Ðồng chí Nguyễn Ðức Bình - Nhà lý luận kiên định và sáng tạo của Ðảng ta thời kỳ đổi mới

Võ Văn Thưởng

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Ðức Bình sinh ra và lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh - một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, giàu tinh thần yêu nước và cách mạng. Con người Hà Tĩnh nổi tiếng với phẩm chất cần cù, thông minh, hiếu học. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, như Ðặng Tất, Ðặng Dung, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Lý Tự Trọng, Ngô Ðức Kế... Hà Tĩnh tự hào là quê hương của hai Tổng Bí thư của Ðảng: Ðồng chí Trần Phú và đồng chí Hà Huy Tập.

Tiếp nối truyền thống quê hương, đồng chí Nguyễn Ðức Bình đã sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng của Ðảng, tích cực tham gia đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954). Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, đặc biệt trên mặt trận tư tưởng, lý luận và khoa giáo, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của Ðảng, dân tộc và nhân dân ta. Bám sát thực tiễn đất nước và nắm bắt xu thế của thời đại, nhất là trước những khúc quanh của lịch sử, đồng chí luôn tỏ rõ thái độ nhất quán, bản lĩnh kiên định trước những vấn đề có tính nguyên tắc của công cuộc đổi mới, đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cơ hội, xét lại, “đổi mới” vô nguyên tắc, chú trọng tổng kết thực tiễn để vận dụng, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từng bước làm sáng rõ hơn mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Là người có tố chất về nghiên cứu lý luận, đồng chí Nguyễn Ðức Bình đã được Ðảng giao phụ trách, lãnh đạo nhiều cơ quan tuyên huấn, cơ quan nghiên cứu lý luận và đào tạo cán bộ của Ðảng. Phát huy được sở trường năng lực của mình, đồng chí luôn có ý thức học hỏi, tích lũy tri thức, khái quát lý luận từ thực tiễn, trở thành một trong những nhà lãnh đạo, nhà lý luận của Ðảng ta có nhiều đóng góp quan trọng trên mặt trận quan trọng này trong thời kỳ đổi mới.

Lập trường cách mạng kiên định và sáng tạo của đồng chí Nguyễn Ðức Bình thể hiện qua nhiều công trình nghiên cứu và bài viết tiêu biểu như: “Chủ thuyết chính trị Việt Nam thời đại ngày nay”, “Chủ nghĩa Lê-nin - Chủ nghĩa Mác trong thời đại chúng ta”, “Chủ nghĩa Mác sáng tạo - ngọn nguồn và cơ sở của sự đổi mới có tính cách mạng”, “Ðảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới vì chủ nghĩa xã hội”, “Không có chuyện chủ nghĩa Mác - Lê-nin sụp đổ hay lỗi thời”, “Ðộc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(1) , v.v...

Sự kiên định về lập trường chính trị của đồng chí Nguyễn Ðức Bình xuất phát từ thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng. Trước sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Ðông Âu và Liên Xô vào cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước, đồng chí Nguyễn Ðức Bình khẳng định: “Thế giới đổi thay, thời đại không thay đổi” (2). Vì vậy, con đường “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn, đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong sự nghiệp đổi mới vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Ðồng chí khẳng định, con đường “Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” tiếp tục là “chủ thuyết chính trị Việt Nam thời đại ngày nay”; tiếp tục đóng vai trò định hướng, soi đường, dẫn dắt cách mạng Việt Nam phát triển. Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực đã làm cho không ít người hoài nghi vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin và xu thế thời đại, dao động lập trường chính trị, đồng chí Nguyễn Ðức Bình vẫn bình tĩnh phân tích, đánh giá tình hình và khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của chủ nghĩa xã hội bằng nhãn quan của một nhà lý luận dày dạn: Ðồng chí đánh giá đó là một thế giới đang có những thay đổi sâu sắc: “cực kỳ rối ren, phức tạp và đầy rẫy những biến động bất trắc” (3), nhưng cần xem xét chủ nghĩa Mác - Lê-nin trước hết là một học thuyết mang tính phổ biến, được khái quát từ lịch sử và thực tiễn, không ngừng được bổ sung, phát triển trong những hoàn cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể của thời đại. Cho nên, những quy luật, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự. Vấn đề đặt ra đối với những người cộng sản là phải nắm vững quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy con người, bám sát thực tiễn đất nước và thời đại, để không ngừng bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khẳng định sức sống của một học thuyết khoa học và cách mạng, vũ khí tư tưởng cho chúng ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Ðây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải giải quyết hợp lý giữa kiên định những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kiên định các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội với đổi mới, sáng tạo lý luận. Theo đồng chí Nguyễn Ðức Bình: “Quan điểm thời đại nếu không rõ ràng, chính xác thì không thể có phương hướng cách mạng rõ ràng, chính xác. Sự nghiệp cách mạng và con đường phát triển đi lên của các dân tộc sẽ không thể giành thắng lợi nếu thiếu tầm nhìn xa trông rộng và nếu không được đặt đúng quỹ đạo của thời đại” (4).

Đứng vững trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong bất luận hoàn cảnh nào, đồng chí Nguyễn Ðức Bình luôn kiên định niềm tin vững chắc rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ánh sáng soi đường, là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng, bởi vì: “Sức sống, giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác là ở bản chất cách mạng và khoa học của nó, bản chất này bắt nguồn từ phép biện chứng khách quan của tự nhiên và lịch sử, phép biện chứng của tư duy và phép biện chứng với tính cách phương pháp nhận thức và cải tạo thế giới” (5). Sức sống mãnh liệt và giá trị khoa học phổ quát của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành chân lý thời đại, do đó sẽ tiếp tục phát triển mà không có một thế lực nào có thể phủ nhận được. Ðồng chí đã có đóng góp quan trọng trong chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh một cách bài bản, hệ thống để làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là sự vận dụng, mà còn bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, cùng hợp thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Ðảng. Ðối với cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lê-nin được Hồ Chí Minh hiện thực hóa bằng mục tiêu và con đường: “Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, đồng chí khái quát rằng, “Bằng kinh nghiệm máu thịt của mình, bằng trực giác và trái tim, bằng tri thức uyên bác, bằng phương pháp biện chứng mác-xít, Hồ Chí Minh hiểu hơn ai hết rằng, không có độc lập dân tộc thì sẽ không có gì hết... Ðộc lập dân tộc phải là tiền đề và điều kiện tiên quyết để tiến lên một xã hội công bằng, văn minh do nhân dân làm chủ”.

Dưới vai trò chủ trì, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ðức Bình về công tác lý luận, khoa giáo trong thời kỳ đầu đổi mới, hoạt động nghiên cứu lý luận ngày càng gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học (trước hết là khoa học xã hội và nhân văn) và tổng kết thực tiễn để cung cấp luận cứ khoa học cho bổ sung, phát triển lý luận, làm cho lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phù hợp với đặc điểm dân tộc, tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại. Ðây là cơ sở để khắc phục tình trạng giáo điều, xơ cứng của công tác lý luận trước đó cũng như cảnh giác và đấu tranh với các quan điểm đổi mới vô nguyên tắc hoặc mang màu sắc cơ hội chính trị. Ðồng chí Nguyễn Ðức Bình nhấn mạnh, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nhận thức đầy đủ những đặc điểm có tính quy luật và vận dụng một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo vào thực tiễn, đòi hỏi các nhà lãnh đạo và đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, lý luận luôn luôn phải tìm tòi, đổi mới, không mơ hồ, ảo tưởng và cũng không giáo điều, rập khuôn. Phải luôn quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Là một cán bộ lãnh đạo có bề dày kinh nghiệm thực tiễn, được học tập, nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin khá bài bản; với tác phong làm việc cần mẫn, nghiêm túc, phương pháp làm việc khoa học, đồng chí Nguyễn Ðức Bình đã có nhiều công trình nghiên cứu góp phần xây dựng hệ thống lý luận của Ðảng ta.

Tư duy lý luận chính trị của đồng chí Nguyễn Ðức Bình được khái quát ngắn gọn: “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”. Ðồng chí rất tâm đắc với quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Thắng lợi của cách mạng, sự sáng tạo trong cách mạng bao giờ cũng là kết quả của sự kết hợp đúng đắn cái phổ biến với cái đặc thù trong việc vận dụng các quy luật khách quan” (6). Vì vậy, đồng chí cho rằng, nghiên cứu lý luận để tìm ra cái mới, phù hợp với quy luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ðối với đồng chí Nguyễn Ðức Bình, lý luận không có khái niệm “lý luận chung chung”; không giáo điều, sao chép lý luận của nước khác, không chấp nhận những quan điểm chính trị mang tính “cơ hội”, “cách mạng đầu lưỡi”, lý luận cách mạng chỉ thật sự có ý nghĩa khi có giá trị vận dụng vào thực tiễn cách mạng.

Về phương diện này, nhớ lại năm 2006, khi Ðảng ta xây dựng văn kiện cho Ðại hội X, cần phải đặt ra và giải quyết những vấn đề mới về lý luận như: Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân; vấn đề “bóc lột” của giới chủ đối với lao động làm thuê trong điều kiện và tình hình mới, v.v... Ðồng chí Nguyễn Ðức Bình trăn trở, viết nhiều bài trao đổi trên báo: “Ðiều tôi băn khoăn, trăn trở ở chỗ: tư duy lý luận của chúng ta về chủ nghĩa xã hội lâu nay đã thật sự độc lập tự chủ hay chưa? đã thật sự sáng tạo trên mảnh đất Việt Nam hay chưa?” (7).

Ðể giải quyết những vấn đề lý luận mới, đồng chí Nguyễn Ðức Bình chủ trương thảo luận trên diễn đàn hẹp, “vì những quan điểm khác nhau trong Ðảng nay đã bộc lộ công khai hay nửa công khai bằng phát ngôn và phát tán tài liệu rất có hại vì nó làm phân tâm, phân tán tư tưởng nghiêm trọng trong Ðảng và trong xã hội”. Theo đồng chí Nguyễn Ðức Bình, lý luận nhận thức là một quá trình, cho nên: “Là vấn đề nhận thức, phải giải quyết bằng nhận thức, bằng trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn trên tinh thần đồng chí. Muốn vậy, phải đặt thẳng những vấn đề có ý kiến khác nhau lên bàn...” (8). Theo tinh thần lý luận phải tiếp cận chân lý; “chân lý là cụ thể; cách mạng là sáng tạo”, từ ý kiến của đồng chí Nguyễn Ðức Bình và nhiều cán bộ đảng viên, các nhà khoa học khác, Ðảng ta đã mở các diễn đàn trao đổi về những vấn đề lý luận mới, những vấn đề chưa có trong tiền lệ. Nhiều vấn đề được nghiên cứu, trao đổi nhiều lần trên các diễn đàn trong nước và quốc tế như: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Vấn đề xây dựng nền văn hóa, đạo đức, con người mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa,v.v. Không ít vấn đề lý luận khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, nhờ thông qua thảo luận dân chủ, trao đổi thẳng thắn mà chân lý ngày càng sáng rõ hơn, là cơ sở để đi đến thống nhất nhận thức trong Ðảng, đồng thuận trong xã hội. Một phần kết quả đó có công lao đóng góp quan trọng của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Ðức Bình.

Với hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Ðức Bình đã có nhiều cống hiến cho Ðảng và cho dân tộc, đặc biệt trong lĩnh vực lý luận và khoa giáo vào giai đoạn đầu của sự nghiệp đổi mới. Ðứng trước một giai đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt của sự nghiệp cách mạng, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề lý luận hóc búa, đồng chí thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, tầm vóc của một nhà lý luận kiên định và giàu sức sáng tạo, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị tấn công từ nhiều phía, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thể hiện bản lĩnh chính trị của một đảng cách mạng chân chính, xác định đổi mới phải trên nền tảng kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân chủ phải gắn với kỷ cương kỷ luật, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, đổi mới phải có nguyên tắc. Các nguyên tắc đó là cơ sở vững chắc cho nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn đầu của sự nghiệp đổi mới. Những nền tảng lý luận đổi mới được bổ sung, phát triển trong thời gian đồng chí Nguyễn Ðức Bình đóng vai trò chủ trì công tác lý luận, khoa giáo của Ðảng vẫn còn nguyên giá trị cho hiện nay, gắn với vai trò tổ chức chỉ đạo và dấu ấn sáng tạo cá nhân của đồng chí thể hiện trong mỗi tác phẩm, bài viết, luận điểm lý luận. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Ðức Bình - Nhà lý luận kiên định và sáng tạo của Ðảng, dân tộc và nhân dân ta trong giai đoạn đầu của sự nghiệp đổi mới.

(1) Nguyễn Ðức Bình: Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. NXB.CTQG.H.2016.

(2) Nguyễn Ðức Bình: Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Sdd, tr.15.

(3) Nguyễn Ðức Bình: Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Sdd, tr.24.

(4) Nguyễn Ðức Bình: Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Sdd, tr.23.

(5) Nguyễn Ðức Bình: Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Sdd,484.

(6) Nguyễn Ðức Bình: Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Sdd, tr.66.

(7) Báo Nhân Dân, ngày 23-2-2006.

(8) Báo Tuổi trẻ , 25-2-2006.