Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Ðổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận

Tôi hoàn toàn tán thành những đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế, phương hướng và giải pháp để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân được nêu trong Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Ðảng và thi hành Ðiều lệ Ðảng nhiệm kỳ Ðại hội XII.

Trên thực tế, thời gian qua, công tác dân vận có nơi, có lúc còn hạn chế; việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là ở những địa bàn phức tạp chưa kịp thời, sâu sát, dẫn đến phát sinh những vụ việc bức xúc dư luận, đơn thư khiếu nại vượt cấp, đông người. Tôi cho rằng, muốn tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, trước hết người cán bộ làm công tác dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm; phải biết "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin". Thái độ tôn trọng dân qua việc lắng nghe dân sẽ tạo sự tin cậy, khuyến khích người dân tích cực suy nghĩ, tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ tâm tư của mình với cán bộ. Ngược lại, người dân sẽ không nhiệt tình góp ý, bàn bạc nếu biết trước người cán bộ chỉ nghe mà không lưu tâm đến ý kiến của họ, không có thái độ tôn trọng họ. Muốn "Dân vận khéo" thì cán bộ phải chú ý dành thời gian để gần dân, tiếp xúc với dân. Trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, người cán bộ phải có kỹ năng thuyết phục, mà thuyết phục không gì bằng lời nói và việc làm cụ thể. Người cán bộ phải khéo léo trong quá trình giải thích, chứng minh bằng những quy định trong chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước để làm rõ vấn đề muốn truyền đạt đến nhân dân là đúng đắn, đồng thời, bằng những lập luận khoa học phải bác bỏ những nhận thức, quan điểm lệch lạc, hành vi sai trái để hình thành và củng cố những nhận thức, quan điểm, niềm tin đúng đắn ở nhân dân. Cán bộ phải hiểu được phong tục, tập quán của vùng, miền, địa phương; phải kiên trì, nhẫn nại, giữ vững lập trường, quan điểm, vận dụng sáng tạo vào từng hoàn cảnh, trường hợp, đối tượng cụ thể thì công tác vận động, thuyết phục mới hiệu quả.

Trong công tác, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải tăng cường đối thoại với các tầng lớp nhân dân, phân công từng cấp ủy viên về dự sinh hoạt định kỳ tại chi bộ thôn, tổ dân phố, khu dân cư để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin liên quan việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương và chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước cho nhân dân; quan tâm theo dõi chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong nhân dân để người dân không phải kiến nghị nhiều lần. Cách làm này rất hiệu quả, và cũng là sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác vận động quần chúng, làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nguyễn Ngọc Hùng

(Phường Tân Quy Ðông, TP Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp)