Nô nức ngày hội non sông

Ghi nhanh-

Hôm qua, 22-5, trong không khí tưng bừng, hàng triệu cử tri khắp mọi miền đất nước đã nô nức, phấn khởi thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình, đó là đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Phóng viên Báo Nhân Dân tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có mặt tại các điểm bầu cử từ rất sớm để ghi nhận, phản ánh không khí sôi động và trang trọng của ngày hội lớn.

Diễu hành cổ động chào mừng ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MẠNH LINH (TTXVN)
Diễu hành cổ động chào mừng ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: MẠNH LINH (TTXVN)
Nô nức ngày hội non sông ảnh 1

Cử tri bỏ phiếu tại Tổ bầu cử số 4, phường Láng Hạ, quận Đống Đa (TP Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN VĂN CẢNH (TTXVN)

Tới 6 giờ 30 phút, tức còn 30 phút nữa mới đến giờ bỏ phiếu, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy T.Ư, đã có mặt tại Khu vực bỏ phiếu số 3, Đơn vị bầu cử số 3 của phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Trong không khí nô nức của ngày hội lớn, Tổng Bí thư thân mật nói chuyện với các cử tri, cùng vào hội trường làm lễ chào cờ, nghe Ban tổ chức phổ biến Quy chế phòng bầu cử. Tổng Bí thư và cụ Bùi Thị Sáo, cử tri cao tuổi (86 tuổi); anh Lưu Quang Hòa, cử tri 18 tuổi lần đầu tiên đi bầu cử, là những người bỏ lá phiếu đầu tiên tại đơn vị bầu cử này.

Ngay sau khi bỏ phiếu, Tổng Bí thư đã trao đổi nhanh với báo chí. Nói về kỳ vọng và mong muốn đối với các đại biểu dân cử và cơ quan dân cử các cấp trong nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư cho rằng, mọi cử tri cũng như đồng chí đều mong muốn tất cả ứng cử viên được bầu làm đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp lần này sẽ hết lòng vì dân, vì nước, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định. Đó là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp, được nhân dân tín nhiệm cử ra thay mặt nhân dân để tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội. Tổng Bí thư tin rằng, mỗi đại biểu được bầu cử cũng nghĩ như vậy.

Đề cập vai trò của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử trong việc tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, Tổng Bí thư nêu rõ, trách nhiệm của QH và HĐND trong nhiệm kỳ tới là phải tiếp tục thực hiện thật tốt chức năng của cơ quan dân cử đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Đối với QH, phải thực hiện thật tốt trách nhiệm là cơ quan lập pháp cao nhất, cơ quan đại diện cho nhân dân cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với ba chức năng là lập pháp, giám sát tối cao, và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, QH phải thực hiện thật tốt công tác đối ngoại nghị viện, có quan hệ thật tốt với nghị viện các nước trên thế giới. Đồng chí tin rằng, mỗi đại biểu trúng cử lần này luôn nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nói chung, trong đó có QH và HĐND các cấp nói riêng.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời cảm ơn tới cử tri và nhân dân cả nước đã tích cực hưởng ứng cuộc bầu cử lần này. Tổng Bí thư tin tưởng "hôm nay cử tri đi bầu cử đông đủ, chọn đúng người mà mình thấy xứng đáng nhất trong những người xứng đáng, để chúng ta chọn ra những đại biểu ưu tú của nhân dân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan dân cử".

Nô nức ngày hội non sông ảnh 2

Cử tri dân tộc Ba Na ở làng Plây Tơ Nghia, phường Quang Trung (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bỏ phiếu bầu cử. Ảnh: ĐINH SĨ TẠO

Sáng 22-5, tại khu vực bỏ phiếu số 8, khu dân cư Nam Thăng Long 1, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, trong tiếng trống rộn rã, đông đảo cử tri có mặt từ rất sớm, hồ hởi, náo nức chờ đợi giờ khai mạc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự lễ khai mạc và cùng các cử tri cao tuổi bỏ những lá phiếu đầu tiên. Phát biểu ý kiến tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ niềm phấn khởi, tự hào thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch nước khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện trọng đại của toàn dân tộc, diễn ra tại thời điểm đất nước ta đã trải qua 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp, cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chủ tịch nước mong muốn, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, với truyền thống đoàn kết của dân tộc, ý chí và lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần trách nhiệm cao, cử tri hăng hái đi bầu đông đủ, sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu nhất, đủ đức, đủ tài, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công tốt đẹp, thật sự là ngày hội của toàn dân. Các cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ quyền và nghĩa vụ của mình, tích cực tham gia, đi bầu cử đông đủ để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.

Từ sáng sớm 22-5, khắp phố phường, làng quê trên thành phố cảng Hải Phòng rực rỡ cờ hoa, tưng bừng trong ngày hội lớn. Người dân nô nức cùng nhau đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân, lựa chọn và đặt niềm tin vào những đại biểu có đủ tâm, tài tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, thành phố và địa phương với ước vọng góp phần xây dựng chính quyền các cấp thật sự liêm chính, trọng dân, công bộc của dân và vì nhân dân...

Từ 7 giờ sáng, tại tất cả các điểm bỏ phiếu trên địa bàn thành phố, lễ khai mạc bầu cử được cử hành trang trọng, nghiêm túc, đúng quy định và thu hút đông đảo người dân tham dự với không khí vui tươi, hồ hởi. Tại khu vực bỏ phiếu số 8 của thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự khai mạc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trao đổi với báo chí sau khi bỏ phiếu, Thủ tướng cho biết, cuộc bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp là đợt sinh hoạt chính trị lớn nhất về quyền làm chủ của nhân dân. Không khí bỏ phiếu đã thể hiện sự dân chủ, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của công dân. Thủ tướng mong rằng, các cấp, các ngành làm hết sức mình để cuộc bầu cử thành công, để đây thật sự là ngày hội của nhân dân, để lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào cơ quan nhà nước của dân, do dân, vì dân, phục vụ nhân dân. Thủ tướng tin tưởng cuộc bầu cử lần này sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố, hoàn thiện chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Đã 101 tuổi, cụ Nguyễn Thị Nuôi, ở nhà số 20, tầng ba, nhà U3 khu tập thể Cảng 2 (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) vẫn minh mẫn. Ngay từ đầu giờ sáng, cụ đã yêu cầu cháu ngoại là chị Trần Thị Minh Phương đưa cụ ra thực hiện quyền công dân tại điểm bỏ phiếu số 2, phường Máy Tơ. Đã trải qua nhiều lần bỏ phiếu, nhưng cụ vẫn thấy phấn khởi được tự tay mình bỏ lá phiếu gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào các đại biểu được lựa chọn sẽ nỗ lực trong thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân, đại diện cho quyền lợi của đông đảo nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển thành phố và đất nước...

Ông Vũ Văn Đĩnh, giáo dân ở thôn Đông Xuyên Ngoại, xã Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng) cho hay, tuy đã 79 tuổi, nhưng ông và bà con giáo dân ở đây vẫn nguyên vẹn niềm phấn khởi, tự hào của những tháng năm tuổi trẻ, hăng hái đi bầu cử và vận động người thân, bà con thôn xóm cùng đi thực hiện quyền công dân. Nhân dân ở đây 100% là đồng bào công giáo và luôn xác định, những người công giáo tốt cũng phải là những người công dân tốt; giáo dân phải tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đất nước để đạo giáo luôn đồng hành cùng đất nước, dân tộc. Chúng tôi gặp Linh mục Phạm Văn Toản, ở giáo xứ Xuân Diện, xã Hòa Bình (huyện Vĩnh Bảo) đi thực hiện quyền công dân tại điểm bỏ phiếu số 4, xã Hòa Bình, ông cho biết, cùng với mọi người dân, các giáo dân trong giáo xứ đều thấy hào hứng, phấn khởi tham gia bầu cử. Ông đã khuyên nhủ giáo dân sắp xếp thời gian, công việc bộn bề của mùa vụ thu hoạch thuốc lào để tham gia bỏ phiếu đầy đủ.

Trên các vùng biển Cát Bà, Đồ Sơn, cùng các khu du lịch, khu công nghiệp, công trường như Vsip, Nomura, Tràng Duệ, Đình Vũ, Cát Hải, các địa phương phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức chu đáo cho các cử tri là khách du lịch, bà con ngư dân khai thác hải sản trên biển, công nhân, người lao động trên các công trường, nhà máy tham gia bầu cử với tỷ lệ cao. Nhiều doanh nghiệp còn bố trí xe chở công nhân đến địa điểm bầu cử thực hiện quyền công dân một cách nhanh chóng, an toàn...

Đúng 7 giờ sáng 22-5, tại Nhà văn hóa tổ dân phố 14, khu vực bỏ phiếu số 4, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội, ngay sau khi các đại biểu và cử tri thực hiện nghi lễ chào cờ trang trọng, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội (QH), Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia (BCQG) đã bỏ lá phiếu đầu tiên bầu đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Sau đó, cụ Lê Thị Diệu Muội (94 tuổi), 77 năm tuổi đảng, cử tri cao tuổi nhất tổ dân phố 15, nhà 116 Đốc Ngữ; và các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Hoàng Bình Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư; và cử tri trẻ tuổi nhất Khổng Thị Hồng Ngân, 18 tuổi, lần đầu tiên đi bầu cử; cùng đông đảo cử tri trên địa bàn đã lần lượt bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân ngay sau khi hoàn tất công việc bầu cử, cụ Lê Thị Diệu Muội, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội thương, nguyên đại biểu QH, kỳ vọng cử tri cả nước sẽ lựa chọn ra những người xứng đáng đại diện cho nhân dân tham gia QH khóa tới. QH khóa XIV sẽ tiếp tục đổi mới, đạt nhiều kết quả hơn nữa trong các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Công dân trẻ Khổng Thị Hồng Ngân, học sinh lớp 12A5, THPT Phạm Hồng Thái, bày tỏ xúc động và háo hức khi lần đầu tiên đi bỏ phiếu. Em cho biết, đã tìm hiểu trước các thông tin về tiểu sử, quá trình công tác của các ứng viên để có quyết định lựa chọn những người có đức, có tài, có tâm để đóng góp trí tuệ và công sức của mình trong quá trình phát triển đất nước, cũng như nhiều hoạt động thiết thực trong QH, trong thành phố và tại cộng đồng nơi cư trú...

Sáng cùng ngày, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến kiểm tra công tác bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thăm và động viên cử tri là những công nhân, lao động (CNLĐ) tại tổ bầu cử số 8, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (TP Hà Nội). Tham dự đoàn kiểm tra, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng QH; Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Điểm bầu cử số 8 có 475 cử tri, trong đó có gần 400 cử tri là CNLĐ tới từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Thăm hỏi, động viên những cử tri khoác trên mình những bộ đồng phục đến từ các doanh nghiệp, công ty, thay mặt Hội đồng BCQG, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân chúc các công nhân bỏ phiếu nghiêm túc, trách nhiệm để chọn ra người có đức, có tài. Sau khi kiểm tra tại điểm bầu cử số 8, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm và tặng quà 10 gia đình CNLĐ đang sinh sống và làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Chủ tịch QH và các thành viên trong Đoàn đã tới kiểm tra công tác bầu cử tại hai tổ bầu cử thuộc phường Dịch Vọng Hậu, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Trả lời phóng viên báo chí, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Ngày 22-5 thật sự là ngày hội lớn của toàn dân. Mỗi người cầm thẻ cử tri trên tay và thực hiện thao tác bầu cử đều cảm thấy rõ trách nhiệm. Người dân đã thực hiện quyền dân chủ của mình và thực hiện nghĩa vụ công dân với Nhà nước và xã hội rất tốt. Một điều đáng mừng là cử tri rất quan tâm đến cuộc bầu cử, thể hiện sự cân nhắc, thận trọng trong chọn lựa đại biểu. Chủ tịch QH nêu rõ, điểm mới trong cuộc bầu cử lần này được thể hiện trong Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND là người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu... Theo đó, nếu những người chứng kiến thấy có vấn đề vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm phiếu có thể khiếu nại, tố cáo. Đây là điểm mới và đã được phổ biến nhằm triển khai nghiêm túc trên cả nước, bảo đảm tính công khai, công bằng của bầu cử.

Tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Láng Hạ (quận Đống Đa, TP Hà Nội), trước giờ khai mạc đã diễn ra chương trình văn nghệ đặc sắc do Đội văn nghệ của Hội Cựu chiến binh phường dàn dựng, biểu diễn mừng ngày hội non sông. Nhiều cử tri quan tâm đến cuộc bầu cử đã đến từ rất sớm để tham dự lễ khai mạc và thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Đợt bầu cử này, khu vực bỏ phiếu số 4 phường Láng Hạ có 2.890 cử tri tham gia bỏ phiếu. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội là công dân của địa phương tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân tại khu vực bầu cử này. Phát biểu ý kiến với các cử tri sau khi thực hiện quyền bầu cử của mình, đồng chí cho biết: Lâu nay, khi theo dõi các cuộc họp QH, các kỳ họp HĐND các cấp, chúng ta đều mong muốn các cơ quan lập pháp hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng hơn, các đại biểu gần gũi với cuộc sống và phản ánh những tâm tư, suy nghĩ của người dân trong nghị trường.

Tại khu vực bỏ phiếu số 1, phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), cụ bà Nguyễn Thị Ghẽ là mẹ liệt sĩ, nhà ở phố Chợ Gạo, năm nay đã 101 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn, từ sáng sớm hôm nay đã nhắc con cháu đưa cụ đi thực hiện quyền công dân. Cụ Ghẽ đã tham gia bỏ phiếu 14 kỳ bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp, từ ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946 cho đến nay.

Các trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội đã phối hợp tổ bầu cử lập ngay điểm bầu cử tại trường, tạo điều kiện để các cử tri là sinh viên bỏ phiếu. Đến hơn 9 giờ sáng, hơn 90% số cử tri là sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ công dân. Tại các khu công nghiệp tập trung nhiều lao động tỉnh ngoài, các doanh nghiệp tạo điều kiện để công nhân lao động đi bầu cử ngay tại địa bàn. Ủy ban bầu cử phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) kết hợp các bệnh viện: Hữu Nghị, Trung ương Quân đội 108, Việt-Đức, Ung bướu Trung ương, Phụ sản Trung ương… đưa hòm phiếu đến tận giường người bệnh đang điều trị tại đây. Tại các bến xe khách Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, các đơn vị hướng dẫn cử tri vãng lai tới các điểm bỏ phiếu do Ủy ban bầu cử các phường bố trí ở các điểm gần bến xe.

Không khí ngày bầu cử tại khu vực ngoại thành Thủ đô rộn ràng. Tại một số điểm bầu cử của các xã miền núi thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn đã khai mạc từ 5 giờ 30 phút, giúp cử tri có thể thực hiện xong sớm quyền công dân của mình để tiếp tục công việc đồng áng. Tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), cử tri nô nức đi bầu cử từ đầu giờ sáng trước khi mở cửa hàng kinh doanh. Theo Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Ninh Hiệp Nguyễn Văn Tuấn, đến 11 giờ, hơn 79% số cử tri của xã đã đi bầu cử.

Trung tâm Thông tin bầu cử TP Hà Nội thông báo, đến 11 giờ ngày 22-5, tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 3.724.997 người, đạt 71,58%. 83 khu vực bỏ phiếu có 100% số cử tri đi bầu cử.

Dù rạng sáng 22-5, TP Hồ Chí Minh có mưa khá lớn, kéo dài và đến 6 giờ sáng vẫn còn sương mù, nhưng gần thời điểm bỏ phiếu, bầu trời tại thành phố mang tên Bác hừng lên những tia nắng ấm. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc, băng-rôn, áp-phích hồng rực đường phố, tại các khu vực bỏ phiếu… Trong rực rỡ sắc màu của sáng chủ nhật thanh bình, hơn 5,2 triệu cử tri của TP Hồ Chí Minh, với trang phục trang trọng, hồ hởi đến các phòng phiếu nơi mình cư trú để thực hiện quyền công dân thiêng liêng, gửi gắm nguyện vọng và niềm tin của mình vào mỗi lá phiếu bầu.

Tại khu vực bỏ phiếu số 021, phường Bến Nghé, quận 1, cử tri Nguyễn Hoàng Thúy Vy, sinh năm 1997 cho biết, đây là lần đầu tham gia sự kiện lớn của đất nước, vì vậy có chút hồi hộp, nhưng tự tin cho rằng, sẽ “trao quyền” cho những người chăm lo việc làm ổn định cho thanh niên và đưa thành phố, đất nước phát triển ổn định. Khu vực bỏ phiếu số 87, phường 17, quận Phú Nhuận, hàng trăm cử tri là đồng bào Chăm, với trang phục dân tộc nhiều sắc màu, phụ nữ thướt tha trong những bộ áo dài, đầu quấn khăn voan… nổi bật trong dòng cử tri đi bỏ phiếu. Chị Ka Rim, sinh năm 1995, lần đầu được cầm lá phiếu để chọn lựa người đại diện quyền lợi cho mình, mong rằng, các đại biểu khi được bầu cần có chính sách ưu tiên bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc nhiều hơn.

Nhộn nhịp nhất là khuôn viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, thuộc phường 8, quận 3, tại đây bốn khu vực bỏ phiếu (từ 54 đến 57), suốt từ lúc mở cửa đến khoảng 10 giờ 30 phút sáng, những hàng dài cử tri chờ đến lượt bỏ phiếu của mình, gia đình ông Phan Minh Xuân, 80 tuổi, ngụ tại đường Pasteur, cả ba thế hệ cùng đi bỏ phiếu. Ông Xuân chia sẻ “mình còn khỏe, minh mẫn thì phải trực tiếp bỏ phiếu để thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ công dân của mình”. Còn bà Phạm Thị Hồng Phúc, 71 tuổi, sống tại hẻm 27 Huỳnh Tịnh Của, cho biết dù chân yếu và phải đi xe đẩy, nhưng vẫn quyết tâm nhờ người nhà dẫn đến tận phòng bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân và gửi ý chí của mình vào người mình tâm huyết…

Bác Nguyễn Văn Út, năm nay đã 70 tuổi, tại khu vực bỏ phiếu số 6, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức cho biết, đã đi bầu cử rất nhiều lần, nhưng đây là cuộc bầu cử quy mô lớn nhất. Các ứng cử viên có trình độ cao và các cuộc tiếp xúc cử tri ngày càng thực chất hơn. Các kiến nghị, bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường, giáo dục, y tế đã được các đại biểu ghi nhận và phản ánh đến các cơ quan chức năng; các cơ quan chức năng cũng đã nhanh chóng giải quyết chứ không còn tình trạng ghi nhận, hứa nhưng không hoặc chậm giải quyết.

Tại khu vực bỏ phiếu số 97, phường 15, quận 10, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đã đến dự lễ khai mạc và bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình. Kiểm tra công tác bầu cử tại tổ bầu cử số 41, phường 6, quận 3, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao về công tác chuẩn bị cho bầu cử và cho rằng đa số cử tri của thành phố đều kỳ vọng, tin tưởng vào các đại biểu sau khi được bầu phải nói đi đôi với làm; thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

Tại khu vực bỏ phiếu số 82, phường 15, quận Phú Nhuận, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã thực hiện quyền công dân của mình và bỏ lá phiếu đầu tiên. Đồng chí Võ Văn Thưởng cảm nhận: “Không khí tại TP Hồ Chí Minh ngày hôm nay rất đặc biệt, đúng là ngày hội lớn của toàn dân” và hy vọng người dân sẽ lựa chọn được người có đủ điều kiện để hoạt động trong cơ quan dân cử, đại diện cho mình trong các quyết định liên quan đến vận mệnh của địa phương, đất nước. Tại khu vực bầu cử số 115, phường 11, quận Tân Bình, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã bỏ phiếu bầu. Đồng chí lưu ý, cử tri cần cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi quyết định để bầu ra những người có tâm, có tầm, có năng lực, đủ đức, đủ tài để phục vụ lợi ích của nhân dân. Tại khu vực bỏ phiếu số 51, phường 7, quận 3, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có mặt tại điểm bỏ phiếu và là công dân đầu tiên thực hiện quyền bầu cử tại điểm bầu cử này. Tranh thủ thời gian trước lúc bỏ phiếu, đồng chí đã thăm hỏi cử tri và cán bộ phường 7. Bí thư Thành ủy chia sẻ, đồng chí rất vui vì lần đầu tiên bỏ phiếu bầu cử đại biểu QH khóa XIV và HĐND các cấp tại TP Hồ Chí Minh, với tư cách công dân của thành phố này.

Hòa cùng ngày hội của đất nước, khoảng 7 giờ 30 phút, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cùng các tăng, ni ở Chùa Minh Đạo đã tới khu vực bầu cử số 60, phường 9, quận 3 để chọn người xứng đáng lãnh đạo đất nước cũng như HĐND các cấp. “Thông qua đợt bầu cử này, mong muốn của chúng tôi là hy vọng sẽ có một thế hệ lãnh đạo mới cho đất nước, lo cho dân, cho nước, trong đó có các tăng, ni, Phật tử", Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nói. Cùng thời gian này, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã đến khu vực bỏ phiếu số 41 để thực hiện quyền công dân của mình, đồng thời khẳng định tất cả những giáo dân cũng là công dân, cho nên phải có nghĩa vụ với đất nước, thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và mong muốn đất nước chọn ra những đại biểu có tài, có đức.

Bà Ngô Thị Huệ, cử tri 99 tuổi, vẫn nhờ người thân đẩy xe lăn đến khu vực bầu cử số 51, phường 7, quận 3 để bỏ phiếu. Bà xúc động nói: “Nếu ngồi tại nhà để chờ mang thùng phiếu đến thì tôi đâu có chứng kiến không khí vui và hạnh phúc như vậy. Tôi muốn đến tận tổ bầu cử số 51 thực hiện trách nhiệm bầu cử. Đó cũng là một cách để chung tay xây dựng TP Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước ngày càng văn minh, hiện đại”.

Nô nức ngày hội non sông ảnh 3

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 11, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ảnh: VĂN SƠN (TTXVN)

Tại TP Đà Nẵng, hơn 697 nghìn cử tri toàn thành phố Đà Nẵng nô nức đến 538 khu vực điểm bầu cử để thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền và lợi ích của mình. Tại tổ bầu cử số 4, phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), là cử tri đầu tiên thực hiện quyền công dân, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bày tỏ tin tưởng, tất cả cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn ra những người có đức, có tài, giải quyết tốt những vấn đề quốc kế dân sinh, hoạch định chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm tới.

Tại tổ bầu cử số 4, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ngư dân Mai Văn Nhiều, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá của phường cho biết: Tất cả các tàu cá của phường đều về bờ, để ngư dân trên tàu thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với đất nước. Ông Mai Văn Nhiều khẳng định: Tôi đã đọc rất kỹ tiểu sử, lý lịch từng ứng cử viên đại biểu QH và HĐND các cấp, rồi trò chuyện, trao đổi với anh em bạn nghề, với những người chung quanh, để lựa chọn những đại biểu gần dân, biết chăm lo cho dân, đặc biệt là quan tâm đến ngư dân, đến công cuộc phát triển kinh tế, luôn hỗ trợ ngư dân ra khơi đánh bắt, vừa nâng cao đời sống vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp diễn ra thành công, đúng luật định, trong ngày 21-5, Tổng đài hành chính công Đà Nẵng 1022 đã gửi 20 nghìn tin nhắn qua điện thoại di động đến người dân thành phố với nội dung “Ngày 22-5-2016, kính mời cử tri đi bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021”. Ủy ban Bầu cử Đà Nẵng cũng đã bố trí Trung tâm thông tin về công tác bầu cử để cung cấp, cập nhật số liệu về tình hình bầu cử trên địa bàn thành phố.

Bầu cử QH khóa XIV và HĐND các cấp năm nay, TP Cần Thơ có gần một triệu cử tri tham gia bỏ phiếu ở hơn 1.000 tổ bầu cử. Sáng 22-5, mặc dù TP Cần Thơ có mưa lớn, kéo dài nhưng rất đông cử tri ở chín quận, huyện của thành phố đội mưa, nô nức đến các điểm bầu cử. Cử tri Nguyễn Văn Bảy, ở ấp Trường Thuận A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ vui mừng nói: “Tôi mong muốn, đợt bầu cử này, các ứng cử viên trúng cử đại biểu QH, HĐND các cấp phải thật sự gần dân, lắng nghe, giải đáp những tâm tư, nguyện vọng của dân".

Tại Trường đại học Cần Thơ, có hơn 26 nghìn cử tri là sinh viên đăng ký bầu cử tại trường. Từ sáng sớm rất đông sinh viên đến 13 điểm bỏ phiếu trong khuôn viên trường đi bầu cử. Nhiều sinh viên rất háo hức xen lẫn hồi hộp vì lần đầu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Đối với cử tri đang nằm điều trị tại các bệnh viện và người nhà bệnh nhân, cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, Ủy ban Bầu cử TP Cần Thơ chỉ đạo tổ bầu cử sử dụng thùng phiếu dự phòng mang đến tận giường bệnh, phòng giam để mọi người thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cho công nhân nghỉ hoặc bố trí thời gian thích hợp để tham gia bầu cử. Theo Ủy ban Bầu cử TP Cần Thơ, công tác bầu cử diễn ra trật tự, an toàn, đúng pháp luật. Tại các điểm bỏ phiếu, cử tri hăng hái đi bầu cử rất sớm. Tính đến 15 giờ cùng ngày, TP Cần Thơ có hơn 95,7% cử tri đi bầu trong đó có 531/1.003 tổ bầu cử có 100% cử tri đi bầu.

Nô nức ngày hội non sông ảnh 4

Cử tri xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: HẢI CHUNG

Sáng 22-5, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang “Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến” hân hoan đến các điểm bỏ phiếu. Toàn tỉnh Tuyên Quang có 1.416 tổ bầu cử. Từ 6 giờ 40 phút đến 7 giờ 30 phút, các điểm bỏ phiếu đã tổ chức lễ khai mạc với hình thức trang trọng, đúng quy định.

Đúng 7 giờ, tổ trưởng các tổ bầu cử tuyên bố bắt đầu cuộc bỏ phiếu và cho cử tri bỏ phiếu liên tục. Thành viên tổ bầu cử hướng dẫn tận tình, chu đáo, đúng quy định bảo đảm cử tri thực hiện việc bỏ phiếu nhanh chóng thuận lợi.

Chúng tôi về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, cái nôi của cách mạng Việt Nam. Là người con của quê hương cách mạng và đã từng vinh dự được đi theo đoàn đại biểu ra chúc mừng Quốc dân Đại hội Tân Trào năm 1945, cử tri Hoàng Ngọc, dân tộc Tày, 79 tuổi tại thôn Tân Lập gửi gắm đến các đại biểu trúng cử lần này sẽ thay mặt người dân nói lên những tâm tư, nguyện vọng, đóng góp ý kiến trước QH để có những kế hoạch, giải pháp nâng cao mọi mặt đời sống, xã hội để người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn. Cử tri Nguyễn Thị Hồng Trâm, thôn Tân Lập, xã Tân Trào tâm sự: Đây là lần đầu tiên em tham gia bầu cử, em rất vinh dự và háo hức khi được tham gia đợt bầu cử này. Và em mong rằng những người được trúng cử vào đợt này sẽ mang lại nhiều lợi ích, quyền lợi cho người dân và phát triển kinh tế xã hội hơn.

Cũng như các xã trong toàn tỉnh, xã Yên Lâm (huyện Hàm Yên) - một xã có đa số đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có những thôn 100% là đồng bào dân tộc Mông, tất cả đều ý thức rõ về quyền lợi của mình, hăng hái đi bầu cử từ sáng sớm. Là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nhưng, xã Yên Lâm đã chuẩn bị chu đáo đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho ngày bầu cử. Tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương có 5.720 cử tri, phần lớn là đồng bào công giáo. Không khí trong ngày bầu cử diễn ra sôi nổi, cử tri là đồng bào công giáo đã có mặt tại các khu vực bầu cử từ sáng sớm. Ngay trong buổi sáng đã có gần 100% cử tri đi bỏ phiếu...

Nô nức ngày hội non sông ảnh 5

Cử tri phường Hưng Bình, TP Vinh (Nghệ An) đi bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 6. Ảnh: MINH THƯ

Ngày 22-5, hơn 2,1 triệu cử tri của Nghệ An đồng loạt đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại gần bốn nghìn điểm bầu cử trên toàn tỉnh.

Sau lễ khai mạc trang trọng, đúng 7 giờ, các cử tri bắt đầu bỏ phiếu và ngay trong buổi sáng đã có hơn 80% số cử tri đi bầu. Tất cả ở 16 phường, chín xã, các khu vực bỏ phiếu TP Vinh, điểm bầu cử nào cũng được trang hoàng đẹp đẽ, rợp cờ hoa. Trường đại học Vinh có 1.435 cử tri bỏ phiếu tại điểm bầu cử này, trong đó có 1.000 sinh viên nội trú lần đầu được tham gia bầu cử.

Tổ bầu cử số 5 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, nằm ở địa bàn xã Nghi Kim, TP Vinh có 727 cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Do yêu cầu bảo đảm an ninh cho việc bầu cử cũng như công tác quản lý các bị can, Tổ bầu cử số 5 đã chuẩn bị năm thùng phiếu. Trong đó có một thùng phiếu phục vụ cho việc bầu cử tập trung, bốn thùng phiếu di động được thành viên tổ bầu cử đưa vào tận buồng giam để cử tri bỏ phiếu tại đây. Đến 9 giờ, toàn trại giam đã có 100% cử tri đi bầu.

Điểm bầu cử số 5 thuộc xóm 9 xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc có 1.458 cử tri đều là giáo dân. Trong đó, gần một nửa số cử tri thuộc các tổ chức tôn giáo của Tòa giám mục giáo phận Vinh. Buổi sáng, sau lễ Chúa nhật hằng tuần, các cử tri đã tập trung đông đủ về nhà văn hóa xóm. Tại đây, Linh mục Võ Thanh Tâm, nguyên Tổng đại diện Tòa giám mục giáo phận Vinh cùng các vị linh mục, các chủng sinh Đại chủng viện Vinh Thanh, các nữ tu dòng Mến thánh giá, nữ tu dòng Thừa sai bác ái, nhân viên Phòng khám đa khoa Tòa giám mục Vinh đã dự lễ khai mạc bầu cử. Sau lễ khai mạc, Linh mục Võ Thanh Tâm là người đầu tiên bỏ lá phiếu của mình để bầu đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp. Theo báo cáo nhanh của Ủy ban bầu cử xã Nghi Diên, 7/7 điểm bầu cử trên địa bàn xã đều diễn ra an toàn, đúng luật. Đến 11 giờ 30 phút, toàn xã có 85% cử tri đi bầu.

Ngay trong buổi sáng cùng ngày, 85.395 cử tri ở 184 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn của huyện Quỳ Hợp đã nô nức đến các điểm bỏ phiếu trong không khí trang nghiêm và niềm phấn khởi. Chín xã vùng biển Diễn Châu có gần 60 nghìn cử tri. Đặc biệt tại hai xã Diễn Bích và Diễn Ngọc có tới 650 tàu thuyền với 5.000 cử tri là ngư dân thường xuyên bám biển. Tuy nhiên, với việc làm tốt công tác tuyên truyền nên ngay từ sớm ngày 22-5, rất đông ngư dân và bà con vùng biển Diễn Châu trong trang phục chỉnh tề đã có mặt tại các điểm bỏ phiếu.

Theo Ủy ban Bầu cử tỉnh, 145 khu vực bầu cử sớm của Nghệ An đã hoàn thành việc bỏ phiếu với tỷ lệ khá cao, trong đó 140/145 khu vực có 100% cử tri đi bỏ phiếu; 5 khu vực còn lại gồm hai khu vực của huyện Tương Dương và ba khu vực của huyện Quế Phong tỷ lệ nơi bỏ phiếu cao nhất là 99,63% và nơi thấp nhất là 86,43%.

Cùng với cả nước, sáng qua, hơn 30 vạn cử tri tỉnh Kon Tum đã nô nức đi bỏ phiếu bầu đại biểu QH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Có mặt tại điểm bầu cử từ rất sớm, già làng A Hlut làng Plây Tơ Nghia phường Quang Trung, TP Kon Tum cho biết: "Từ gần một tháng nay, đội cồng chiêng của làng đã thường xuyên luyện tập để chuẩn bị biểu diễn cho ngày hội bầu cử hôm nay. Dân làng Plây Tơ Nghia tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, mong cuộc bầu cử lần này sẽ chọn lựa được những người có đức, có tài".

Tại xã biên giới Mô Ray, huyện Sa Thầy, cử tri A Blong, 76 tuổi ở làng Xộp thuộc xã biên giới Mô Ray, huyện Sa Thầy vui mừng nói: Ngày bầu cử năm nay càng vui hơn khi giá bời lời, cao-su đang cao hơn năm ngoái. Chào mừng ngày bầu cử, dân làng Xộp phát dọn vệ sinh đường làng, nhà rông sạch sẽ. Mọi người đi làm rẫy ở xa đều đã tập trung về làng để đi bầu cử đầy đủ.

Tại huyện Tu Mơ Rông, đến 9 giờ sáng đã có hơn 80% cử tri thực hiện xong việc bỏ phiếu của mình. Ông A Dân, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện Tu Mơ Rông cho biết: Là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum nhưng cuộc bầu cử lần này huyện Tu Mơ Rông không xin bầu cử sớm vì đường giao thông đến các xã đều đã được bê-tông hóa đi lại thuận lợi. Đây là nét mới trong cuộc bầu cử lần này ở Kon Tum.

Hòa chung với niềm hân hoan của cả nước, sáng sớm 22-5, tại Ấp Mũi của xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), nằm tận cùng cực nam Tổ quốc, từ mờ sáng, cư dân đã tụ hội về điểm bỏ phiếu trong không khí hồ hởi, hân hoan. Thuộc Tổ bầu cử số 16, với 892 cử tri nhưng Ấp Mũi vinh dự được xã Đất Mũi (đơn vị bầu cử số 7 của huyện Ngọc Hiển) chọn chỉ đạo điểm bỏ phiếu. Ông Nguyễn Văn Đá, một trong những cử tri ở Ấp Mũi, nói: “5 năm mới có một ngày trọng đại như thế này, cở nào tôi cũng có mặt để bầu chọn người hiền cho đất nước. Bởi vậy, tôi đến từ hơn 6 giờ sáng tới giờ, chờ đến lượt bỏ phiếu”.

Nô nức ngày hội non sông ảnh 6

Các nhà sư chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ (Thới Bình, Cà Mau) bỏ phiếu bầu cử. Ảnh: HỮU TÙNG

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến cho biết, nằm xa nhất và là một trong sáu huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, Ngọc Hiển có bảy đơn vị bầu cử, 100 tổ bầu cử, 105 điểm bỏ phiếu với hơn 50 nghìn cử tri. Riêng tại Đất Mũi, có 16 tổ bầu cử với 9.408 cử tri. “Nhờ thông xe đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi, giao thông thuận lợi nên cử tri đi bỏ phiếu đông đủ” - ông cho biết.

Tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), miền biển sầm uất nhất của tỉnh Cà Mau, chính quyền địa phương cho biết cử tri đi bầu đông đúc, nhiều ngư dân làm công trên tàu khai thác, các ngư dân canh giữ đáy hàng khơi cũng trở vào đất liền từ mờ sáng để tham gia bỏ phiếu.

Chung tay giúp cử tri tham gia bầu cử, tại huyện có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất của tỉnh Cà Mau là Đầm Dơi, giao thông phổ biến bằng đường thủy, đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong ngày bầu cử diễn ra, có hơn 20 điểm bầu cử được cắt cử lực lượng dùng võ máy để đưa, rước cử tri đi bỏ phiếu. “Huyện hỗ trợ nhiên liệu để tổ chức đưa rước cử tri ở những vùng chưa có đường bộ, hoặc có đường đất đen nhưng gặp trời mưa đi lại khó khăn, để cử tri nào cũng được tham gia bỏ phiếu”. Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần chia sẻ.