Nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

* Hỗ trợ xây, sửa nhà cho hàng nghìn gia đình người có công

Chủ tịch nước vừa có Quyết định số 1097/QĐ-CTN Về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020). Theo đó, tặng quà cho đối tượng có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm năm nay cụ thể như sau: Mức quà 400 nghìn đồng tặng người có công với cách mạng, gồm: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và những cá nhân đã có quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trước ngày 28-7-2020 nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và đối tượng là thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng; thân nhân hai liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Mức quà 200 nghìn đồng tặng người có công với cách mạng, gồm: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; và đại diện thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân).

* Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 8.500 hộ người có công được nhận hỗ trợ, trong đó gần 3.900 hộ được hỗ trợ xây mới và hơn 4.500 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở với tổng số kinh phí hơn 246 tỷ đồng. Số hộ người có công theo Đề án được phê duyệt, thẩm tra nhưng chưa được hỗ trợ còn hơn 1.860 hộ, gồm hơn 1.000 hộ xây mới và 860 hộ sửa chữa. Trong đó, hơn 1.000 hộ có tên trong Đề án không đủ điều kiện hỗ trợ, 262 hộ có tên trong Đề án không có nhu cầu hỗ trợ, 276 hộ xin lùi thời gian hỗ trợ… Đến đầu năm 2020, theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thành phố, thị xã, toàn tỉnh còn 277 hộ cần hỗ trợ phát sinh ngoài Đề án được phê duyệt, thẩm tra.

Ngoài chương trình hỗ trợ nhà cho người có công theo Quyết định số 22, còn nhiều chương trình khác như: Nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, các dự án tài trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cho người có công trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2013 đến nay, Quyết định số 22 đã được tỉnh tiến hành theo đúng quy trình, hướng dẫn, bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng đơn thư kiến nghị. Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, quan tâm đến đời sống người có công với cách mạng.

* Sáng 12-7, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam (15-7-1950 - 15-7-2020) và gặp mặt Đội TNXP N43 nhân dịp 55 năm thành lập.

Tham gia chương trình có đại diện lãnh đạo T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Cựu TNXP Việt Nam, Thành ủy, các sở, ban, ngành, Hội Cựu TNXP thành phố Hà Nội, Ban liên lạc Đội TNXP, 350 thành viên, cùng đại diện thân nhân gia đình 48 liệt sĩ của Đội N43. Tại chương trình, hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đại diện tuổi trẻ Thủ đô trao tặng 23 công trình nhà nhân ái tới các gia đình chính sách tại các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức và Thanh Trì, thể hiện sự tri ân, thực hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đối với các gia đình chính sách và cựu TNXP. Đồng thời, Ủy ban MTTQ thành phố, Thành đoàn Hà Nội trao 48 suất quà tặng các gia đình liệt sĩ. Dịp này, các thành viên Đội N43 và thân nhân 48 gia đình liệt sĩ đã được các y, bác sĩ trẻ Thủ đô tư vấn, khám bệnh và phát thuốc miễn phí.

* Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức Lễ truy điệu và an táng 10 bộ hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trước đó, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập chín bộ hài cốt liệt sĩ tại các xã Thanh Thủy và Minh Tân, huyện Vị Xuyên. Đây là các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc và hiện vẫn chưa xác định được thông tin cá nhân. Một bộ hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm, quy tập tại thôn Trang, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên đã xác định được thông tin cá nhân là liệt sĩ Nguyễn Văn Sái, đội viên du kích xã Việt Lâm, hy sinh năm 1947 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

* Đoàn đại biểu Báo Công an nhân dân (CAND) tổ chức hoạt động về nguồn, tưởng niệm, báo công dâng Bác tại Khu di tích lịch sử Rừng Thông, ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; nơi cách đây 73 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần đầu về thăm Thanh Hóa nói chuyện, trao đổi với cán bộ, thân hào, trí thức, nhân dân trong tỉnh về đường lối kháng chiến, kiến quốc, đạo đức của người cán bộ cách mạng. Đây cũng là nơi Ty Công an Thanh Hóa mở đợt sinh hoạt chính trị tổng kiểm thảo theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND và phát động phong trào thi đua “Rèn cán bộ - Lập chiến công” trong toàn lực lượng Công an Thanh Hóa. Nhân dịp này, Báo CAND trao 30 suất quà, tổng trị giá 30 triệu đồng tặng các cán bộ, chiến sĩ, công an viên có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.