DIỄN ĐÀN CHỦ NHẬT

Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp từ trong gia đình

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) xây dựng, ban hành từ năm 2017, nhằm bồi đắp các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, củng cố ý thức pháp luật, nâng cao ý thức xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Việc vận dụng, đưa nội dung bộ tiêu chí lan tỏa trong đời sống cộng đồng là điều rất cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay. 

Còn nhớ, tháng 11-2019, tại một diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng trước sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, cách ứng xử giữa con người với con người sau những vụ thảm án liên tiếp xảy ra. Trong đó, nổi lên nhiều vụ án mạng nghiêm trọng chỉ vì những lý do nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nhiều vụ án do người thân gây ra (theo thống kê, số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm tới 18% đến 20%, tương đương khoảng 200 vụ mỗi năm). Đây là con số rất lớn, trong đó, nhiều vụ mang tính chất “thảm sát” chỉ vì lý do liên quan kinh tế như vụ án gây chấn động dư luận ở huyện Đan Phượng (Hà Nội); khi chỉ vì nửa mét đất mà người anh trai ra tay sát hại gần hết gia đình người em. Nhiều vụ án do va chạm giao thông, xích mích trong lúc uống rượu bia... Và một điều đáng lo ngại là xu hướng trẻ hóa tội phạm giết người, khi theo thống kê có tới 60% đối tượng ở độ tuổi dưới 30, trong khi tỷ lệ này chỉ chiếm 30% vào giai đoạn trước… Thực trạng này gióng lên hồi chuông báo động sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân cách, cần các cấp, ngành, đoàn thể khẩn trương vào cuộc; trong đó phải có giải pháp căn cơ đến từ ngành văn hóa, giáo dục. 

Năm 2019 là năm đầu tiên ngành văn hóa tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các địa phương và đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng. Mới đây, Bộ VHTT và DL tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện năm 2020. Theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố; mỗi địa phương có khoảng 300 hộ gia đình đăng ký thực hiện. Bộ tiêu chí dễ hiểu, dễ nhớ và thực hiện, gồm bốn tiêu chí ứng xử chung (tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ) và bốn tiêu chí ứng xử cụ thể (ứng xử vợ chồng; của cha mẹ với con, ông bà với cháu; của con với cha mẹ, cháu với ông bà; của anh, chị, em với nhau). Ở các thành phố lớn, vùng đồng bằng, hoạt động thí điểm đạt được những kết quả tích cực. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã lựa chọn hai địa phương mang những nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô là xã Phú Cường, huyện Ba Vì và phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Sau một thời gian triển khai, chương trình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng về công tác gia đình. Đặc biệt, nhiều gia đình tham gia đăng ký thi đua thực hiện đã trở thành điển hình, gương mẫu trong văn hóa ứng xử, được cộng đồng đánh giá cao. Tiêu biểu cho việc thực hiện thí điểm bộ quy tắc còn phải kể đến tỉnh Thừa Thiên Huế; chỉ riêng phường Phú Thuận, TP Huế và xã Bình Thành, thị xã Hương Trà đã có hơn 600 người tham gia hưởng ứng… Đáng chú ý, hoạt động này đối với những tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống là một thách thức trong công tác gia đình. Song thật bất ngờ khi tại hai xã, thị trấn của tỉnh Đắk Lắk đã có 6.563 hộ gia đình đăng ký, trong đó có tới 50% số hộ là người dân tộc thiểu số. Năm 2019, Sở VHTT và DL tỉnh đã chọn thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) và xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) để triển khai thí điểm. Qua một năm thực hiện, bộ tiêu chí đã có những tác động tích cực, người dân ý thức hơn trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình và hoàn thiện bản thân, góp phần rất lớn tạo nên sự ổn định, văn minh cho toàn địa bàn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới…

Thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là góp phần xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống và trí tuệ; giữ gìn, bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp và phát huy vai trò hạt nhân xã hội của gia đình trong thời kỳ hiện đại và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động này cũng cần được làm tốt để đạt hiệu quả; tránh phong trào, hình thức. Vì vậy, rất cần sự phối hợp tích cực, linh hoạt, sáng tạo giữa các đơn vị trong việc tổ chức hoạt động và ý thức, tự giác của mỗi người dân, mỗi gia đình.