Noi gương Bác, hết lòng phục vụ nhân dân

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05); ba năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCA, ngày 19-5-2018 của Bộ trưởng Công an về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” trong tình hình mới (Chỉ thị 04) và bốn năm thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” (Cuộc vận động), toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã có những bước phát triển, sự đổi mới rõ rệt. Bộ máy ngành công an bước đầu được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đã triển khai lực lượng Công an xã hiện đại, chính quy; xuất hiện những tấm gương cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tiêu biểu “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Noi gương Bác, hết lòng phục vụ nhân dân

Điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, đó là tinh thần gương mẫu đi đầu, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó ngại khổ của người CBCS CAND. Đại úy Bùi Hồng Hải, Trưởng Công an xã Vũ Hội (huyện Vũ Thư, Thái Bình) là một trong số ít nữ Trưởng Công an xã. Khi biết thông tin chủ trương thực hiện Đề án 03 của UBND tỉnh và Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh về điều động, bổ nhiệm công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, Đại úy Hải đã viết đơn xung phong về công tác tại cơ sở. Tháng 10-2019, Đại úy Hải được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng Công an xã Vũ Hội. “Thời gian đầu thật sự nhiều thách thức vì việc huy động một số lượng lớn công an chính quy về xã sẽ ít nhiều gây nên những biến động, xáo trộn nhất định ở địa bàn. Vũ Hội được xác định là địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, bản thân tôi không phải là người địa phương, nên việc nắm bắt địa bàn là một nhiệm vụ khó khăn. Ngoài ra, tôi có hai con nhỏ, chồng công tác cùng ngành nên thời gian dành cho gia đình ít, công tác thường trực giải quyết công việc, tuần tra, kiểm soát vào ban đêm cũng gặp không ít khó khăn”, Đại úy Hải chia sẻ. Với tâm niệm làm việc “thật tâm” “hết mình” “sống thật lòng với nhân dân”, Đại úy Hải đã vượt qua được khó khăn, thử thách ấy. Chưa đầy hai năm, chị cùng các CBCS Công an xã Vũ Hội đã làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nắm chắc tình hình, nắm chắc địa bàn, hệ, loại đối tượng. Xây dựng phương án phòng, ngừa, đấu tranh không để các đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội. Chủ động trong công tác quản lý, giáo dục và cảm hóa đối tượng, từ đó phân loại và áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp tâm lý, cá tính từng người. Trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, Công an xã Vũ Hội cũng làm tốt công tác quản lý người nước ngoài, quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong việc thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư, địa bàn xã đạt kết quả 100% và đang tiến hành việc phúc tra, kiểm tra để làm sạch dữ liệu phục vụ đề án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân gắn chíp.

5_1-1620934865909.jpg
 

Chiến đấu ở một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở nước ta nhưng không kém phần khó khăn, gian khổ, đó là tội phạm trên không gian mạng, không nhiều người biết đến Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng (Trưởng phòng 6 Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao). Từ năm 2016 đến nay, anh cùng đồng đội liên tục triệt phá nhiều chuyên án tội phạm mạng trọng điểm. Năm 2015, anh đã chỉ đạo phát hiện, xác lập đấu tranh có hiệu quả với bốn chuyên án, chỉ đạo phối hợp công tác với công an các đơn vị, địa phương đấu tranh 19 chuyên án, vụ án, vụ việc với tổng số tiền các đối tượng gây thiệt hại là 1.535 tỷ đồng, 500 triệu nhân dân tệ, 10,7 triệu USD, tám tỷ won; chuyển cơ quan điều tra khởi tố 23 vụ án. Năm 2016, anh và các đồng đội triệt phá thành công 23 chuyên án, trong đó có những vụ tổ chức đánh bạc với số tiền lên tới 1.160 tỷ đồng… Với những thành tích xuất sắc nhiều năm liền, Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND. Thiếu tá Tùng chia sẻ: Tội phạm trên không gian mạng có những đặc thù riêng. Đấu tranh với loại tội phạm này thường phải đối đầu với các đối tượng ẩn danh, có phương thức thủ đoạn mới, thậm chí có hiểu biết, kỹ năng ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật mới gây khó khăn cho lực lượng điều tra. Loại tội phạm này cũng hoạt động trên diện rộng, đôi khi không có ranh giới địa bàn cụ thể, thậm chí xuyên quốc gia. Để đấu tranh có hiệu quả, ngoài các biện pháp nghiệp vụ đã được đào tạo, CBCS lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phải làm chủ tri thức về khoa học - công nghệ, cập nhật những vấn đề mới về loại tội phạm này, ngay cả khi chưa xuất hiện tại Việt Nam.

5_2-1620934866892.jpg
 

Không chỉ giỏi về nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm, nhiều CBCS CAND đã đi đầu trong công tác dân vận, hoạt động xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn mình phụ trách. Nữ Trưởng Công an thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) Trung tá Ksor H’Bơ Khắp là một người như vậy. Chị luôn quán triệt tới CBCS tinh thần: Đặt lợi ích hợp pháp của nhân dân lên hàng đầu, khi tiếp xúc làm việc với nhân dân phải có thái độ niềm nở đúng mực và gần dân, luôn vì dân phục vụ. Trung tá Ksor H’Bơ Khắp đã tổ chức phát động các phong trào thi đua giữa các đội nghiệp vụ, công an phường, xã về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CAND bản lĩnh, nhân văn. Nữ Trưởng Công an thị xã Ayun Pa cho biết, trong những năm qua, chị cùng đồng đội đã có các việc làm, hành động thực tế giúp các hộ gia đình, các cháu tuổi đến trường có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức các hoạt động giao lưu ý nghĩa và thiết thực, phát động phong trào thiện nguyện, tình nguyện trong đơn vị tại các bôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn. Qua đó, đã xây dựng được sáu căn nhà giá trị khoảng 900 triệu đồng, trao tặng hàng trăm suất quà cho học sinh nghèo từ lớp 1 đến lớp 9 ở bôn Hoang 2, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa; tặng hàng chục bộ máy vi tính cho Trường THCS Đinh Tiên Hoàng ở xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa; hỗ trợ mỗi tháng 400.000 đồng cho hai em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, quyên tặng 1.500 bộ quần áo cho các bôn khó khăn trên địa bàn… Bên cạnh đó, Trung tá Ksor H’Bơ Khắp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội trong tiếp xúc, lắng nghe và truyền đạt kiến nghị của cử tri đến Quốc hội; tham gia góp ý vào các dự thảo luật và xây dựng luật.

5_3-1620934865958.jpg
 

Đại diện cho một trong những đơn vị tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 là Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) luôn nỗ lực trong công tác phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Đại tá Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Quản lý xuất nhập cảnh trong 5 năm qua đã thường xuyên tham mưu, đề xuất, lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác ngăn chặn các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép. Mới đây nhất, trong năm 2020, đồng chí đã chỉ đạo đơn vị chức năng thuộc Cục khởi tố hai vụ án liên quan đưa người xuất cảnh trái phép để nhập cảnh trái phép vào Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc). Đại tá Dự chia sẻ: “Các CBCS của Cục Quản lý xuất nhập cảnh thời gian qua là lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19. Với vai trò là người lãnh đạo, chỉ huy, tôi luôn tâm niệm làm sao phải có các kế hoạch, biện pháp để bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho CBCS trong lúc thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, dù quân số của Cục lên tới hàng nghìn CBCS nhưng chưa để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong nội bộ. Đây là nỗ lực lớn của Cục Quản lý xuất nhập cảnh”. Bên cạnh công tác nghiệp vụ, Đại tá Trần Văn Dự cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu áp dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ trong giải quyết các thủ tục hành chính như: cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, khai báo tạm trú cho người nước ngoài trên nền in-tơ-nét, tờ khai điện tử cho công dân Việt Nam đề nghị cấp hộ chiếu… Từ đó đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và du khách nước ngoài, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

5_4-1620934866335.jpg
 

Là Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Cà Mau, 5 năm qua, Thượng tá Lê Hoàng Đum đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với CBCS đơn vị. Từ đó, xây dựng được nội bộ đoàn kết, thống nhất thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong chỉ đạo điều hành. Đáng chú ý, đồng chí Lê Hoàng Đum luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, giúp Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát 113 đề ra nhiều kế hoạch, phương án tiến công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự các ngày lễ, Tết, sự kiện chính trị, văn hóa… Được Giám đốc Công an tỉnh giao làm Tổ phó Tổ tuần tra kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự vào ban đêm của Công an tỉnh (gọi tắt là Tổ 21). Thượng tá Đum đã chỉ đạo Đội Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113 tuần tra, kiểm soát xử lý tin báo, phát hiện 487 vụ, 990 đối tượng liên quan an ninh, trật tự; triệt phá 150 vụ liên quan tệ nạn xã hội (đá gà, đánh bài, lắc bầu cua được thua bằng tiền…). Với những nỗ lực không mệt mỏi, từ năm 2017 đến nay, đồng chí Lê Hoàng Đum liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND.

5_5-1620934866394.jpg
 

Nằm trong số ít những nữ Trưởng Công an phụ trách địa bàn phường, xã, Trung tá Nguyễn Thị Bích Hạnh, Trưởng Công an phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) là một tấm gương tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05, Chỉ thị 04 và Cuộc vận động. Nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong công tác tại địa bàn, Trung tá Hạnh luôn chủ động xây dựng các kế hoạch tham mưu cho lãnh đạo đơn vị, cấp ủy đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản, luật mới ban hành...; chủ động tham mưu với  Đảng ủy, UBND phường thực hiện  tốt  phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đưa phong trào ngày càng phát triển sâu rộng. Kết quả 5 năm liên tục (2016 - 2020), cán bộ, nhân dân phường Hoàng Văn Thụ vinh dự được Bộ Công an tặng Cờ thi đua là đơn vị dẫn đầu phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong quá trình công tác, nhiều lần đồng chí Hạnh trực tiếp cùng đồng đội và quần chúng nhân dân đấu tranh, ngăn chặn tội phạm. Chia sẻ về lần vận động một đối tượng tội phạm ra đầu thú, Trung tá Nguyễn Thị Bích Hạnh cho biết: “Đối tượng là Hoàng Xuân Thành, sinh năm 1981, trú tại 13/1 đường Nguyễn Thế Lộc, khối 15, phường Hoàng Văn Thụ. Do mâu thuẫn, Thành đã gây thương tích nặng cho một người dân cùng trú tại địa bàn. Sau khi gây án, Thành có ý định lẩn trốn, không ra trình diện cơ quan chức năng và đã bị Công an TP Lạng Sơn ra quyết định truy nã. Tôi đã tìm hiểu về nhân thân của Thành, sau đó tới gia đình gặp mẹ Thành vận động đưa Thành tới cơ quan công an đầu thú, chấp hành quy định của pháp luật. Sau đó, Thành đã nghe lời và ra trình diện. Đến hiện tại, Thành đã chấp hành xong án phạt trở về cộng đồng, đã có công ăn việc làm ổn định. Đó là một kỷ niệm, đồng thời cũng là bài học quý trong công tác nắm địa bàn, dân vận khéo để thu phục, cảm hóa đối tượng và vận động người dân chấp hành pháp luật”.

Là một trong những đơn vị tiêu biểu, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Đông Bắc thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ (Bộ Công an) có nhiệm vụ giúp Tư lệnh CSCĐ quản lý, chỉ huy đơn vị, sẵn sàng chiến đấu cao để ngăn chặn, trấn áp kịp thời các vụ gây rối, biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, phối hợp truy bắt các đối tượng hình sự nguy hiểm, tổ chức tuần tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; tham gia cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả lũ lụt, hỏa hoạn tại bảy tỉnh Đông Bắc của Tổ quốc gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. 5 năm qua, Thường vụ Đảng ủy; lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn và cấp ủy, CBCS Trung đoàn đã thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, tuyên truyền dưới nhiều hình thức, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi CBCS về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xem đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Để cụ thể hóa các nội dung trong Chỉ thị 05, Chỉ thị 04 và Cuộc vận động, từ năm 2016 đến nay, CBCS Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc đã chung tay góp sức xây dựng năm điểm trường, mầm non, tiểu học và phối hợp chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân xây dựng bảy ngôi nhà tình thương và nhất là xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa tặng chiến sĩ đơn vị có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Trung đoàn và các đơn vị trực thuộc đã phối hợp các đơn vị chức năng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn và nhóm thiện nguyện “Ốm có thuốc” tổ chức buổi tình nguyện với chủ đề: “Nghĩa tình xuân biên cương” tại xã Quý Hòa, huyện Bình Gia (Lạng Sơn). Trong quá trình tham gia, các đơn vị đã tổ chức khám và cấp phát 300 suất thuốc thiết yếu cho nhân dân, 257 chăn bông tặng hộ nghèo, 43 chăn bông tặng trường nội trú. Trung đoàn cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, trẻ em nghèo vượt khó, giúp nhân dân dọn đường giao thông, nạo vét kênh mương… Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. 

Trong những năm qua, vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông luôn được cả xã hội quan tâm, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa (Phòng 10, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Các CBCS Phòng 10 đã trực tiếp điều tra, xác lập chuyên án đấu tranh đối với các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường và tệ nạn xã hội hoạt động trên các tuyến, địa bàn đường thủy phức tạp, trọng điểm liên quan nhiều địa phương. Thực hiện một số hoạt động điều tra đối với các vụ việc xảy ra trên đường thủy nội địa có dấu hiệu tội phạm hoặc tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, xử lý vi phạm hành chính trên đường thủy theo quy định của pháp luật. Từ khi thực hiện Chỉ thị 05 đến nay, cấp ủy, lãnh đạo phòng đã hướng dẫn và tổ chức CBCS trong đơn vị đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cán bộ, đảng viên Phòng 10 đã sưu tầm nhiều tư liệu, bài viết, hình ảnh của Bác để học tập nâng cao đạo đức cách mạng. Chịu khó tìm tòi, học tập, tích cực rèn luyện thể lực, võ thuật, đi sâu đi sát với quần chúng nhân dân để phục vụ tốt cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên đường thủy nội địa. 

Có thể nói, việc thực hiện Chỉ thị 05, Chỉ thị 04 và Cuộc vận động trong thời gian qua đã giúp lực lượng CAND nhận thức sâu sắc về tình hình, nguyên nhân, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tự soi mình, tự sửa chữa khuyết điểm; vai trò gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị được đề cao; khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; củng cố niềm tin của nhân dân với lực lượng công an. Sau 5 năm thực hiện, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cấp ủy các cấp, thủ trưởng công an các cấp và toàn thể CBCS. Qua những tấm gương cá nhân, đơn vị tiêu biểu điển hình nêu trên, việc thực hiện Chỉ thị 05, Chỉ thị 04 và Cuộc vận động thật sự mang lại những kết quả đáng tự hào đối với lực lượng CAND. Những kết quả này là sự cụ thể hóa cho quyết tâm, nỗ lực của ngành công an trong xây dựng đội ngũ CBCS CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.