Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng

Phát triển bền vững kinh tế biển

Tôi rất đồng tình và phấn khởi vì Dự thảo Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII đề cập nhiều đến kinh tế biển, trong đó nhấn mạnh: "Thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển…".

Trong những năm gần đây, kinh tế biển được sự quan tâm của các cấp, các ngành, song đầu tư phát triển kinh tế biển còn hạn chế. Nhìn chung, các ngành kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đủ năng lực chinh phục các vùng biển quốc tế. Trong khi đó, nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển chưa đầy đủ. Việc khai thác tài nguyên biển còn mang tính tự phát, khai thác chưa đi đôi với bảo tồn, phát triển. Kết cấu hạ tầng các cảng biển, các khu kinh tế ven biển còn yếu, thiếu bền vững. Tỉnh nào cũng xây dựng quy hoạch cảng biển, khu kinh tế nhưng không đủ nguồn lực đầu tư, dẫn đến manh mún, lãng phí.

Những năm gần đây, tỉnh Bình Ðịnh cũng dành nhiều ưu tiên cho kinh tế biển như đầu tư, quy hoạch hạ tầng ven biển, cấp phép các dự án đầu tư vào nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, phát triển các ngành dịch vụ, du lịch biển và hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư hạn chế cho nên hiệu quả mang lại chưa nhiều. Bên cạnh đó, các cảng cá chủ yếu của tỉnh là cảng cá Tam Quan, cảng cá Ðề Gi và cảng cá Quy Nhơn chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, hậu cần, bốc dỡ sản phẩm và tránh trú bão.

Ðất nước ta có nhiều điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế biển. Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở ra cơ hội lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Theo tôi cần đẩy mạnh quy hoạch liên kết vùng phát triển ngành thủy sản; sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển bảo đảm thông thương giữa các tỉnh ven biển. Trong kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế vùng ven biển cần hết sức lưu ý lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực thật sự, quan tâm đến yếu tố bảo đảm an ninh, chủ quyền biên giới, hải đảo. Vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản là phát triển kinh tế gắn bảo vệ an ninh quốc phòng, rất cần những đoàn tàu đánh cá đủ mạnh với công nghệ hiện đại để tạo những sản phẩm cao cấp xuất khẩu. Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cho những đội tàu đánh cá lớn để mở rộng, phát triển khai thác xa bờ và vùng biển quốc tế. Hạ tầng cảng cá cần được đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Hạ tầng nuôi trồng thủy sản cần được đầu tư để phát triển bền vững theo hướng áp dụng công nghệ cao. Việc tổ chức sản xuất phải gắn với tiêu dùng, xuất khẩu. Trong điều kiện nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng cạn kiệt, môi trường vùng nuôi thủy sản ngày càng bị ô nhiễm, thời tiết cực đoan, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường xuất khẩu không tăng thì các giải pháp trên là cấp bách và cần thiết.

VŨ HOÀNG HÀ

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh

Ðể người có chức, có quyền không thể, không muốn, không dám tham nhũng

Qua nghiên cứu Dự thảo báo cáo chính trị trình Ðại hội XIII của Ðảng, tôi hoàn toàn tán thành với các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm như đã nêu. Theo tôi, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, để người có chức vụ, quyền hạn, thực thi công vụ không thể, không muốn, không dám, không cần tham nhũng; có ý thức cao trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Ðảng, tôn trọng, phát huy ý kiến thẳng thắn trong sinh hoạt Ðảng. Tăng cường kiểm tra các đơn vị về triển khai công tác phòng, chống tham nhũng; khẩn trương kiểm tra, xử lý kịp thời các đơn thư tố cáo, thông tin dư luận về những dấu hiệu gây lãng phí, tham nhũng, tham ô liên quan đội ngũ cán bộ, nhất là những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương. Những cán bộ chủ chốt của cấp ủy, địa phương cần luôn đề cao tinh thần gương mẫu thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong Ðảng; gương mẫu thực hiện tốt các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó, thực hiện đúng cơ chế công khai, minh bạch về các hoạt động liên quan tài sản, ngân sách, chi tiêu để cán bộ, công chức, viên chức, các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị, địa phương dễ giám sát. Ủy ban kiểm tra các cấp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm; chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát và quyết tâm thực hiện tốt những chương trình công tác đề ra.

Khi phát hiện đảng viên có dấu hiệu tham ô, tham nhũng, vi phạm Ðiều lệ Ðảng, cấp ủy cần phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời, tránh để tình trạng này kéo dài, gây mất lòng tin của đảng viên và quần chúng. Cần thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ trong công tác cán bộ ở tất cả các khâu: Tuyển dụng, thi tuyển, đánh giá, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, sử dụng quy hoạch cán bộ, khen thưởng… Ðề cao tính khách quan, chính xác của nội dung các kết luận trong thanh tra, kiểm tra; bảo đảm công bằng, nghiêm minh trong xử lý vi phạm. Cần quan tâm hơn đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong công tác này thông qua việc giám sát tổ chức đảng và đảng viên.

ÐINH VĂN THUẬN

(Xã Hải Ðông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Ðịnh)

Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Là chủ trang trại sản xuất rau quả theo công nghệ hữu cơ, tôi rất vui khi tại Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII trình Ðại hội XIII của Ðảng xác định nhiệm vụ thời gian tới sẽ phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ.

Nước ta hiện vẫn là nước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Thời gian gần đây, nền nông nghiệp của chúng ta phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, với năng suất và chất lượng ngày càng cao, bảo đảm an ninh lương thực và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, phần đông nông dân vẫn sản xuất theo lối truyền thống, đạt sản lượng thấp, chất lượng không cao, nhiều khi không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng dẫn đến giá trị xuất khẩu giảm, giá trị thặng dư thấp. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động tới mọi mặt cuộc sống. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao như sử dụng rô-bốt thay thế máy cày, phân bón hay mạng vạn vật kết nối
(Internet of Things - IoT) nhằm thu dữ liệu phục vụ xây dựng các bản đồ chính xác về đất, về vụ mùa hoặc các mô hình của các cánh đồng nông nghiệp. Nếu chúng ta không nắm bắt kịp công nghiệp tiên tiến để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp dễ dẫn tới tụt hậu và khó đạt những mục tiêu đặt ra.

Vì vậy, nhiệm vụ mà Trung ương xác định nêu trên là hết sức cần thiết. Ðể làm tốt, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền trong bà con nông dân để nâng cao nhận thức việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Mở nhiều lớp tập huấn kiến thức để người dân được tiếp cận các công nghệ mới. Xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân trong thí điểm, mở rộng mô hình sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến. Giúp bà con trong khâu xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng. Hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

BÙI VĂN PHƯƠNG

(Xã Tống Chân, huyện Phù Cừ, Hưng Yên)