Những chiến công tiêu biểu của Hải quân Việt Nam

Những chiến công tiêu biểu của Hải quân Việt Nam

1. Đánh đuổi tàu chiến Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc (năm 1964)

Trước nguy cơ thất bại của Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Tổng thống Mỹ Johnson đã quyết định đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và tăng cường phá hoại miền Bắc Việt Nam. Trung tuần tháng 4-1964, Mỹ lên kế hoạch ném bom 94 mục tiêu ở miền Bắc. Đêm ngày 31-7-1964, rạng sáng 1-8, tàu khu trục Ma Đốc của Mỹ đã tiến sâu vào vùng biển Việt Nam và gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân ta. 

Với quyết tâm trừng trị kẻ xâm phạm, ngày 2-8-1964, các tàu phóng lôi 333, 336, 339 đã xuất kích, anh dũng chiến đấu, buộc tàu Ma Đốc phải tháo chạy ra khỏi hải phận vùng biển miền Bắc. 

Đêm 8-4-1964, Chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo HQNDVN cố ý tiến công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế. Ngày 5-8-1964, Mỹ dùng không quân tập kích ác liệt vào lực lượng HQNDVN từ Sông Gianh, Cửa Hội, Lạch Trường đến Bãi Cháy, nhằm tiêu hao lượng tàu chiến đấu, quân cảng, kho tàng, nhiên liệu của ta. Trong trận đầu thử lửa, HQNDVN đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không quốc gia, công an vũ trang, dân quân tự vệ các địa phương, đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ, bắn rơi tám máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, và bắt sống viên phi công Mỹ đầu tiên ở miền Bắc. 

Chiến thắng ngày 2 và 5-8-1964 là thắng lợi có ý nghĩa về chính trị, gây tiếng vang lớn trên thế giới của quân và dân Việt Nam, mãi mãi trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của HQNDVN. 

2. Góp phần làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN

Bị thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, nhằm phá hủy tiềm năng kinh tế - quốc phòng và ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với chiến trường miền Nam. 

HQNDVN đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt đã chiến đấu anh dũng 716 trận, bắn rơi 118 máy bay, bắn bị thương 102 lần chiếc, bắn chìm và bị thương 45 tàu thuyền của địch, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. 

3. Đánh bại chiến dịch phong tỏa thủy lôi trên sông, biển

Với quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, HQNDVN trở thành lực lượng nòng cốt, trực tiếp tháo gỡ, rà phá, làm mất hiệu lực 2400 quả thủy lôi, mở tuyến thông luồng trên hầu hết các cửa sông, cửa biển và hải cảng cho tàu thuyền của ta vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của địch. 

4. Mở đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông chi viện cho miền Nam

Để chi viện cho cách mạng miền Nam, cùng với Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn. Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125) được thành lập để mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong suốt 14 năm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, HQNDVN đã chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, mưu trí vượt qua các tuyến bao vây, phong tỏa, đối phó với từng thủ đoạn của địch; sáng tạo nhiều phương thức hoạt động độc đáo, táo bạo; hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi thuộc các tỉnh ven biển miền Nam, đến tận cùng của đất nước và sát cửa ngõ Sài Gòn; vận chuyển kịp thời và đúng thời cơ hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, hàng chục ngàn lượt người đến những chiến trường khó khăn nhất, nơi mà con đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới. Đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông mãi mãi trở thành con đường huyền thoại, là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam. 

5. Huấn luyện Đặc công nước, lập chiến công Cửa Việt – Đông Hà

Để tiến công địch trên chiến trường sông biển miền Nam, đánh phá các căn cứ hậu cần, kho tàng, hải cảng, triệt phá các đường giao thông thủy bộ quan trọng, tạo thế bao vây quân Mỹ, ngụy, HQNDVN đã đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện cán bộ, chiến sĩ đặc công nước chi viện cho các chiến trường và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt – Đông Hà. 

HQNDVN đã huấn luyện, đào tạo, bổ sung cho các chiến trường miềN Nam được hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ đặc công. Trong 7 năm, chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt – Đông Hà đặc công Hải quân đã đánh 300 trận; đánh chìm, đánh hỏng 336 tàu xuồng chiến đấu, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Góp phần cùng các lực lượng trên khắp chiến trường miền Nam đánh chìm, đánh hỏng 4.473 tàu thuyền, đánh sập hàng trăm cầu cống, vật chất phục vụ chiến tranh, cùng quân dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. 

6. Giải phóng Quần đảo Trường Sa, góp phần xứng đáng vào Đại thắng mùa Xuân 1975

Tham gia chiến dịch mùa Xuân năm 1975, HQNDVN đã huy động đến mức cao nhất lực lượng tàu thuyền chiến đấu và vận tải để đưa gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu, chở pháo, xe tăng, vũ khí các loại từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Dùng tàu chiến thả thủy lôi ở cửa biển Thuận An – Bán đảo Sơn Trà để chặn địch tháo chạy ra biển, góp phần tạo điều kiện để các đơn vị bộ binh giải phóng các thành phố, các tỉnh ven biển, tiếp quản căn cứ Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh. 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn 125 và Đoàn Đặc công 126 Hỉa quân cùng bộ đội Quân khu V, với tinh thần thần tốc, táo bạo, bất ngờ đã giải phóng Quần đảo Trường Sa. 

7. Bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế

Chỉ sau ba ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bè lũ Pol pot- Ieng Sary đã xua quân tiến công Đảo Phú Quốc, Thổ Chu và tàn sát, bắt đi hàng trăm dân thường Việt Nam. Đến năm 1978, cuộc xung đột biên giới đã trở thành cuộc chiến tranh thực sự. 

Trên hướng biển Tây Nam, HQNDVN đã cùng các quân binh chủng tiến hành các cuộc chiến đấu trên hướng chiến lược quan trọng của chiến dịch, cùng các lực lượng tiêu diệt 1.241 tên địch, bắt sống và gọi hàng 1.680 tên, giải phóng 12.300 dân, đánh chìm 27 tàu chiến, góp phần giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh, thành phố Cô Công, các vùng biển Campuchia, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. 

Từ năm 1976 – 1988, HQNDVN đã giúp bạn Lào tổ chức xây dựng lực lượng, đào tạo huấn luyện hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và thợ kỹ thuật, giúp bạn đóng mới một số tàu vận tải, bảo đảm kỹ thuật và viện trợ 14 tàu PBR, 33 tấn phụ tùng, sửa chữa 97 tàu, trang bị hàng chục máy công cụ, khôi phục Xưởng Chi-nai-mô, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Quân đội và nhân dân hai nước Việt – Lào. 

8. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa trong thời kỳ mới

Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, HQNDVN tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, xây dựng Quân chủng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ Quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định của đất nước và khu vực, góp phần vào thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc trong thời kỳ CNH, HĐH. Luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân cả nước.

Quá trình ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam

Chiến dịch Đông xuân năm 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Hòa bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương, nhưng đất nước ta vẫn còn bị chia cắt làm hai miền: Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đi lên CNXH; miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc. Bảo vệ chủ quyền, quản lý chặt chẽ một dải bờ biển miền Bắc dài hơn 800 km từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17 là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Từ cuối tháng 7 năm 1954, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ thị cho Cục Tác chiến tổ chức một bộ phận chuyên theo dõi tình hình mọi mặt ở vùng biển, nghiên cứu, chuẩn bị đề án, xây dựng lực lượng bảo vệ vùng biển. 

Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ biển (tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam). Việc ra đời của Cục Phòng thủ bờ bể đã mở đầu cho thời kỳ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của HQNDVN. Từ đó, ngày 7-5-1955 đã trở thành ngày thành lập HQND Việt Nam. 

Quá trình chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Quân chủng Hải quân đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND (13-12-1989), được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (1985), Huân chương Hồ Chí Minh (1979), hai Huân chương Độc lập (hạng Nhất năm 2000, hạng Nhì năm 1965), ba Huân chương Quân công (Hạng nhất 1984 và hai hạng Nhì năm 1964 và 1983), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1963); 64 lượt Đơn vị AHLLVTND, Anh hùng Lao động và 34 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động; 6.937 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng.

Xuân Bách
(Nguồn: Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Hải quân)