Nhân dân cả nước tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm nơi ở của đồng bào mới được di dời tránh lũ tại ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, trong chuyến đi kiểm tra, thị sát và chỉ đạo công tác cứu trợ nhân dân vùng bị lũ lụt và khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ngày 27 - 29-9-2000). (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm nơi ở của đồng bào mới được di dời tránh lũ tại ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, trong chuyến đi kiểm tra, thị sát và chỉ đạo công tác cứu trợ nhân dân vùng bị lũ lụt và khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ngày 27 - 29-9-2000). (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)

Tự hào về anh, người lính Cụ Hồ

Tôi nhập ngũ tháng 6 năm 1950, sau chiến thắng Điện Biện Phủ thì xuất ngũ, công tác ở địa phương. Anh Lê Khả Phiêu tiếp tục rèn luyện, chiến đấu, kinh qua nhiều chiến trường ác liệt, trưởng thành vững vàng trong môi trường quân đội. Sau này, anh được tổ chức tín nhiệm giao nhiều trọng trách trong quân đội và tiến tới giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng. Mỗi người một nhiệm vụ công tác cho nên mãi đến khi nghỉ hưu, tôi cùng các đồng khóa Trường Hữu Bộc - Trường Tây Sơn mới có dịp kết nối liên lạc với anh. Anh nhận lời tham gia ngay và còn nhắn: Nên tìm thêm anh em Trường Hữu Bộc xem nay còn sống hiện ở đâu. Tôi thấy còn thiếu một số anh. Điều ấy chứng tỏ anh rất nhớ đồng niên, đồng khóa, đồng ngũ.

Qua nhiều lần gặp gỡ, bạn bè đồng khóa chúng tôi đều chung cảm nhận anh vẫn giữ nguyên phẩm chất người lính, giản dị, gần gũi và giàu tình cảm. Anh thường về quê thăm bà con làng xóm, thắp hương dâng gia tiên trước hoặc sau ngày 23 tháng Chạp. Có ngày Xuân, anh đi thăm hết các gia đình trong thôn 1, xã Đông Khê, chúc Tết, mừng tuổi người già, trẻ em. Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, anh gặp gỡ ân cần động viên những người thương binh, bệnh binh khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Biết tin anh mất, chúng tôi ai cũng rưng rưng nước mắt nhớ anh. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật đời người. Anh đã sống hết mình vì đất nước, trọn nghĩa tình với Đảng, với dân, nay ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. Chúng tôi noi gương anh, tiếp lửa truyền thống cho các thế hệ sau này vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, thực hiện ước nguyện xây dựng quê hương, đất nước ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

NGUYỄN MẬT (Thôn 1, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

Người lãnh đạo gần gũi và sâu sắc

Là người làm báo cho nên tôi may mắn có một số lần được gặp và làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trong cảm nhận của tôi, dù với trọng trách là người đứng đầu của Đảng, từng là tướng lĩnh quân đội đã kinh qua trận mạc, có nhiều công trạng, có uy tín lớn, nhưng phong thái của ông vẫn gần gũi, thân tình, lời nói, việc làm thể hiện là người lãnh đạo có tầm nhìn, tư duy sâu sắc và cụ thể.

Kỷ niệm ghi nhớ nhất của tôi là lần đến nhà riêng của ông để phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 2014). Với tác phong nhà binh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xuất hiện đúng giờ tại phòng khách, niềm nở đón tiếp chúng tôi. Trong bộ áo đại cán mầu đen giản dị quen thuộc, ông thân mật bắt tay từng người. Mở đầu buổi phỏng vấn, ông vui vẻ khoát tay: “Hôm nay, tôi với các đồng chí là người nhà, là đồng đội nên có gì cứ trao đổi thoải mái nhé!”. Khoảng cách giữa chúng tôi thêm gần gũi, thân tình. Câu chuyện trao đổi về truyền thống của Quân đội ta, trong đó ông luôn nhấn mạnh chủ đề Bộ đội Cụ Hồ và tình đồng chí, đồng đội. “Điều đọng lại sâu lắng nhất sau nửa thế kỷ trong quân ngũ của tôi, đó là tình đồng đội - một tình cảm đặc biệt, gắn kết những người lính cách mạng với nhau, vượt qua khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù” - Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tâm sự mà cũng là lời khẳng định.

Tôi hỏi ông: “Trong những dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước, của Đảng và quân đội, đồng chí thường có cảm xúc, suy nghĩ gì?”. Sau phút lắng đọng, nguyên Tổng Bí thư nói như tâm tình: “Mỗi lần Đảng, Nhà nước ta tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn, như: Ngày thành lập Đảng, Quốc khánh, Ngày sinh Bác Hồ, ngày thành lập quân đội..., tôi thường ôn lại quá khứ, nhắc nhở bản thân nhớ ơn Đảng, Bác Hồ, nhân dân và quân đội, những anh em đồng chí... Đây cũng là dịp tự soi sửa mình để tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện. Tôi nghĩ rằng, công việc của người cách mạng, người chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhất là người cán bộ, lúc trẻ cũng như khi tuổi đã cao đều phải làm việc hết sức mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tôi năm nay cũng đã cao tuổi rồi, nhưng vẫn xác định, tim còn đập là còn cống hiến”...

Bài phỏng vấn được đăng trên số báo đặc biệt kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, với tiêu đề “Vinh quang, trách nhiệm - Bộ đội Cụ Hồ”. Giờ đây, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã về với “thế giới người hiền”, nhớ về kỷ niệm lần phỏng vấn gần sáu năm trước, tôi xúc động rưng rưng...

Thượng tá TRẦN HOÀNG TIẾN (Báo Quân đội nhân dân)

Biết ơn người lãnh đạo vì dân

Chưa bao giờ được gặp trực tiếp nhưng qua sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng, được hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tôi vô cùng khâm phục và biết ơn những đóng góp to lớn của ông trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nhất là khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, việc “mở cửa” hội nhập kinh tế đã gây ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới một số cán bộ lãnh đạo, quản lý với những biểu hiện tha hóa, biến chất, tham nhũng. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế và thể hiện quyết tâm chấn chỉnh đội ngũ thông qua việc quyết liệt đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm làm trong sạch bộ máy, giữ gìn sức chiến đấu của tổ chức đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.

Đối với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi, kể cả khi đã nghỉ công tác, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân nói chung và của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Không xa rời thực tiễn, ông thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi hoạt động trên các lĩnh vực và có nhiều ý kiến tâm huyết. Những khi có công trình hạ tầng quan trọng trong vùng được hoàn thành, đưa vào sử dụng hoặc diễn ra sự kiện kinh tế - xã hội có ý nghĩa, ông đều không quản ngại đường xa, đến dự chia vui với nhân dân. Thể hiện tình cảm gắn bó với nhân dân, với vùng đất mà đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh xương máu để bảo vệ, mỗi khi có dịp về thăm vùng căn cứ cách mạng, ông đều đến từng nhà thăm hỏi, động viên những cựu chiến binh, người dân, tới đâu cũng được đồng đội xưa, người dân chào đón với tình cảm quý mến, nồng ấm, chân thành.

HOÀNG ĐỨC THẮNG
(Khu dân cư Bình Nhựt, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)

Cả cuộc đời vì nước, vì dân

Lần cuối cùng tôi được gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là cuộc trò chuyện cho loạt phim “Việt Nam - hành trình xuyên thế kỷ” do Đài Truyền hình Việt Nam đặt sản xuất. Ông vẫn luôn vậy, trong bộ quân phục bạc mầu, nụ cười hiền hậu, giọng nói to rõ mà ấm áp, gần gũi.

Trải qua trận mạc đến thời hòa bình, từ vị trí người lính đến vị tướng hay người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông luôn đau đáu nỗi niềm phục vụ cách mạng, hết lòng vì nước, vì dân nhưng cuộc sống, nếp sinh hoạt vẫn đậm tác phong người lính, giữ nguyên kỷ luật quân ngũ, tự tay làm nội vụ như những chàng tân binh bước vào huấn luyện.

Mỗi lần tới thăm ông, bao giờ tôi cũng bước vào căn phòng thư viện của ông, ngăn nắp với vài nghìn đầu sách các thể loại được bố trí dễ tìm. Chủ nhân của thư viện ấy ngày ngày, đúng giờ là ngồi vào bàn làm việc, đọc sách, nghiên cứu kho tri thức của nhân loại. Những cuốn sách luôn được kẹp nhiều tờ giấy nhỏ ghi ghép cẩn thận.

Phần lớn cuộc đời ông là hành trình của người lính Cụ Hồ, mỗi bước chân đi luôn vì Tổ quốc mà phụng sự, với tấm lòng trung với Đảng, hiếu với dân mà vượt qua được mọi thử thách khó khăn, gian khổ. Bởi vậy cho nên dù ở cương vị nào, trong hoàn cảnh nào, ông cũng kiên định, nhiệt huyết với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân, nghĩa tình, thủy chung với đồng bào, đồng chí, đồng đội trong phong cách của một quân nhân, một người cộng sản chân chính. Nhớ về ông với niềm tự hào!

NÔNG THANH VÂN
(Đường Trần Ngọc Diện, phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh)