Tiếng nói từ cơ sở

Phát huy hiệu quả thông tin cơ sở ở vùng cao, biên giới

Thực tế khảo sát mới đây tại một số địa phương vùng Tây Bắc cho thấy, các thiết chế thông tin cơ sở ở vùng cao, biên giới có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân nói chung và đồng bào các dân tộc nói riêng. Ðồng thời, các thiết chế này góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tỉnh Lào Cai hiện có ba cụm thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới, cửa khẩu và thị trấn Sa Pa; 164 trạm truyền thanh xã, phường, thị trấn; gần 1.500 thôn, bản có cụm loa truyền thanh; ngoài ra, có hàng nghìn bảng tin công cộng. Về cơ bản, hệ thống này phát huy được vai trò, chức năng. Tuy nhiên, tại một số tỉnh của vùng sâu Tây Bắc các thiết chế thông tin cơ sở đang còn nhiều hạn chế, bất cập, chậm đổi mới phương thức hoạt động. Nhiều thôn, bản vùng cao, vùng sâu vẫn chưa có điện, không thể lắp hệ thống phát thanh cơ sở để tuyên truyền trực tiếp chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước đến nhân dân. Có tỉnh còn có tới hơn 400 thôn, bản có cụm loa, đài truyền thanh xuống cấp, hư hỏng cần được đầu tư, nâng cấp. Nhiều địa phương do địa bàn rộng, chia cắt, đông đồng bào dân tộc thiểu số cho nên còn lúng túng trong vận hành hệ thống. Trong tình hình hiện nay, đòi hỏi tiếp tục phát huy vai trò của các thiết chế thông tin cơ sở với những yêu cầu mới, nhất là ở vùng cao, vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trên, các địa phương cần có chương trình, đề án, thông qua đó nâng cao hiệu quả của các thiết chế thông tin cơ sở hiện có. Trước hết là rà soát, có kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong lĩnh vực này. Coi trọng lồng ghép các nguồn lực phục vụ thông tin cơ sở từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Coi trọng bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng vận hành, tác nghiệp của đội ngũ truyền thông tại cơ sở gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng các loại hình truyền thông hiện đại. Bảo đảm các thiết chế thông tin cơ sở, nhất là ở vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò cầu nối cung cấp, chuyển tải và phản hồi thông tin giữa người dân với Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; góp phần nâng cao dân trí, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là giai đoạn hướng về đại hội Ðảng các cấp, Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng.