Đồng chí Trần Sơn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa:

Nỗ lực để Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch của cả nước

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Khánh Hòa - xứ “trầm hương, biển yến”, có lợi thế được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, địa lý, cảnh quan với ba vịnh đẹp nổi tiếng cùng 200 đảo ven bờ... để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch. Thời gian qua, tỉnh đã khai thác thế mạnh này như thế nào?

Nỗ lực để Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch của cả nước

Đồng chí Trần Sơn Hải: Du lịch được Khánh Hòa xác định là ngành kinh tế mũi nhọn có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-du lịch, công nghiệp xây dựng và nông, lâm, thủy sản của tỉnh. Các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, 16 và 17 liên tục khẳng định quan điểm này, và Khánh Hòa đã tập trung nhiều nguồn lực phát triển du lịch trong nhiều năm qua, có định hướng đến năm 2020. Khánh Hòa đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào du lịch, trong đó có những tập đoàn quản trị, kinh doanh khách sạn nổi tiếng thế giới.

Các loại hình sản phẩm du lịch của Khánh Hòa đa dạng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Hiện toàn tỉnh có 611 cơ sở lưu trú với 20.267 phòng, trong đó 75 khách sạn từ ba sao đến năm sao (10.623 phòng); 194 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó 35 doanh nghiệp lữ hành quốc tế... Một số khu du lịch đủ điều kiện đã đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa-thể thao du lịch tầm quốc gia và quốc tế... Các chỉ tiêu về du lịch của Khánh Hòa luôn vượt kế hoạch và có sự tăng trưởng bền vững, bình quân 15% đến 25%/năm. Giai đoạn 2010-2015 Khánh Hòa đón gần 15 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế hơn 3,5 triệu lượt, đem lại doanh thu thuần về du lịch hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, du lịch Khánh Hòa vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thiếu cán bộ quản lý giỏi, lao động có tay nghề cao và thông thạo ngoại ngữ; công tác xúc tiến quảng bá du lịch hiệu quả chưa cao.

PV: Theo đồng chí, để trở thành trung tâm du lịch của cả nước với sức cạnh tranh cao, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Khánh Hòa cần giải pháp trọng tâm nào, cũng như có đề xuất gì với Trung ương?

Đồng chí Trần Sơn Hải: Theo quy hoạch được Trung ương phê duyệt, Khánh Hòa là một trong bảy khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch quốc gia, có vị trí quan trọng đặc biệt của hệ thống tuyến, điểm, khu, trung tâm du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó phát triển đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm gắn với mở rộng thị trường du lịch là giải pháp trung tâm, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và Nha Trang - Khánh Hòa nhanh chóng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước theo Kết luận số 53-KL/TW (ngày 24-12-2012) của Bộ Chính trị khóa XI.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho ngành du lịch có bước phát triển đột phá. Ưu tiên khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí hiện đại; thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Khu Kinh tế Vân Phong. Từng bước hình thành, mở rộng loại hình du lịch biển, đảo xa bờ. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý môi trường du lịch; xây dựng cảnh quan, quản lý phát triển không gian văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân... để bảo đảm thương hiệu du lịch Khánh Hòa - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện. Chúng tôi sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp dịch vụ du lịch để nắm bắt và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của họ. Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khánh Hòa cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, như: Đầu tư để cảng Nha Trang thành cảng biển du lịch tiêu chuẩn quốc tế; mở rộng Sân bay quốc tế Cam Ranh; nâng cấp mạng lưới cấp điện, nước sạch, hệ thống thông tin liên lạc, thoát nước, xử lý nước thải... Đồng thời phát triển sản phẩm, loại hình du lịch chất lượng cao, mang nét đặc trưng Khánh Hòa, chú trọng phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với biển, đảo; trong đó có du lịch MICE, thể thao mạo hiểm, về nguồn, du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng...

Để du lịch có cơ hội phát triển nhanh, bền vững, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư cho các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch và được xác định là những trung tâm du lịch của cả nước; sớm có chủ trương khai thác tốt thị trường du lịch Cộng đồng ASEAN; tiếp tục chính sách về thị thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách nước ngoài.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.