nhân dân yên tâm lao động sản xuất, bám biên giới, đề phòng xâm lấn, chống phá. Thực tế, khi xảy ra chiến tranh ở biên giới tây nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, chính những người lính các đơn vị KT-QP là một trong những lực lượng sớm nhất chuyển từ sản xuất sang chiến đấu nơi tuyến đầu bảo vệ biên cương”.

Đại tá, GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG 

Nguyên Phó Cục trưởng Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam