Ðồng chí Lê Hồng Phong- 40 tuổi đời, 20 tuổi Đảng (*)

...Đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp thanh niên yêu nước với ý chí và nhiệt huyết cách mạng ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân và đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng nước ta. Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong cùng một số thanh niên cách mạng tìm đường qua Xiêm (Thái-lan) rồi đến Quảng Châu (Trung Quốc). Ðầu năm 1924, Lê Hồng Phong tham gia Tâm Tâm xã, một tổ chức cách mạng Việt Nam ở hải ngoại được xem là có khuynh hướng hoạt động tích cực và có ảnh hưởng nhất đối với thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ.

Năm 1925, khi Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, Lê Hồng Phong là một trong những thanh niên Việt Nam đầu tiên gia nhập tổ chức cách mạng này.

... Ra đi tìm con đường cứu nước và phấn đấu vì mục tiêu của dân tộc, trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Ðông Dương, nhưng trước đó, đồng chí Lê Hồng Phong đã là một chiến sĩ cộng sản quốc tế: năm 1926, đồng chí trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Trung Quốc; năm 1928, được kết nạp vào Ðảng Cộng sản (b) Nga; là đảng viên của ba Ðảng Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong còn là người Việt Nam được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (1935).

... Năm 1931, sau khi học xong khóa ba năm của Trường đại học Phương Ðông, đồng chí Lê Hồng Phong chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Lúc này ở Ðông Dương, sau cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng hòng tiêu diệt Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Trong hai năm 1930-1931, toàn bộ hệ thống tổ chức của Ðảng ở trong nước và tổ chức quần chúng cách mạng bị đánh phá. Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt tháng 4-1931 và hy sinh trong ngục tù đế quốc. Ngày 6-6-1931, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị đế quốc Anh bắt ở Hồng Công. Ðồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ bị thực dân Pháp bắt và bị thủ tiêu bí mật năm 1931; đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư Chấp ủy lâm thời Nam Kỳ hy sinh khi vượt ngục tù Côn Ðảo; đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ bị địch bắt và xử bắn tháng 7-1932. Hầu hết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng bị bắt và bị sát hại. Hệ thống tổ chức của Ðảng ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ lần lượt bị kẻ thù đánh phá vỡ... Thực dân Pháp còn liên kết với đế quốc Anh và bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch lùng bắt những người cộng sản Việt Nam. Ngoài Nguyễn Ái Quốc, các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trương Vân Lĩnh... lần lượt bị bắt ở Trung Quốc. Các cơ sở cách mạng của ta ở Trung Quốc cũng bị khống chế.

... Trong tình hình cực kỳ cam go đó, từ Moscow, đồng chí Lê Hồng Phong qua Pháp và lên tàu thủy về Hồng Công. Do tình hình phức tạp ở Trung Quốc lúc đó, đồng chí qua Thái-lan rồi lại trở về Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc (4-1932). Tại đây, đồng chí Lê Hồng Phong bắt tay vào việc liên lạc với các cơ sở đảng ở trong nước, ở Lào và Xiêm. Công việc đã được thực hiện trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng bước đầu thành công: đường liên lạc với trong nước và Quốc tế Cộng sản đã được thiết lập trong năm 1932.

Tháng 3-1934, Lê Hồng Phong và các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt tổ chức Hội nghị của Ðảng ở Ma Cao, thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Ðảng Cộng sản Ðông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu. Ban Chỉ huy ở ngoài làm chức năng như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Ðảng và có nhiệm vụ tổ chức lại các cơ sở đảng và chuẩn bị cho việc triệu tập Ðại hội lần thứ I của Ðảng.

Sau một năm hoạt động của Ban Chỉ huy ở ngoài, từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935, Ðại hội đại biểu lần thứ I của Ðảng Cộng sản Ðông Dương được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). Ðại hội đã phân tích tình hình của Ðảng và phong trào cách mạng trong nước và đề ra nhiệm vụ trước mắt là củng cố Ðảng, tập hợp hơn nữa quần chúng và chống chiến tranh đế quốc. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, trong đó đồng chí Lê Hồng Phong được bầu là Tổng Bí thư của Ðảng.

... Tại Ðại hội VII Quốc tế Cộng sản (7-1935), đồng chí Lê Hồng Phong đã trình bày báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ðảng từ ngày thành lập và nêu lên những vấn đề lý luận trong "thực hiện Mặt trận nhân dân phản đế, mặt trận thống nhất của tất cả các dân tộc Ðông Dương chống kẻ thù chung là đế quốc Pháp"(1).

Những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Ðông Dương và nhiệm vụ trước mắt của Ðảng ta là chống chủ nghĩa phát-xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Tháng 7-1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tại Thượng Hải (Trung Quốc) do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì. Ðồng chí đã truyền đạt chủ trương của Quốc tế Cộng sản và cùng Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ta đề ra chủ trương thành lập Mặt trận phản đế rộng rãi nhằm chuẩn bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng sau này. Trước tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ta và đồng chí Lê Hồng Phong đã thống nhất trong Ðảng phương thức hoạt động mới cho phù hợp với điều kiện lịch sử và nhiệm vụ mới.

Trong vòng năm năm, đồng chí Lê Hồng Phong không chỉ có đóng góp trong việc khôi phục về tổ chức và hoạt động đối với Ðảng ở cả trong nước và ngoài nước, thống nhất những vấn đề tư tưởng, lý luận của Ðảng trước tình hình mới, mà còn có những đóng góp cho phong trào cộng sản quốc tế. Ðiều đó đã được Quốc tế Cộng sản thừa nhận trong vai trò Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Từ năm 1935, Ðảng ta cũng được công nhận là phân bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản.

... Với ý chí kiên cường, đồng chí Lê Hồng Phong cùng bao chiến sĩ cộng sản khác đã đưa Ðảng ta vượt qua thời đoạn khốc liệt trong lịch sử và trở thành một trong những người có ảnh hưởng thúc đẩy sự phát triển đối với lịch sử Ðảng ta và lịch sử dân tộc.

... Sau 15 năm học tập và công tác cho Ðảng ở nước ngoài, tháng 11-1937, đồng chí Lê Hồng Phong trở về Sài Gòn trực tiếp tham gia lãnh đạo cách mạng ở trong nước cùng Ban Chấp hành Trung ương quyết định chuyển hướng hoạt động của Ðảng tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng nước ta trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ.

Ngày 22-6-1939, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tù 6 tháng và sau đó bị trục xuất về nguyên quán.

Tháng 1-1940 đồng chí bị thực dân Pháp bắt lại và cuối năm 1940 đồng chí bị đày đi Côn Ðảo.

Ngày 6-9-1942, đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh trong ngục tù đế quốc ở Côn Ðảo. Khi đó, đồng chí mới tròn 40 tuổi.

-------------------

(*) Trích trong cuốn "Lê Hồng Phong, người cộng sản kiên cường" - NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2002.

(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng 1930- 1945, Ban nghiên cứu lịch sử Ðảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977, T.II, tr.17.